. Phóng viên: Điều gì khiến anh từ một diễn viên lại dấn thân vào con đường đạo diễn điện ảnh?
- NSƯT Bùi Cường: Tất cả đều bắt đầu từ sự đam mê và “say” nghề. Những phim của tôi làm ngày đó như Người hùng râu quặp, Kẻ cướp cô dâu, Chuyện tình ngôi sao... đều do tôi tự bỏ vốn, tự tiêu thụ, phải đích thân đưa phim của mình đi trình chiếu ở nhiều nơi và cũng phải đối mặt với nạn ăn cắp bản quyền.
Tuy nhiên, cũng chính từ những “cuộc chiến” trên thương trường ấy mà tôi được Đài Truyền hình Việt Nam chú ý, mời đạo diễn rất nhiều bộ phim truyền hình dài tập như Trở lại bến xưa, Khi con tu hú gọi bầy, Vào đời, Áp thấp nhiệt đới... Năm 1996, bộ phim nhựa Người đàn bà không con do tôi đạo diễn (Hãng phim Giải Phóng sản xuất) đoạt giải Phim truyện đầu tay xuất sắc nhất. Sau đó, tôi lại “vào cuộc” cùng phim nhựa Mái trường yên tĩnh, 5 ngày trong đời vị tướng... Mặc dù không được đào tạo trường lớp đạo diễn chính quy, nhưng từ kinh nghiệm mà tôi đã trải qua trong quá trình làm diễn viên, tôi đã làm tốt vai trò của mình.
. Và anh cũng rất thành công khi “du Nam” làm phim. Anh cảm nhận thế nào về cách làm phim giữa hai miền Nam - Bắc?
- Cầm trên tay kịch bản phim Vị tướng tình báo và hai bà vợ nói về những chiến sĩ từ Bắc vào Nam hoạt động, tôi bỗng có suy nghĩ khá táo bạo: Phải du Nam làm phim một chuyến. Những ý tưởng của tôi được Hãng phim TFS đồng cảm, 29 tập phim đã được “rót” kinh phí thực hiện. Có thể nói, cách làm phim ngoài Bắc khá “bằng phẳng”, nghĩa là dàn đều cho các đề tài, còn ở miền Nam nếu đề tài hay, có vấn đề sẽ được đầu tư cao hơn. Và với bộ phim du Nam đầu tiên ấy, tôi may mắn nhận được huy chương vàng trong Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc 2004.
. Bộ phim truyền hình tình báo Trò chơi sinh tử (20 tập) do anh đạo diễn, TFS sản xuất sẽ ra mắt vào đầu tháng 9 này?
- Đúng vậy. Bộ phim này thực hiện theo chuyên án có thật CM12, khi Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Quý cùng đồng bọn về Cà Mau thì bị cảnh sát bắt gọn, đồng thời ta cũng dùng họ làm con tin để phá nhiều chuyên án khác. Phim có sự tham gia của các diễn viên hai miền Nam - Bắc: Hoàng Phúc, Kim Thanh Thảo, Hoàng Ni, Xuân Trường, Văn Báu, Quốc Anh... Bối cảnh của phim rất phức tạp, từ TPHCM đến Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Cà Mau... Hơn một năm trời, tôi đã “sống” với muỗi rừng U Minh, uống rượu đế và thưởng thức những món ăn “rặt” miền Tây. Dù bộ phim này đã “lấy” mất của tôi... nhiều sức lực nhưng tôi thật sự cảm thấy hài lòng và rất thú vị.
. Trở vào Nam lần này, anh lại tiếp tục với bộ phim hình sự Luật giang hồ?
- Rất tình cờ, tôi đọc được kịch bản của anh Nguyễn Minh Chí và cảm thấy “hút” ngay. Anh Chí vốn là một nhà báo nên toàn bộ tư liệu của kịch bản được anh thu thập trong quá trình làm báo cùng những bài của anh đã đăng tải trên Báo Tiền Phong rất độc đáo. Sau khi bàn bạc, tôi quyết định bắt tay thực hiện. Phim dài 50 tập gồm 25 vụ án có thật xảy ra trên địa bàn giáp ranh TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương với sự hỗ trợ của 3 cơ quan chức năng trên đã phá án Dũng chim xanh, Phước tám ngón, Hùng bảy búa... (Hãng Phim truyện Việt Nam phối hợp với HTV sản xuất).
Tôi sẽ khai thác mạnh yếu tố hồi hộp gay cấn của những pha hành động. Đặc biệt, những chi tiết về nghiệp vụ công an trong tiến trình phá một vụ án và nghiệp vụ báo chí trong quá trình điều tra được tôn trọng tuyệt đối. Diễn viên Kinh Quốc sẽ vào vai nam chính - trung úy cảnh sát hình sự, yêu nghề, bản lĩnh, để điều tra phá án phải dấn thân vào hang ổ của bọn cướp và đối mặt với biết bao nguy hiểm. Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của diễn viên Hoàng Phúc, Kim Thanh Thảo, Xuân Đào, ca sĩ Thanh Ngọc... Hiện các diễn viên này đang tích cực tập luyện võ thuật, học bắn súng cũng như các “món ăn chơi” để sẵn sàng dấn thân vào những ổ tệ nạn của giới thượng lưu. Phim này sẽ “lấy” tiếp của tôi khoảng thời gian một năm nữa.
Bình luận (0)