Khi nhắc đến Giải Mai Vàng, trong lòng tôi luôn có cảm giác bồi hồi khó tả. Không phải vì tôi nhớ đến Giải Mai Vàng những năm đầu tiên (tức năm 1995) mà tôi nhớ đến thời điểm trước đó, những năm 1990, khi Mai Vàng có tên là giải thưởng Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất (kéo từ năm 1991 đến 1994). Tôi có may mắn, hạnh phúc tràn ngập khi 4 năm đó liên tiếp nhận được giải thưởng từ bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn.
Nói thật, lễ trao giải lúc đó không trang trọng tí nào. Tôi nhớ hoài cái không khí của lễ trao giải được tổ chức ở sân sau của tòa soạn báo với một không gian rất nhỏ, hẹp và rất nóng...Sân khấu là những miếng ván được lắp ghép lại, chỉ cao hơn chỗ ngồi khán giả một chút, bên trên được che bằng mấy tấm vải dù, khán giả ngồi chật cứng trên những chiếc ghế “xúp” như ngồi ngoài quán cóc vỉa hè. Anh em nghệ sĩ ai cũng ăn diện thật đẹp, nam trang trọng với vest, nữ dịu dàng với áo dài. Khi buổi lễ kéo dài đến 11 giờ trưa, cả nghệ sĩ và khán giả đều chảy mồ hôi ròng ròng. Rất nhiều khán giả còn đu bám, leo trèo lên những nhánh cây trong khuôn viên của sân sau để được nhìn thấy nghệ sĩ. Trong lòng tôi lúc ấy rất lo sợ, lỡ không may nhánh cây gãy đổ, họ té xuống thì không biết phải làm sao. May là kết thúc buổi lễ, ai cũng an toàn.
Buổi lễ ấy đơn sơ, giản dị nhưng đầy ắp tình cảm. Ban tổ chức - nghệ sĩ - khán giả như những người trong gia đình. Không có một khoảng cách nào, không có một sự khách sáo nào, chúng tôi như những người trong một mái nhà chung.
Điều tôi tự hào và hãnh diện về 4 giải thưởng đầu tiên mà mình có được là vào thời điểm đó không có những cuộc vận động, bình chọn được “vote” bằng điện thoại, internet... Tất cả là do bạn đọc yêu mến chúng tôi từ những vai diễn qua màn ảnh truyền hình, sân khấu mà tìm đọc những tờ Báo Người Lao Động và cắt phiếu, bỏ vào bao thư để gửi. Bởi vậy, kết quả bình chọn rất công bằng, có giá trị.
Sáng tạo là công việc không ngừng nghỉ của nghệ sĩ và trong quá trình đó, họ luôn thấy cô đơn nên luôn cần người bạn đồng hành để ghi nhận sự sáng tạo. Với tôi, Giải Mai Vàng là người bạn đồng hành đó. Cùng thời điểm trên, có rất nhiều tờ báo tổ chức những giải thưởng tương tự nhưng không thường xuyên hoặc không tồn tại lâu như Mai Vàng. Nói như vậy để thấy rằng trên suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật của tôi, Mai Vàng luôn dõi theo, ghi nhận, cảm thông. Mai Vàng đã 20 năm cũng là ngần ấy thời gian luôn dõi theo những bước chân của tôi.
Trong 20 năm qua, không phải lúc nào Mai Vàng cũng sung túc, hào phóng. Tôi biết có những năm Mai Vàng khó khăn, không tìm được tài trợ, kinh phí eo hẹp nhưng ban tổ chức vẫn cố gắng duy trì giải, không bỏ rơi anh em nghệ sĩ. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng nếu khó khăn quá thì nghỉ 1 năm có sao đâu! Nhưng Mai Vàng không làm vậy. Không tổ chức lớn thì tổ chức nhỏ, không làm tượng đồng thì làm tượng nhựa, không nhiều hạng mục thì ít... Bởi vậy, khi nhìn một tượng Mai Vàng bằng nhựa, tôi rất xúc động dù lúc đó tôi không hài lòng, chê tượng xấu. Giờ tôi hay nói vui với các anh em nghệ sĩ từng đoạt Giải Mai Vàng rằng: “Đố ai có được tượng nhựa như tôi!”. Xin lỗi chứ ai mua bao nhiêu tiền tôi cũng không bán, trừ khi phải bán đấu giá cho một công việc lớn.
Một tượng Mai Vàng khác có ý nghĩa hơn là tượng Thành tựu 15 năm. Năm đó, tôi ẵm 2 giải. Giải Thành tựu như khẳng định đẳng cấp của tôi trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Cũng năm đó, bên cạnh sự hân hoan là kèm thêm nỗi buồn. Tôi nghĩ rằng: “Thôi chết rồi! Nhận được giải này đồng nghĩa với việc những năm sau, tôi không có cơ hội tranh giải nữa”. Nhưng không, tôi vẫn tiếp tục được đề cử và đoạt giải. Trong đó, đáng nhớ nhất là Giải Mai Vàng ở hạng mục Đạo diễn sân khấu. Nói thật trong nghề đạo diễn, tôi chẳng có bằng cấp gì; hơn nữa, 2 vở diễn Ngàn năm tình sử và Bí mật vườn Lệ Chi, tôi luôn gặp “sóng gió” từ những ngày lên sàn tập đến khi công diễn. Thế nhưng, Mai Vàng đã ghi nhận nỗ lực của tôi.
Trong suốt 19 mùa giải, hầu như năm nào tôi cũng có mặt, có lúc với tư cách là nghệ sĩ được đề cử, có lúc là người đi trao giải. Riêng năm 2005, tôi không tới dự được vì bị chấn thương cột sống do một lần bị té ngã trong đêm khai trương chương trình Ngày xửa ngày xưa của Sân khấu Kịch IDECAF. Tôi nằm ở nhà theo dõi qua tivi, nghe được xướng tên mà xúc động đến rưng rưng nước mắt. Giải thưởng năm đó là một cú hích tinh thần rất lớn đối với tôi.
Năm nay, tôi lại được đề cử và nếu được chạm tay vào Giải Mai Vàng, tôi vẫn thấy đầy hãnh diện, tự hào như lần đầu. Điều đó cho thấy bạn đọc của Báo Người Lao Động vẫn quan tâm đến tôi, ghi nhận sự nỗ lực của tôi. Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng đừng bao giờ nghĩ khi nào còn ông Thành Lộc, ông Hữu Châu... thì cơ hội không đến với mình. Hãy phấn đấu đi, hãy nỗ lực đi, không trước thì sau, không sớm thì muộn, khán giả cũng sẽ ghi nhận...
Kết nối nghệ sĩ với công chúng
Tôi đánh giá rất cao sáng kiến tổ chức chương trình Mai Vàng ở các trường đại học hay các khu công nghiệp. Người lao động cần gặp những thần tượng mà mình ái mộ nên những chương trình này là dịp để các nghệ sĩ tiếp cận công chúng. Nghệ thuật là phải đi sâu vào công chúng, Mai Vàng đã làm được điều này trong khi nhiều giải thưởng khác thì không.
Báo Người Lao Động đã làm cho người ta thấy rằng người được giải không phải là người ở địa vị quá cao mà người lao động không thể chạm tới. Hơn nữa, người nghệ sĩ do đâu mà được giải nếu không phải là nhờ vào lá phiếu của những người lao động. Họ bình chọn cho tôi mà họ không gặp được tôi thì quả là bất công. Chương trình kết nối được nghệ sĩ và công chúng để nghệ sĩ thấy hãnh diện, tự hào nhưng không kiêu hãnh bởi họ biết được rằng cái giá trị mà họ có được là chính những người lao động này cho họ.
TÀI TRỢ CHÍNH
TÀI TRỢ PHỤ
Bình luận (0)