* Phóng viên: Hiện nay gần như chị gắn với việc làm phim, ít có tham gia diễn tại một sân khấu cố định nào? Phải chăng Thanh Thủy đã chán sàn kịch?
- NS Thanh Thủy: Không, tôi vẫn còn đam mê sân khấu, lửa nghề vẫn cháy trong tôi. Mỗi tháng tôi vẫn dành thời gian tham gia vài suất diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh để được khóc cười với các số phận nhân vật mà tôi mê đắm. Còn việc làm phim, tham gia các dự án giải trí khác cũng dính đến nghệ thuật. Công việc đến thì làm, để trút hết tâm trí vào đó. Cái nghề của chúng tôi rất lạ, làm việc là có thêm được nhiều cơ hội trải nghiệm, có thêm vốn sống để làm giàu thêm chất liệu cho nghề diễn.
* Chị vẫn là nghệ sĩ có tư duy đạo diễn, luôn tạo được nhiều dấu ấn đẹp qua những tác phẩm sân khấu rất nữ tính. Vì sao chị lại bỏ rơi công việc này?
- Tôi mới được lời rủ rê của một sàn diễn, nơi có sẵn nguồn kịch bản hay để dựng. Tuy nhiên, vẫn chưa sắp xếp được thời gian. Có nghe bà bầu Hồng Vân và Hồng Đào rủ cùng nhau “tỏa sáng” trở lại, nhưng không biết khán giả có còn chấp nhận ba cô đào “quá đát” này quay lại đóng những vai yêu đương, tình cảm bên cạnh mấy anh kép cũng “quá đát” không kém: Công Ninh, Hữu Nghĩa, Quang Minh…? Tôi không bỏ rơi trận địa đạo diễn vì đó là nghề chính của tôi, tôi được đào tạo ngành đạo diễn, lại nổi tiếng và được yêu mến với vai trò diễn viên mới lạ chứ. Nhờ vậy, kinh nghiệm diễn viên bồi đắp cho công việc đạo diễn. Nó hỗ trợ cho tôi nhiều lắm trong công tác quản lý sản xuất một bộ phim.
* Gần đây thấy chị tích cực tham gia công tác từ thiện. Điều này mang lại cho chị cảm xúc gì?
- Tôi có một nhóm bạn hữu làm việc thiện nguyện, cứ hằng tháng là tổ chức mang những phần quà trao tặng cho những mảnh đời bất hạnh ở miền núi, tây nguyên, có khi về các tỉnh miền Tây. Các chuyến đi đó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, làm cho tâm hồn tôi thêm hướng thiện, chung sức làm đẹp hơn cuộc sống cộng đồng đang còn nhiều khó nhọc.
*Thi thoảng vẫn được nghe chị nhắc đến quá khứ có những dòng chảy ký ức tuổi thơ rất đẹp. Sao chị không viết hồi ký?
- Chuyện đó quá vội đối với một nghệ sĩ như tôi. Song, những ghi chép cho bản thân, tôi không ngần ngại chia sẻ. Đó là những câu chuyện được nhặt nhạnh từ miền ký ức tuổi thơ. Với tôi, đó là hương vị của những tháng ngày thật dịu dàng, thật trong trẻo và không dễ đánh mất trong sự nghiệt ngã của cuộc sống hiện tại. Gia đình tôi có bốn chị em gái. Tôi có cá tính giống con trai, tinh nghịch và phá phách nổi tiếng. Mỗi dịp hè về, ba chở chị em tôi từ Long Khánh về Biên Hòa thăm nội, hoặc lên Sài Gòn để thăm bà ngoại. Đáng lý ra tôi có một người em trai nhưng năm lên 3 tuổi em bị sốt xuất huyết và qua đời. Ba má tôi khóc hết nước mắt, má dường như suy sụp tinh thần từ đó. Dù có hai miền quê nhưng tôi thích về quê nội hơn. Đó là một ngôi làng nằm bên sông Cù Lao Phố. Nhà nội rất đẹp, được xây theo kiến trúc xưa, có những hàng kiểng uốn hình con thú. Nếu có điều kiện làm phim về ký ức tuổi thơ, tôi sẽ chọn bối cảnh nhà nội của tôi.
* Chị thi Sư phạm nhưng lại vào nghề đạo diễn. Khởi nghiệp của chị có phần tréo ngoe với ước mơ của tuổi còn đi học?
- Đã có lúc tôi tự hỏi, chẳng biết duyên cớ nào lại đưa tôi đến với Trường Nghệ thuật Sân khấu II, nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Bởi, tôi đăng ký thi vào Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM, những ngày ôn thi ở đường Phạm Ngũ Lão, trên đường về tôi lại rẻ ngang trường Nghệ thuật sân khấu II. Tôi thấy đó là một ngôi trường có sức quyến rũ, nên tạt vào xem mọi người đang ôn thi. Thú thật hồi còn đi học, tôi giỏi môn văn nên đọc thông báo thi văn, sử và làm tiểu phẩm là tôi khoái chí ghi danh thử. Được mấy anh sinh viên học năm 2, năm 3 thấy tôi hiền lành nên nhào vô giúp đỡ, hướng dẫn, một phần tôi cũng năn nỉ các anh ấy nên tôi đã được lọt qua vòng thi tiểu phẩm. Thầy tôi, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc mỗi buổi học ông thường chú ý quan tâm đến tôi, vì ông biết tính tôi nhút nhát, dễ bỏ cuộc. Gia đình hay tin tôi theo ngành sân khấu không mấy bằng lòng nhưng không phản đối. Đúng là số tôi tréo ngoe, lúc ra trường thất nghiệp phải đi bán giày dép, sau đó mới làm diễn viên, dù được đào tạo ngành đạo diễn.
Khán giả nhớ đến chị với nhiều tác phẩm sân khấu văn học, thế nhưng nghề diễn viên đã kéo chị đi xa, có lúc tưởng rời xa cái nghề mà mình được đào tạo chính qui. Nhìn lại chị có thấy hối tiếc?
- Trái lại tôi cảm ơn nghịch cảnh đó, vì điểm lại tôi đã có trong tay khá nhiều vai diễn tâm đắc: Từ vai độc cho đến vai hiền, từ vai tính cách đến nhân vật già hơn tuổi đời của mình. Có thể từ sau vai Đông Nghi (vở “Xóm nhỏ Sài Gòn”), tôi may mắn có thêm nhiều vai để khán giả nhắc đến mình như: bà Tám bán bánh phồng (“Nắng chiều”), bà Bảy (“Tình gần”), bà giám đốc (“Tôi chờ ông đạo diễn”), Vân (“Khúc nguyệt cầm”), Tiên (“Những giấc mơ riêng”), Milady (“Ba chàng lính Ngự Lâm”)...nhưng được bạn bè và ông xã khen nhất vẫn là vai bà Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi”, một sắc màu lạ đối với tôi và mang về cho tôi giải Mai Vàng. Thật ra cái chất của tôi không hợp lắm với dạng vai độc, nên khi thể hiện nhân vật này tôi không thích khai thác cái ác, mà lý giải bi kịch của một người đàn bà ham mê quyền bính bằng sự hối hận. Trải qua gần 20 năm từ sau vai Út Lượm dung dị, ngơ ngác trong vở “Sông dài”- giai đoạn tôi gắn với đoàn kịch Trẻ, đến nay tôi đã có nhiều vai phụ nữ từng trải.
NS Thanh Thủy tốt nghiệp lớp đạo diễn khóa 6 (1982-1987), nhưng lại gắn liền với vai trò diễn viên. Trong hai năm qua chị đã đầu tư cho nghề dàn dựng, đi vào những kịch bản mang tính thể nghiệm. Năm vở kịch truyền hình đã tạo được dấu ấn khi phát sóng: “Phía sau đôi mắt”, “Ngày ấy 20 năm sau”, “Tìm con cá lặng”, “Khoảng tối phía sau” và “Bão tố ngoài khơi”...đã giúp chị đánh dấu cuộc trở về với chiếc nôi nghệ thuật bằng thái độ tìm tòi sáng tạo và nhất là chắt chiu cơ hội cho diễn viên trẻ.
Bình luận (0)