Phóng viên: Nhắc Trọng Hữu là khán giả nhớ ngay đến nghệ sĩ có chất giọng trầm buồn, đôi mắt cũng “đượm sầu bất hủ”. Đó có phải là phong cách ca diễn của ông?
- NSND Trọng Hữu: Hơn 50 năm theo nghề, tôi không thể quên tiếng đờn cò của ông nội mình, ông Bảy Cò Điển, người nổi tiếng với ngón đờn cò da diết. Cha tôi thích đờn guitar phím lõm, bạn thân với danh cầm Văn Vĩ một thời. Sau này, cha tôi gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9. Từ năm 10 tuổi, tôi đã được ông nội dẫn đi ca hội đình, liên hoan sau mùa gặt và ca đám cưới. Tiếng đờn của ông tôi buồn lắm vì cả đời chịu nhiều mất mát, khó nhọc. Sống len lỏi trong các bưng biền, ông tôi có tính hay giúp đỡ mọi người, còn 1 đồng trong túi mà thấy người hoạn nạn cần giúp đỡ thì cũng móc ra cho. Giọng ca tôi buồn là vì theo ông đi tứ xứ, thấy cảnh dân mình lầm than trong đói khổ, tiếng đờn của ông nhào nặn trong tôi sự than oán cho một kiếp người. Nó lớn dần, hình thành trong tôi một chất giọng cộng hưởng với thổ ngữ của miền sông nước Hậu Giang nên lúc nào nghe cũng buồn da diết. Riêng đôi mắt, cha mẹ sinh sao tôi để vậy, có cười thì cũng thấy buồn man mác.
Chất giọng trầm ấm của ông không lẫn vào ai được. Nói ông khởi nghiệp quá thuận lợi và may mắn liệu có đúng không?
- Có lần tôi ngồi ca theo ông nội rồi học đờn, cha xoa đầu nói suốt ngày cứ ham ca hát, lớn lên làm gì mà ăn hả con? Tự dưng tôi thưa với cha: “Con sẽ giống ông nội và cha là đi đờn, ca để kiếm sống”. Vậy là cuộc đời tôi gắn với ánh đèn sân khấu. Năm 16 tuổi, tôi chính thức theo cha vào Đoàn Văn công Tây Nam Bộ, trở thành bộ đội thuộc Tiểu đoàn Thông tin. Trưởng thành từ kháng chiến, sau khi Đoàn Văn công Tây Nam Bộ hoàn thành sứ mệnh lịch sử, tôi được phân công về Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang. Gần 20 năm trong vai trò trưởng đoàn, sau đó tôi về Đoàn Cải lương Tây Đô, rồi đầu quân về Đoàn Cải lương Trần Hữu Trang 1. Nền tảng của gia đình cho tôi vững lòng tin theo nghề. May mắn chỉ là phần nhỏ, còn lại tôi phải nỗ lực hết mình. Tôi học đủ cách để vào nghề hát, kể cả quản lý đoàn hát.
Ông hợp với những vai kép có số phận hẩm hiu như: Điệp trong vở “Lan và Điệp”, Hàn Mặc Tử, tướng cướp Bạch Hải Đường... trong tác phẩm cùng tên. Trong hơn 100 vai diễn của mình, ông thích nhất vai nào?
- Tôi yêu thơ ca nên dễ đồng cảm với nhân vật Hàn Mặc Tử. Hơn nữa, khi gặp thầy Bảy (NSND Viễn Châu), ông nói sau nghệ sĩ Hùng Cường, vai này tôi đã tạo thêm một sức hút đặc biệt qua cách ca, diễn về đoạn trường bi ai trong tình đời của nhà thơ bất hạnh này. Tôi thích cái tứ của câu chuyện mà thầy Bảy đã viết, đó là tạo sự ăn năn trong tâm hồn thi sĩ, yêu quá nhiều và rồi khi tàn phế thì gửi khối tình chênh vênh đó cho thôn nữ Mai Đình. Trong cuộc sống, tôi cũng yêu nhiều nhưng rồi khi cưới vợ, biết dừng lại để giữ hạnh phúc cho gia đình mình. Biết bao nhiêu cánh thư tỏ tình của khán giả nữ gửi cho Hàn Mạc Tử - Trọng Hữu sau khi xem tôi diễn. Tôi giấu bà xã đọc nhưng không dám trả lời, chỉ để làm kỷ niệm bởi đó còn là chất liệu để nhân vật Hàn Mạc Tử của tôi tiếp tục thăng hoa trên sân khấu.
Không ồn ào như giới showbiz, phải chăng khi đạt đến danh hiệu NSND, ông chẳng mong muốn thêm điều gì?
- Tính tôi học từ ông nội, sống không bon chen, không chụp giật. Việc gì đến thì làm, xong thì cất vào trí nhớ, tiếp tục đón nhận công việc mới. Tôi mang ơn rất nhiều người để có được vị thế trong nghề. Danh hiệu NSND là niềm tự hào của tôi, của tập thể những nghệ sĩ đã từng gắn bó với Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, Đoàn Cải lương Tây Đô. Nhưng đó cũng là áp lực vì các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị trước tôi như: Út Bạch Lan, Minh Vương, Thanh Tuấn… và ngay cả với thầy Đoàn Bá, Trần Minh Ngọc rất xứng đáng được xét tặng danh hiệu này nhưng chưa được. Tôi thấy mình quá may mắn. Với tôi, danh hiệu cao quý chưa là điểm dừng mà phải làm công tác truyền nghề, trao lại cho đời những gì mình đã học.
Thực hiện 5 DVD “Con sáo sang sông”, góp phần quảng bá ngành du lịch sông nước, phải chăng đó là tâm nguyện của ông?
- Tôi rất thích bài hát “Con sáo sang sông” của soạn giả Diệp Vàm Cỏ. Là nghệ sĩ được hưởng lương hưu, tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó cho quê hương xứ sở từng che chở, bảo bọc mình. Vì vậy, tôi đầu tư cho 5 DVD mang chủ đề “Con sáo sang sông”. Bài hát gắn liền với địa danh nào, tôi đều quay hình đúng địa danh đó; dựng lại hình ảnh sinh hoạt của người dân địa phương theo đúng phong tục, tập quán văn hóa, ẩm thực để quảng bá du lịch vùng sông nước. Đó là món nợ ân tình tôi đã trả cho quê hương mình. Đồng thời, tôi đang lên kế hoạch viết lại giáo trình giảng dạy đờn ca tài tử của ông nội; viết về sự hình thành và phát triển của văn hóa ĐBSCL. Tôi hài lòng với chính mình khi nhìn lại những gì đã làm cho đời, cho nghề.
Thời nay, mỗi suất diễn ở nông thôn không còn thu hút hàng ngàn khán giả. Các vở diễn dài được thay bằng chương trình tổng hợp. Ông có chạnh lòng trước sự đổi thay này?
- Có buồn nhưng chấp nhận. Xu thế thay đổi kéo theo chuẩn mực để đánh giá chất lượng một suất diễn cũng thay đổi. Qua rồi cảnh khán giả chen lấn mua vé vào xem một vở cải lương do kịch bản không hay, hát mãi vở cũ mà thành phần nghệ sĩ không hấp dẫn. Vì vậy, các cấp lãnh đạo phải nghiên cứu để có chiến lược, đặt vào xu thế mới những chân trụ vững chắc từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên, dàn nhạc cổ. Hình thức thể hiện phải mới thì cải lương sẽ mới. Lời dạy của các bậc tiền bối như kim chỉ nam cho cải lương: Cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
Phải chú trọng đến tiến bộ và văn minh. Không lý nào xem cải lương mà vẫn xem những bục bệ cũ kỹ, rạp hát nóng bức, xuống cấp hoặc sân bãi sình lầy mãi.
Con gái ông từng theo nghề diễn viên nhưng rồi đã dừng lại. Vì vậy, việc tìm hậu duệ chắc là điều ông quan tâm?
- Con gái tôi sau khi lập gia đình đã rời sàn diễn. Phụ nữ nặng gánh lo toan. Hậu duệ không có thì tìm học trò truyền nghề. Tôi quan tâm đến một lực lượng kế thừa. Cái cách dạy nghề của ông nội tôi là luôn cho bơi qua rạch, rồi mới đưa ra sông, đẩy ra biển. Nôn nóng nổi danh mà chưa biết bơi thì chết đuối. Từ 2 chiếc nôi nghệ thuật Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang và Đoàn Cải lương Tây Đô, nhiều học trò của tôi đã thành danh, vững vàng và bền bỉ với nghề.
Ông là nghệ sĩ không dính đến tai tiếng gì cho đến giờ này?
- Tôi là người sống mực thước, không thích ồn ào. Tôi làm chủ đời mình, không phỉ báng danh dự bản thân và người khác chỉ vì chơi ngông, như một số người quan niệm: “Nghệ sĩ phải sành đời”. Với tôi, cần sành nghề, không cần sành đời. Sống tử tế thì đời sẽ cho nghề những bài học quý.
Nhiều vai diễn để đời
Năm 1966, NSND Trọng Hữu bắt đầu đến với sự nghiệp ca hát ở Đoàn Văn công tỉnh Cần Thơ. Năm 1974, ông về Đoàn Cải lương Tây Nam Bộ. Từ năm 1975 đến nay, ông đã công tác tại Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, Đoàn Sân khấu mới Kiên Giang, Đoàn Văn công TP HCM, Đoàn Cải lương Tây Đô...
Năm 1976, ông là giọng ca nổi tiếng trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM khi ca chung các bài vọng cổ với những nghệ sĩ: Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Minh Vương, Thanh Tuấn…
Năm 1997, ông được nhà nước phong danh hiệu NSƯT. Năm 2016, ông được phong danh hiệu NSND.
Vai diễn đầu tiên: Trần Quốc Toản trong vở “Trần Quốc Toản ra quân”. Những vai diễn ấn tượng: Hàn Mặc Tử (vở diễn cùng tên), Điệp (vở “Lan và Điệp”), Đại Thạch (vở “Tình yêu và tướng cướp”), Minh (vở “Tô Ánh Nguyệt”), Hoàng (vở “Ân oán giang hồ”), Bạch Hải Đường (vở “Tướng cướp Bạch Hải Đường”)… Đã quay trên 60 vở cải lương video và truyền hình, thu âm 200 bài tân cổ giao duyên, vọng cổ và diễn trên 100 vai.
Bình luận (0)