xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSƯT Thanh Sang: Một đời trả nợ trần ai

Thanh Hiệp thực hiện

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe của NSƯT Thanh Sang không được ổn định nhưng ông vẫn khao khát được lên sàn diễn, vẫn tâm huyết với việc truyền nghề cho thế hệ trẻ

Phóng viên: Sức khỏe của ông nghe nói dạo này không được tốt?

- NSƯT Thanh Sang: Tôi vừa trải qua 10 ngày nằm viện điều trị căn bệnh phổi do thận yếu, ứ nước gây đau đớn. Các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải đâm kim vào lưng để rút nước trong phổi của tôi ra.

Liệu ý định làm đêm diễn của ông nhân sinh nhật tuổi 75 vào cuối năm nay có thực hiện được không?

- Khi vừa xuất viện về nhà, tôi liền ca vọng cổ, thấy làn hơi cũng được lắm. Làm live show ở tuổi 75 thì không dám nhưng bà xã tôi dự định tổ chức buổi họp mặt sinh nhật cho tôi, để bạn bè nghệ sĩ đến hát. Lúc đó nếu khỏe, tôi cũng sẽ hát. Tôi có làm bài thơ về sinh nhật của mình: “Hai mươi tám mười một (28-11 âm lịch - PV), hai mươi bốn mười hai (24-12 dương lịch)/ Oa oa hòa nhạc pháo nổ lai rai/ Thằng nhóc lọt lòng tên cu tí/ Nó ra đời để trả nợ trần ai”.

Vậy nợ trần ai mà ông phải trả là những gì?

- Tôi cũng như mọi người sinh ra trên cõi đời này đều phải trả nợ cho cuộc sống mà mình được ban tặng. Sống như thế nào để khi nhắm mắt xuôi tay, mình mỉm cười vì đã trả hết nợ của cuộc đời.

NSƯT Thanh Sang Ảnh: THANH HIỆP
NSƯT Thanh Sang Ảnh: THANH HIỆP

Ngoài ra, nghệ sĩ chúng tôi còn phải nặng nợ với nghệ thuật, với công chúng. Món nợ trần ai của nghệ sĩ chính là nợ ân tình. Nợ ân tình với khán giả có khi hết đời không trả nổi.

Còn nợ tình với ông thì sao?

- Nợ tình thì ôi thôi, nhiều lắm! Tôi đã trải qua 7 đời vợ, còn tình yêu lúc trẻ thì vô số kể. Tuy nhiên, tôi không quan hệ theo kiểu lăng nhăng, “bắt cá hai - ba tay” mà phải chấm dứt với người này mới đến với người khác. Làm đàn ông có số đào hoa thiệt là khổ. Đáp lại tình cảm của người phụ nữ này sẽ phải phụ một phụ nữ khác nhưng tôi xem đó là duyên nợ. Khi chia tay không để lại sự oán thù mà là sự kính trọng cho nhau. Đó mới là ý nghĩa của cuộc sống.

Ông từng nói trong giới nam nghệ sĩ theo nghề hát, chưa ai khổ cực bằng ông. Vì sao?

- Tôi là anh kép khổ nhất. Tôi mồ côi cha từ năm 7 tuổi. Ông bị giặc bắn chết khi tham gia kháng chiến chống Pháp ở Phước Hải, Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu quê tôi. Sau này, vì không ai làm chứng nên cha tôi không được công nhận là liệt sĩ.

Nhà tôi nghèo đến nỗi chỉ thường xuyên ăn cơm với muối ớt và rau dại. Tôi làm đủ nghề để kiếm sống. Vá lưới, giăng câu là nghề chính. Khi theo nghề hát, do ốm quá nên tôi chỉ được giao vai già. Nhờ sân khấu cách mạng sau năm 1975 nên tôi được làm kép chánh, có một sự nghiệp nghệ thuật được công chúng biết đến gắn với cái tên Thanh Sang.

Ông có nuối tiếc điều gì khi nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của mình?

- Tôi chỉ tiếc một điều là mình không mở được trường dạy nghề để truyền đạt kinh nghiệm ca diễn cho thế hệ trẻ theo phương pháp truyền nghề đúng nghĩa của sân khấu cải lương.

Việc đó một mình ông khó có thể làm được. Nhưng ông vẫn có thể truyền nghề cho những diễn viên trẻ biết xem trọng nghề hát và có cơ hội đứng chung sàn diễn với mình?

- Ngày nay, các diễn viên trẻ làm nghề theo xu hướng “danh nổi trước tài”. Không có sự tương xứng giữa danh với tài, do vậy nền tảng rất mỏng. Tôi có truyền nghề cho nhiều thế hệ, từ nghệ sĩ Vũ Linh, Thoại Mỹ khi đứng chung sàn diễn hoặc khi họ mới bước vào nghề. Các em “cứng nghề” cũng từ sự nghiêm khắc của tôi và nhiều bạn đồng nghiệp nhưng rồi sàn diễn cải lương rơi vào bế tắc.

Phương pháp truyền nghề gieo hạt giống như xưa đã không còn cơ hội. Cách đào tạo theo trường lớp với giáo trình được hệ thống khoa học rất tốt nhưng không phát huy nét riêng biệt cần thiết của mỗi nghệ sĩ. Cải lương là cần có giọng ca, còn diễn xuất thì bồi đắp qua sự cọ xát. Ca dở, yếu nhịp mà đòi làm nghệ sĩ cải lương thì sao được? Rồi thầy cô thương mà cứ ráng cho làm đào, kép chánh, đó là nguyên do lụn bại của sàn diễn. Với kiểu làm nghệ thuật như vậy nên khán giả không chấp nhận, họ quay lưng.

Làm nghề hát, có vai diễn để đời rất khó. Nếu không chú tâm tạo lối đi riêng thì muôn đời vẫn chỉ là người nghệ sĩ kém tài.

Ông đã yêu cầu nhóm đúc tượng thay đổi bức tượng sáp nhân vật Trần Minh trong vở “Bên cầu dệt lụa” của mình bằng nhân vật Tạ Tốn trong vở “Cô gái Đồ Long” (tác giả: Hà Triều - Hoa Phượng)? Vì sao vậy?

- Tôi trân quý vai diễn này vì đó là vai diễn đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của anh kép trẻ 22 tuổi đóng vai lão mù nhưng đoạt HCV Thanh Tâm. Để đạt được thành tích này, tôi mất một năm tập tuồng cực nhọc với vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Tôi phải luyện đôi mắt bị mù do nhân vật bị phóng phi tiêu, bằng cách nhìn thẳng mặt trời từ lúc mọc đến khi lên đỉnh. Đó là nguyên nhân khiến mắt tôi bị yếu dần nhưng bù lại, tôi đã có một vai diễn ưng ý. Tôi tự hào khi được nhắc đến vai Tạ Tốn.

Nếu khỏe hẳn, dịp khai trương nhà trưng bày tượng sáp của 100 nghệ sĩ nổi tiếng, tôi sẽ diễn lại vai Tạ Tốn để tri ân khán giả đã yêu mến mình. Tôi chỉ cầu mong mình không phải nhập viện nữa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo