xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Quang Thọ: Tiếng hát không già

Hoàng Lan Anh

Ở tuổi 67, NSND Quang Thọ vẫn giữ cho mình giọng hát đi cùng tháng năm và niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, nghe tiếng hát Quang Thọ qua những ca khúc: Tình ca, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, Tổ quốc gọi tên mình…, người ta lại thấy cháy trong mình lòng tự hào, tình yêu Tổ quốc. Giọng ca hào sảng nhưng cũng đầy tình cảm chạm đến trái tim người nghe bằng những thanh âm dồn dập đậm chất hùng tráng nhưng cũng vui tươi. Quang Thọ hát bằng lời của người dân lao động và cả những chiến sĩ đang chiến đấu, giúp khán giả cảm nhận về đất nước trọn niềm vui.

Hát để giữ lửa nghề

Cuộc trò chuyện với NSND Quang Thọ bắt đầu ngay khi ông chuẩn bị lên đường ra sân bay về Hà Nội sau hai đêm diễn kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước tại TP HCM. Giọng ca Lá đỏ cho biết dù đã ở tuổi gần 70, ông vẫn đi hát thường xuyên, không chỉ ở Hà Nội mà còn đến các địa phương khác. Với Quang Thọ, hát để giữ được lửa nghề, lòng say mê. Qua những buổi diễn, tình yêu âm nhạc của ông được nối dài trong những tràng pháo tay của khán giả.

Sinh ra và lớn lên trên đất Quảng Ninh, NSND Quang Thọ được nuôi dưỡng bởi truyền thống âm nhạc đã có từ nhiều năm trước. Lý giải về việc Quảng Ninh luôn có duyên lành với nhiều giọng hát hay, đặc biệt là các ca sĩ dòng nhạc cách mạng, NSND Quang Thọ tâm sự rằng vì Quảng Ninh là vùng đất mới, dân tứ xứ đều đến đây làm than và họ mang theo cả văn hóa của vùng miền mình. “Quảng Ninh tựu trung rất nhiều văn hóa của các tỉnh - thành, có thể coi là văn hóa của nước Việt Nam thu nhỏ. Không chỉ tân nhạc mà cả tuồng, chèo, cải lương cũng rất hay, phong trào ca hát của Quảng Ninh rất sôi nổi” - ông tự hào về quê hương mình. Cũng chính nhờ phong trào ca hát quần chúng, cả NSND Quang Thọ và NSND Lê Dung, người mà ông coi là em thân thiết, cùng nổi tiếng trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp của mình. NSND nguyên là Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội vẫn nhớ như in 50 năm trước, anh công nhân điện ở mỏ than Cọc 6 Quảng Ninh dù bất cứ đâu, trong hầm lò hay trên công trường, đều cất cao tiếng hát. Những năm bom đạn ác liệt, để bảo đảm nguồn than cho tàu vào cảng, người thợ mỏ phải tay cuốc tay xẻng, làm việc không kể ngày đêm trong điều kiện khắc nghiệt. Chính tiếng hát Quang Thọ là nguồn cổ vũ tinh thần cho những người thợ mỏ và sự động viên, khích lệ, niềm vui của người thợ mỏ lại chắp cánh cho tiếng hát của ông bay cao.

Rồi từ hầm lò, tiếng hát Quang Thọ ra chiến trường. Người lính trên các mặt trận được sống trong những giai điệu hào hùng, những ca từ thấm đượm tình yêu quê hương đất nước qua giọng ca opera xuất sắc của nền âm nhạc Việt Nam. Quang Thọ được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993, khi ông 45 tuổi; 8 năm sau đó, ông tiếp tục nhận danh hiệu NSND như một sự ghi nhận xứng đáng của khán giả cho một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc chính thống.

 

NSND Quang Thọ luôn đào tạo các giọng ca trẻ Ảnh: Hải Bá
NSND Quang Thọ luôn đào tạo các giọng ca trẻ Ảnh: Hải Bá

 

Gần nửa thế kỷ ca hát, Quang Thọ đã để lại dấu ấn riêng đậm nét trong các ca khúc, trường ca xếp vào loại “khó hát”, như: Sông Lô (Văn Cao), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Tôi là người thợ mỏ (Hoàng Vân)… Giọng hát của ông cũng đặc biệt phù hợp với những ca khúc có giai điệu bay bổng trữ tình như Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Biệt ly (Dzoãn Mẫn), Tình ca (Hoàng Việt), Lá đỏ (Hoàng Hiệp), Tâm tình người thủy thủ (Hoàng Vân)…

Tài năng của NSND Quang Thọ không chỉ khẳng định trên các sân khấu trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Ông đã từng nhận nhiều giải thưởng lớn: giải nhất Tiếng hát sinh viên thế giới tại Đức, giải thưởng Liên hoan ca nhạc tại Mông Cổ… Tiếng hát của ông đã được đón nhận cả ở những quốc gia là cội rễ của thính phòng cổ điển.

Thầy của các “ngôi sao”

Không chỉ được biết đến như một giọng hát đẹp, bay bổng, NSND Quang Thọ còn được quý mến bởi sự tận tâm trên cương vị người thầy. Đã có rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ sự dìu dắt của ông, như: Lan Anh, Trọng Tấn, Đăng Dương, Anh Thơ, Hoàng Thái, Hoàng Tùng, Tùng Dương, Khánh Linh...; lớp sau này có Tân Nhàn, Lê Anh Dũng, Lương Nguyệt Anh, Hà Hoài Thu… NSND Quang Thọ cho biết dù không còn làm quản lý nhưng ông vẫn dạy các học trò như khi chưa nghỉ hưu. “Công việc của tôi là đào tạo các giọng ca trẻ nên luôn phải gắn bó với các em. Các em cũng đều có những đóng góp nhất định cho âm nhạc nên cần động viên, hướng dẫn” - NSND Quang Thọ cho hay khi được hỏi về lý do luôn xuất hiện trong các buổi ra mắt album mới hay live show của các học trò.

Khi chúng tôi hỏi trong rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, ai là học trò xuất sắc của ông, NSND Quang Thọ nói: “Rất khó trả lời”. Theo ông, các ca sĩ rất đa dạng, có người thích nhạc này, người thích dạng nhạc kia nhưng dù với ai thì tùy theo sở trường của họ mà ông hướng dẫn để phát huy được khả năng chứ không khiên cưỡng yêu cầu phải theo mình. “Mỗi người đều có thế mạnh riêng, không thể đánh giá được ai hơn ai. Nhưng điều tôi có thể khẳng định là mình tự hào vì đã tạo nên một lớp ca sĩ tài năng, nay đều đã trở thành những giảng viên đầy kinh nghiệm. Tôi vui vì đã tạo ra những “máy cái” để các em tiếp tục đào tạo sinh viên thành những ngôi sao ca hát” - NSND Quang Thọ chia sẻ.

Nhìn lại cuộc đời âm nhạc của mình, NSND Quang Thọ nói rằng ông luôn cảm ơn những gì số phận đã dành cho mình. Một gia đình nhỏ hạnh phúc, luôn ngập tràn trong âm nhạc và một sự nghiệp đáng ước mơ. Khi được hỏi nhiều người tìm mọi cách để nổi tiếng, còn ông khi đã ở trên đỉnh cao sự nghiệp thì nhìn sự nổi tiếng của mình như thế nào, NSND Quang Thọ cười đáp: “Tôi chỉ muốn sống giản dị như tất cả những người bình thường khác”.

 

Đừng miễn cưỡng với ca khúc cách mạng

Xu hướng làm mới nhạc cách mạng đang được nhiều nhạc sĩ đặt ra. NSND Quang Thọ cho rằng điều này cũng giống như nhạc nước ngoài, có những bài rất cổ điển được phối lại theo kiểu mới nhưng rất hay vì nó khoa học, đúng kiểu và hợp lý. “Những ca khúc truyền thống, bài nào có tiết tấu, giai điệu hợp lý thì hãy cách tân, đừng khiên cưỡng bắt người nghe phải nghe tất cả những bản phối mới vì sẽ lố lăng, không đúng”- giọng hát Tình ca tâm sự. Lý giải thêm về việc khán giả không “cảm” được cái hay khi không ít ca sĩ trẻ hát ca khúc cách mạng, ông cho rằng nhiều ca sĩ bây giờ chưa truyền tải hết cảm xúc và ý nghĩa của bài hát bởi họ không có được những trải nghiệm. “Tất nhiên, không nhất thiết phải sống qua chiến tranh mới hát hay ca khúc cách mạng nhưng các em phải tìm hiểu để cảm được cái hay, ý nghĩa lịch sử của bài hát, như thế tiếng hát mới đi vào lòng người” - NSND Quang Thọ nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo