Phóng viên: Vẫn bám nghề dù vượt qua nhiều cam go, thử thách, cuộc sống của chị hiện nay như thế nào?
- NSƯT Thanh Kim Huệ: Tôi vẫn đi hát hằng đêm, các sô diễn không tập trung tại TP HCM mà ở các tỉnh, phần lớn là nhận hát các chương trình văn nghệ của Phật giáo. Vượt qua nhiều cam go trong đời, tôi nhận thấy mình may mắn là còn được đứng trên sân khấu, vẫn được gặp khán thính giả thương mến tiếng hát của mình. Khán giả quen gọi tôi là cô Lan. Với họ, tôi vẫn là một cô Lan đáng thương trong vở “Lan và Điệp” của soạn giả Loan Thảo.
Khán giả yêu mến vai Lan từ năm chị mới 14 tuổi qua đĩa thu âm. Vậy “cô Lan” Thanh Kim Huệ của thập niên 1970 với hiện nay khác nhau điều gì?
- “Cô Lan” 14 tuổi ngây thơ, chưa biết gì nhiều về những cạm bẫy trong cuộc sống. Còn “cô Lan “ở tuổi gần 60 đã quá từng trải với đời. Tôi được cọ xát với sàn diễn quá nhiều vai diễn hay, cho mình quá nhiều bài học quý để ứng xử trong cuộc đời.
Chị có mãn nguyện với những gì đạt được trên bước đường nghệ thuật của mình?
- Nhìn lại, tôi thấy mình mãn nguyện lắm. Thanh Kim Huệ có được vị trí trong nghệ thuật, được công chúng biết đến với nhiều vai hay, bài ca cổ lưu dấu với thời gian và một mái ấm gia đình hạnh phúc dù con trai không theo nghề nhưng làm nhiếp ảnh gia, cũng gắn với nghệ thuật.
Nói đến mái ấm hạnh phúc của người trong giới, mọi người không thể không nói đến cặp đôi Thanh Kim Huệ - Thanh Điền. Chị và anh Thanh Điền gắn bó bên nhau trên 45 năm, điều gì giúp hai người giữ được lửa hạnh phúc gia đình?
- Hồi đó, tôi ghét anh ấy lắm. Đi chung đoàn hát, nhìn cái mặt thấy không ưa. Ấn tượng đầu tiên là thấy hình anh ấy trên tờ quảng cáo, xấu đau xấu đớn, tôi nói trong bụng: “Thằng cha nào xấu quá, vầy mà đòi làm kép hát?”. Cuối cùng, “thằng cha” ấy lại là cha của con tôi. Năm 1969, Đoàn hát Hoa Phượng bị lũ cuốn trôi ghe, nước vào nhấn chìm tất cả, anh ấy ra tay cứu “mỹ nhân” vì tôi không biết bơi. Ảnh lấy cái trống đặt tôi lên, rồi đẩy vào bờ, một bên tay thì ôm má tôi lúc đó đi theo đoàn hát để lo cho tôi. Sau nghĩa cử đó, tôi yêu anh ấy. 45 năm yêu nhau, chịu đựng nhau, dỗ dành nhau chứ không phải chỉ có ảnh dỗ dành tôi, để sau mỗi trận cãi vã, từ chuyện nghề cho đến cuộc sống đời thường, chúng tôi vẫn là của nhau. Ảnh đi quay phim còn tôi vẫn đi hát, niềm vui giờ là cưng chiều cháu nội.
Hình như cũng có giai đoạn khó khăn nhất đối với anh chị?
- Đó là giai đoạn chúng tôi dồn hết sức làm mới cải lương, đưa cải lương ra Nhà hát TP với kịch bản “Bến tương tư”. Lúc ấy, chúng tôi mời ca sĩ Phương Thảo (đang ăn khách nhất thời đó) diễn cải lương; bên kịch có tăng cường Thành Lộc, Thanh Thủy... nhưng rồi lỗ nặng, phải bán nhà trả nợ, đi ở thuê, con cái nheo nhóc. Tôi đã vượt qua được để tồn tại cho đến nay là nhờ vào tình yêu nghề không có gì thay đổi được.
Bây giờ, nhìn lại giai đoạn đó, chị có tự “cười” mình?
- Tôi nghĩ ra cuộc đời này thật ngắn ngủi, đừng dành... dù chỉ một phút cho những người, những việc khiến mình phân tâm, buồn nản. Trên thực tế, cuộc sống là một bộ sách, mỗi người có cách của mình; cuộc sống cũng là một câu hỏi, mỗi người có lời giải riêng. Những lúc nhìn lại quá khứ, tôi cảm ơn nghị lực từ ông xã, anh ấy chính là điểm tựa để tôi vượt qua những khó khăn trong nghề. Lúc thất bại do làm bầu gánh, nếu anh ấy nản thì chắc chúng tôi đã buông xuôi tất cả. Tôi mỉm cười khi hài lòng với những gì đang có và đã vượt qua.
Bằng cách nào để chị tìm lại cân bằng cho cuộc sống bản thân và gia đình sau những mất mát lớn lao khi con gái qua đời?
- Cháu bỏ chúng tôi mà đi do căn bệnh hiểm nghèo. Lúc đó, tôi cố vượt qua bằng cách nghĩ theo thuyết nhà Phật, con không ở bên mình vì đã về với Phật. Để cháu ra đi thanh thản, chúng tôi tự dặn lòng không khóc, tiếp nhận thực tế bởi rồi ai cũng đến cõi vô thường. Cuộc đời tôi khá đơn giản, sinh ra có giọng hát, từ nhỏ mê chị Lệ Thủy rồi đi theo thần tượng vào nghề. Lớn lên lập gia đình, có má bên cạnh lo lắng. Khi có chồng thì theo chồng, sinh con thì chắt chiu cho con. Gần như không có gì xáo trộn đến khi con gái tôi qua đời. Giờ con trai đã có vợ, tôi có cháu nội, lại tiếp tục được dành tình thương yêu cho cháu. Xua những đau khổ để được thương yêu là lẽ sống của tôi. Từ đó, mình sống tốt, sống tử tế.
Chị nuối tiếc điều gì khi nhìn lại cuộc sống, sự nghiệp của mình?
- Chỉ tiếc một điều là sàn diễn cải lương đã qua thời hưng thịnh, trong khi lửa yêu nghề trong tôi vào thời điểm này lại hừng hực, muốn làm nhiều cái mới hơn cho sàn diễn cải lương. Tôi đã viết rất nhiều kịch bản và vẫn để trong ngăn kéo. Tôi đã từng phân vân có nên làm gì đó cho cải lương nữa không. Biết tổ nghiệp ban cho mình giọng ca nhưng khi đối mặt với những thử thách của nghề, tôi chán nản, nhất là sau lần thất bại nặng nề ấy.
Theo chị, điều gì đang là sự ngăn cản khiến sàn diễn cải lương không thu hút khán giả? Chị có nghĩ chính hệ lụy này đã kéo cải lương chựng lại?
- Ai cũng thấy bệnh nhưng trị dứt bệnh thì quá nhiều toa thuốc. Thầy thuốc chuyên khoa thì mất dạng, còn thầy lang băm lại quá trời. Chúng tôi dù được xem là “thế hệ vàng” nhưng sẽ làm được gì khi mỏi gối chồn chân? Hiện nay, cách làm cải lương vẫn như cùng đi trên một con thuyền quá cũ kỹ, nước tràn vào lỗ thủng, mọi người tìm cách bịt lại để tiếp tục hành trình nhưng chưa biết chìm lúc nào. Hậu quả là chúng ta mất trắng một thế hệ khán giả hiểu và trân trọng giá trị của nghệ thuật cải lương.
Trong tương lai, chị sẽ làm gì cho sàn diễn cải lương?
- Tôi vẫn đang bền bỉ với nghề bằng việc âm thầm giúp đỡ các diễn viên trẻ để họ tự tin trên sân khấu. Tôi làm tốt những việc trong khả năng của mình. Đúng là không thể ngồi đổ lỗi cho nhau, phải giải quyết những tồn đọng và có chiến lược để sàn diễn cải lương bắt kịp với hình thức biểu diễn đòi hỏi hiện đại. Tôi và ông xã đang nuôi dưỡng kế hoạch, nếu thành hiện thực thì sẽ là một điểm diễn mới cho sân khấu hôm nay.
Nghệ sĩ đa tài
Cha mẹ của NSƯT Thanh Kim Huệ làm nghề cho các đoàn cải lương thuê âm thanh nên chị thường xuyên tiếp xúc với nghệ thuật. Năm 14 tuổi, chị đã lên sân khấu. Sau khi đã nổi tiếng với vai Lan trong vở “Lan và Điệp” của soạn giả Loan Thảo, chị hát cặp với nhiều nam nghệ sĩ và thu thanh hơn 300 bài vọng cổ. Ngoài hát cải lương, vọng cổ, chị còn viết kịch bản và cùng chồng lèo lái Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 thành công vang dội ở thập niên 1980 - 1990. Các vở diễn thành công mà chị tham gia với vai trò đào chánh: “Mái tóc người vợ trẻ”, “Tình ca biên giới”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Sông dài”, “Đời cô Hạnh”, “Sân khấu về khuya”, “Ngao Sò Ốc Hến”, “Câu thơ yên ngựa”, “Bến tương tư”… Chị đã sáng tác các vở: “Khúc ly hương”, “Em ơi đừng khóc nữa”, “Xin đừng nói yêu em”, “Nội ơi! Đừng ly dị”, “Nắng đẹp muôn màu”, “Linh hồn của quỷ”, “Tiếng hát rừng hoang”, “Công chúa Alysa”, “Bến tương tư”, “Yêu và ghen”, “Mênh mông tình mẹ”… Chị và ông xã đã thực hiện hàng loạt chương trình: “Giai điệu quê hương”, “Hoa sen trắng”… nhằm quảng bá nghệ thuật cải lương và làm từ thiện giúp người hoạn nạn.
Bình luận (0)