NSƯT Minh Vương xúc động khi bắt gặp lại hai hiện vật mà ông đã từng trao tặng cho Bạc Liêu cách đây 10 năm, đó là chiếc nón ông sử dụng trong vở Tô Ánh Nguyệt (ông đóng vai Minh lúc già) và bộ bà ba ông sử dụng cho nhân vật Võ Minh Luân (vở Đời cô Lựu).
Khán giả mộ điệu sân khấu cải lương đến tham quan khu lưu niệm được nghe NSƯT Minh Vương ca bài “Dạ cổ hoài lang” bằng giọng mộc trong không gian trưng bày hình ảnh và hiện vật của những nghệ nhân đờn ca tài tử danh tiếng và nghệ sĩ sân khấu cải lương thời kỳ tiên phong của phong trào từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ.
NSƯT Minh Vương cho biết: “Trước đây, tôi đã từng đến viếng mộ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và tham quan khu lưu niệm này. Hiện khu lưu niệm được mở rộng với diện tích hơn 12.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 70 tỉ đồng, quả là một công trình lớn, xứng tầm”.
Tác giả Lê Duy Hạnh – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - nhấn mạnh: “Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu được mở rộng khẳng định vị thế của bản Dạ cổ hoài lang và tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Công trình được xây dựng để tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Rất đông các nghệ sĩ, nghệ nhân và diễn viên các lãnh vực nghệ thuật đã đến tham quan khu lưu niệm. Các nghệ sĩ: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thoại Miêu, NSƯT Trọng Phúc…đã đến thắp hương, đồng thời viếng thăm mộ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Nhân dịp này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố quyết định và trao bằng xếp hạng Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã trao bằng tuyên dương của UBND tỉnh cho đại diện gia đình của 11 cá nhân đã có đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Bình luận (0)