Nghe tin NSND Ngọc Giàu họp báo làm live show không ít người quan tâm, có người khen chị còn máu lửa với nghề, cũng có người nói chị đánh bóng tên tuổi. Bất chấp dư luận, NSND Ngọc Giàu cho biết còn sống là bà còn diễn.
Luôn nhớ mình là nghệ sĩ cải lương
60 năm gắn bó với nghề, tính từ cột mốc cô bé Ngọc Giàu 10 tuổi theo anh ba đi hát sơn đông mãi võ ở khắp vùng ven Sài Gòn cho đến hôm nay nghệ danh Ngọc Giàu đã được khán giả khắp nơi yêu mến.
Thời sàn diễn cải lương lao đao, bà “gá nghĩa” với hài kịch, về trụ tại Sân khấu Kịch Sài Gòn của ông bầu Phước Sang, cùng với nghệ sĩ Hồng Nga làm thành bộ đôi hoàn hảo yểm trợ tuyến dàn bao cho dàn diễn viên trẻ mà tên tuổi của họ ngày nay đều được xem là sao: Hồng Vân, Hữu Châu, Minh Nhí, Kiều Oanh, Việt Hương, Hoàng Sơn, Quyền Linh, Tuyết Thu, Bảo Châu…Thế nhưng bà không nhìn sàn diễn cải lương với cái nhìn bi quan, bởi “nhiều nguyên nhân khiến nó tụt dốc, nhưng rồi tôi tin theo chu kỳ quay vòng, hết kịch đến phim, hết phim, khán giả lại quay về với sân khấu cải lương là món ăn quốc hồn, quốc túy của dân tộc” - bà tự tin.
“Thời diễn kịch đông kín khán giả, tôi với Hồng Nga cứ thấy có cơ hội chêm vào kịch vài câu vọng cổ hoặc bài bản cải lương là chúng tôi cứ đưa vào. Khán giả chịu lắm, vỗ tay ầm ầm. Thỉnh thoảng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mời làm vở cải lương rồi Sân khấu vàng ra đời, diễn lại vở tuồng “Tình mẫu tử” của soạn giả NSND Viễn Châu, thế là tôi lại quay về, kéo theo một số lượng khán giả trẻ của kịch bước sang sân khấu cải lương, họ xem rồi thích quá, mỗi khi gặp lại hỏi, khi nào cô hát cải lương thì tụi cháu sẽ đi xem” - NSND Ngọc Giàu chia sẻ.
Và cách đây 7 năm, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung đã dàn dựng thành công chương trình live show “Khúc tương tư” của chị diễn tại Trung tâm Giải trí Quốc Thanh. Dù trời mưa ầm ầm, chương trình vẫn cháy vé, đông đảo khán giả đến để cùng khóc cười với các trích đoạn cải lương hay: “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”, “Hoa cuối mùa”, “Thần tượng thật”, “Chồng của mẹ”…
“Nói gá nghĩa tạm bợ với hài kịch thì nghe có vẻ phũ phàng quá, trên thực tế, tôi là nghệ sĩ không thích ngồi yên. Hồi đó có bài báo viết rằng tôi bỏ cải lương về sống với kịch và xem diễn hài kịch là công việc mưu sinh qua ngày, nói vậy tội cho tôi. Sống với nghề mà đứng núi này trông núi nọ, thấy trăng quên đèn là bạc. Mỗi “cuộc chơi” cho tôi nhiều bài học quý để bồi đắp thêm cho nghề hát. Tôi xuất thân là diễn viên cải lương, nên làm gì cũng về với nguồn cội. Được bà con thương thì lĩnh vực nào cũng phải làm thật tử tế và gần 20 năm sống với hài kịch, 60 năm sống với cải lương, vài năm gần đây lại đóng phim truyền hình, tôi cố gắng sao cho mỗi chặng đường mình đi khi nhìn lại không hổ thẹn với nghề” - nữ nghệ sĩ được mệnh danh “giọng ca lụa trải nhung căng” tâm sự.
Không chấp nhận tiếng cười dễ dãi
Khi chọn chủ đề “Duyên lắm người ơi!”, NSND Ngọc Giàu xác nhận diễn hài khó gấp trăm lần diễn vai bi thương. Bà không thuộc dạng người chọn diễn hình thể để gây cười, lấy cái nhố nhăng, cường điệu để che lấp nội dung câu chuyện và tình huống gây hài. “Để khán giả khen “có duyên lắm!”, không đơn giản chút nào. Ngày nay, các em trẻ dễ cười quá, thấy trên màn ảnh các danh hài diễn sao, làm gì cũng cười được, nhưng rồi đọng lại điều gì sau tiếng cười thì không có” - bà phân tích.
Thế nên hiếm hoi có một NSND Ngọc Giàu ra tận đất Bắc thọ giáo bậc thầy đạo diễn sân khấu - NSND Đào Mộng Long. Để học tiếng cười Đổng Trác vang vang với cách lấy hơi từ bụng, rồi ém tiếng cười nghe như chuông, pha chút bởn cợt cho ra tính cách một tên gian hùng có “máu dê”, bà tìm gặp NSND Thành Tôn - “vua thể hiện các vai tính cách trên sân khấu hát bội miền Nam”, hoặc để diễn vai Lục Vân Tiên, vai giả trai, bà thọ giáo cố nghệ sĩ Kim Cúc (vợ NSND Năm Châu), 3 tháng ròng rã chỉ để luyện múa thương, đi xuyến, xòe chiếc quạt đúng điệu một kép võ. Và một Ngọc Giàu lấn sân vào bất cứ sàn diễn nào cũng có mặt từ đầu đến khi 2 cánh màn nhung sân khấu khép lại. “Để chi? Để xem đồng nghiệp diễn cho đến hồi kết, thấy vở diễn đó, chương trình đó có bao nhiêu điểm nhấn, bao nhiêu hạt sạn cần phải nhặt ra mang về làm vốn kinh nghiệm cho nghề” - bà giải thích.
Danh hài Hoài Linh nói: “Nể má Giàu là vậy! Hiếm khi nào má đi trễ về sớm, dù mệt cũng xem cho hết tuồng. Hôm nay đứa nào diễn tệ, vào cánh gà má nhắc nhở. Hài kịch có má như có thêm cái gương để anh em trẻ soi mình”.
Nghệ sĩ Tú Trinh còn nhớ: “Hồi đó diễn vở “Thương đâu gả đó”, mỗi đêm Trung Dân diễn một kiểu hài, chị Sáu Giàu rầy, sáng tạo gì cũng phải theo khuôn khổ, đừng vì bản thân mình mà rối đội hình, gây khó bạn diễn. Ở chị tính đồng đội đặt lên trên hết”.
Và những ngày qua, trên sàn tập rạp Công Nhân, NSND Ngọc Giàu cùng với Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Phương Thanh, Minh Thuận… đã vật lộn với những vai diễn cùng nhau tung hứng tiếng cười, để mỗi trích đoạn hài mang lại những suy ngẫm cho khán giả sau những phút giây giải trí thú vị.
Tái hiện những vai diễn ghi dấu ấn
Chương trình live show NSND Ngọc Giàu “Duyên lắm người ơi” do Sân khấu Sen Việt - Nhà hát Kịch TP HCM tổ chức sẽ diễn 2 suất tại rạp Công Nhân vào tối 16 và 17-7.
Chương trình có 6 tiết mục với 6 vai diễn hài đã được khán giả yêu mến trong suốt 20 năm bà gắn bó với bộ môn này, đó là: Bảy Cán Vá (vở “Đời cô Lựu”) sẽ diễn cùng diễn viên Dương Lâm (Quán quân cuộc thi Cười xuyên Việt); “Đổng Trác cưới vợ” - tái diễn lại nhân vật giả trai Đổng Trác đã từng được bà thể hiện cách đây 40 năm trong tác phẩm “Phụng Nghi Đình” của NSND Phùng Há (cùng diễn với nghệ sĩ Trấn Thành vai Điêu Thuyền, nghệ sĩ Trường Giang diễn vai quan Tư Đồ); trích đoạn “Tình em duyên chị”, dựa theo truyện cổ tích dân gian Tấm Cám (NSND Ngọc Giàu diễn vai Cám, nghệ sĩ Hoài Linh diễn vai mẹ Cám và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lần đầu tiên đóng vai nàng Tấm) và ca cảnh: “Nỗi lòng của mẹ” (NSND Ngọc Giàu sẽ diễn cùng các nghệ sĩ, ca sĩ: Phương Thanh, Minh Thuận, Tuấn Anh, Hoàng Oanh Oanh).
Bình luận (0)