Dừng chân tại mỗi ngôi mộ là một câu chuyện đầy cảm xúc về nhân cách sống, nghĩa cử cao quý của những nghệ sĩ đã sống chết với sàn diễn cải lương.
NSƯT Mỹ Châu không cầm được xúc động khi thắp hương viếng mộ cố NSƯT Thanh Nga, người mà trong sự nghiệp nghệ thuật bà rất yêu mến bởi đức tính hiền lành, dễ mến của một đàn chị luôn dành cho đàn em những lời khuyên nhũ chân thành. Bà nói: “Chính điều đó mà chị Nga ra đi nhiều thập niên qua, khán thính giả vẫn yêu mến chị”.
“Với NSƯT Minh Phụng – giữa chúng tôi đã có quá nhiều vai diễn được công chúng ngưỡng mộ. Khi tôi đã nổi tiếng, anh Phụng còn là kép 3 trên sân khấu đoàn Kim Chung, đến khi anh hai Minh Cảnh rời đoàn để lập gánh hát, ông bầu Long đã đề nghị đưa anh Phụng về đoàn mà tôi đang là đào chánh để đóng thế các vai của anh hai Minh Cảnh. Đại ban Kim Chung hồi đó có nhiều đoàn lắm, và chỉ sau vở tuồng của soạn giả Vạn Lý “Bầu rượu mầu nhiệm”, anh Phụng được khán giả chấp nhận ngay, để cùng tôi sánh vai qua nhiều cung bậc yêu thương của những đôi tình nhân lãng tử, giàu nghĩa hiệp trên sân khấu cải lương" - bà thổ lộ.
NSƯT Mỹ Châu nói tiếp: "Đây là lần đầu tiên tôi viếng mộ anh, thắp hương trên ngôi mộ mà tôi chỉ thấy qua hình ảnh. Nhớ biết bao những ngày tháng cùng nhau tập tuồng trên sân khấu, anh Phụng là tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ, lúc nào cũng hăng hái tìm kiếm cái mới cho vai diễn của anh, để cùng nâng đỡ nhau trong cách diễn, tạo hiệu quả nghệ thuật cho người xem”.
Khi dừng trước ngôi mộ của “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài, NSƯT Mỹ Châu nhắc ngay đến vở “Bóng hồng sa mạc” mà NS Tấn Tài đã được yêu thích qua vai A Li Kha. “Anh Tài có cách lấy hơi, nhã chữ khi xuống câu vọng cổ rất tuyệt vời. Thời đó, bên kép anh là người được mời thu âm nhiều nhất với mức cát sê cao nhất, còn bên nữ nghệ sĩ thì tôi có được thời gian thu âm nhiều và nhất là được làm việc với anh. Giữa chúng tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm trong các vở tuồng được phát hành dĩa. Thời đó thu hư một lần là phải thu lại từ đầu, không có việc chắp nối như hiện nay, nên khi cầm kịch bản thu, chúng tôi làm việc nghiêm túc lắm" - bà chia sẻ.
"Chính vì thế mà ngày nay số lượng gia sản thu âm của thế hệ chúng tôi không có nhiều hạt sạn, không có lỗi trong lúc thể hiện các nhân vật của mình, kỷ đến từng chi tiết. Anh Tài có được cách thể hiện câu vọng cổ độc đáo cũng từ những nghiêng cứu của anh trong lúc thu âm, chính thị trường băng dĩa thời đó đã đẩy giá cát sê chúng tôi cao hơn, nhưng bù lại thì đặt lên vai chúng tôi nhiều thử thách. Nếu một ấn phẩm ra đời mà lượng doanh thu kém tức khán giả không thích vở tuồng hoặc thành phần nghệ sĩ tham gia, thì nhà đầu tư và sản xuất có ý kiến ngay. Nhưng với tôi và anh Tài, thì tất cả đều được khen ngợi và cứ thu xong một bộ dĩa, giá cát sê lại tăng lên. Năm tôi 15 tuổi má tôi đã nắm giữ trong tay 3 triệu đồng, một căn nhà lúc đó trị giá có 500 ngàn đồng thôi, nếu mua nhà thì đã có thể mua được 6 căn mặt tiền đường Hồng Thập Tự, tức đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay” – NSƯT Mỹ Châu nhớ lại.
Với nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa, “Nữ hoàng kiếm hiệp” có được diễm phúc xem bà diễn lúc còn bé xíu. NSƯT Mỹ Châu khóc rồi nói: “Tôi mới vào nghề, chỉ được giao công việc ngâm thơ hậu trường trong suốt 2 năm khi đi theo đoàn Út Bạch Lan – Thành Được. Khi đó tôi đã mến mộ tài năng của cô Thanh Thanh Hoa. Cô ca diễn sang trọng, quý phái. Trong cuộc sống đời thường lúc nào cũng quan tâm đến diễn viên trẻ. Thắp nén hương tưởng nhớ cô, người nghệ sĩ đã cống hiến cả đời cho sàn diễn”.
Đi quanh những ngôi mộ của các soạn giả: Hà Triều, Hoa Phượng, Điêu Huyền…NSƯT Mỹ Châu nhắc ngay đến những kịch bản cải lương vang bóng một thời mà bà đã từng được diễn trên sân khấu. “Bút pháp của các ông tinh tế, giàu cảm xúc, mang lại cho tôi nhiều kiến thức về văn hóa, con người và cách đối nhân xử thế. Tôi mê nhất bút pháp của soạn giả Hoa Phượng, ông viết như một vị tiên biến phép mầu để biến cánh đồng hoang thành vườn thượng uyển. Một câu nói lối, một bản “sương chiều”, “tú anh” cũng để lại cho người nghe những rung động, mở ra trước mắt nghệ sĩ chúng tôi sự hân hoan để nâng cao giá trị sáng tạo thêm hơn”.
Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Châu đã thắp hương trên mộ cố NS Thanh Hương – người được mệnh danh “Đệ nhất đào thương”, từng nổi tiếng với bài ca cổ “Cô bán đèn hoa giấy” của soạn giả Quy Sắc. Hoặc biết bao ký ức của tháng ngày gắn bó với đoàn cải lương Văn Công TPHCM cùng với cố nghệ sĩ Tô Kiều Lan, đến nay người nữ nghệ sĩ chuyên trị những vai đào lẵng này đã ra đi, nhưng vai diễn của bà vẫn hằn sâu trong ký ức khán giả. “Tôi thích nét diễn duyên dáng, đáng yêu của chị Lan trong vở “Nàng Hai Bến Nghé”. Khi đó chị diễn với anh Khả Năng, cả hai quăng bắt tiếng cười nhịp nhàng, làm khán giả vỗ tay thích thú. Nhìn di ảnh của chị tôi vẫn thấy tháng ngày đó như hiện về bên tôi”.
NSƯT Mỹ Châu đã dành trọn một ngày viếng mộ những nghệ sĩ quá cố. Với bà đó là việc làm mà bà mong muốn thực hiện trong nhiều năm xa xứ. Nay đã toại nguyện, bà cảm thấy thanh thản bởi cuộc sống xa quê nhà, không biết bao giờ bà sẽ có dịp ghé đến Nghĩa Trang chùa Nghệ sĩ Gò Vấp để viếng mộ những người mà bà nghĩa “họ không chết mà sống mãi trong lòng khán giả mộ điệu đã yêu quý cải lương như một viên ngọc giá trị” – NSƯT Mỹ Châu đã nói.
Bình luận (0)