“Đối với tôi đây là ngày mà tôi chờ đợi rất lâu, khi con trai tốt nghiệp trung học, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học. Những học sinh nào học ở Mỹ khi hoàn thành trung học và muốn vào học trong một trường đại học hay viện đại học thì phải theo học chương trình bậc đại học. Những cơ sở giáo dục bậc đại học có chương trình học kéo dài 2 năm hoặc 4 năm trong một lĩnh vực cụ thể. Chương trình học như vậy gọi là chuyên ngành bao gồm những môn học chính yếu hay những môn học đặc biệt. Tôi rất vui khi con trai mình đã hoàn thành bậc trung học để có thể tiếp tục bước vào đại học như nguyện vọng của cháu” – NSƯT Thanh Thanh Tâm chia sẻ.
Từ sau khi ly hôn, NSƯT Thanh Thanh Tâm một mình nuôi dạy con. Kim Tuyền được công nhận quốc tịch Mỹ từ khi sinh ra, vì cha là người Mỹ gốc Việt. “Tôi rất lo ngại con mình ham chơi mà bỏ bê việc học. Nhưng may mắn thay cháu học rất giỏi, thông minh và hiếu thảo. Hồi đó khi tôi còn bé, lúc mới chào đời mẹ tôi – cố NS Thanh Thanh Hoa đã đặt tên tôi là Thanh Thanh Tâm, lấy chữ Thanh Tâm để kỷ niệm về giải thưởng HCV Thanh Tâm mà mẹ tôi đã được trao năm 1961. Định mệnh đã đặt để tôi phải nối nghiệp cha mẹ, do vậy khi tôi sanh cháu Kim Tuyền, tôi vẫn mong cháu sẽ học hành tới nơi, tới chốn. Nếu có đam mê nghề hát thì phải có đủ trình độ văn hóa, kiến thức của một con người trong thời đại hội nhập. Và khi lớn lên, dù cháu yêu quý nghề của mẹ, nhưng đã chú tâm học tập, để đạt được thành quả như ngày hôm nay” – NSƯT Thanh Thanh Tâm đã nói.
Cùng với niềm vui của con, nhiều tháng qua NSƯT Thanh Thanh Tâm đã được mời tham gia biểu diễn nhiều chương trình cải lương nhằm giới thiệu về hai giải thưởng lớn của sân khấu: giải HCV Thanh Tâm (trước 1975) và giải HCV Trần Hữu Trang (do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức từ năm 1991). NSUT Thanh Thanh Tâm đã nói về hai giải thưởng lớn có sự tác động đến sự nghiệp nghệ thuật của mẹ chị – cố NS Thanh Thanh Hoa và của chị, khi hai thế hệ có 2 cột mốc quan trọng trong sự nghiệp được vinh danh khi đoạt HCV với vai diễn hay.
“Cả hai thương hiệu đều mang trọng trách phát hiện và bồi dưỡng tài năng sân khấu, tôn vinh giá trị sáng tạo nghệ thuật của cá nhân. Từ đó góp phần thúc đẩy sàn diễn cải lương thăng hoa xứng tầm với việc tồn tại một giải thưởng. Thế nhưng để giải thưởng tồn tại trong đời sống sàn diễn tiêu chí chọn lựa HCV rất quan trọng, bởi sự tỏa sáng của nghệ sĩ đoạt giải có sức ảnh hưởng rất lớn đối với việc thu hút công chúng đến với khán phòng” – NSUT Thanh Thanh Tâm cho biết.
Trong những ngày Giải thưởng HCV Trần Hữu Trang lần thứ 13 do Hội Sân khấu TPHCM chuẩn bị khởi động với nỗ lực của việc tiếp tục thành tựu của giải thưởng này, dư luận trong giới sân khấu và nghệ sĩ đã nhắc nhiều đến thành quả của chặng đường tìm kiếm, phát hiện tài năng, mà uy tín của giải Trần Hữu Trang đã khẳng định thành quả đạt được từ cuộc thi góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống sáng tạo trong nghệ thuật biểu diễn.
“Kế thừa 10 năm tổ chức Giải Thanh Tâm của nhiều ký giả uy tín, nghệ sĩ tiền phong thời đó như: Nhà báo Trần Tấn Quốc, NSND Phùng Há, Năm Châu, Kiên Giang… Giải thưởng Trần Hữu Trang là niềm tự hào của giới sân khấu cải lương miền Nam. Đây là những giải thưởng mà hầu hết nghệ sĩ đoạt giải đều là những ngôi sao có vị trí vững vàng trong lòng khán giả mộ điệu qua từng giai đoạn lịch sử trong suốt nửa thế kỷ qua. Lúc mẹ tôi còn sống, bà đã nói trong 10 năm giải Thanh Tâm và 12 năm giải Trần Hữu Trang, có những điểm tương đồng và có những điều cách biệt. Thế nhưng điều đáng nói nhất chính là yếu tố phát hiện tài năng của một giải thưởng, để đến ngày hôm nay những HCV của giải Thanh Tâm thực sự mang lại cho sàn diễn cải lương những “ngôi sao không có tuổi”. Điều này được minh chứng qua sự tỏa sáng của những ngôi sao như: NSND Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Diệp Lang, NSƯT Thanh Sang, Thanh Nguyệt, Bảo Quốc, NS Thành Được…”.
Năm 1957, ký giả kịch trường uy tín nhất làng báo Sài Gòn thời đó – nhà báo Trần Tấn Quốc, bút danh Thanh Tâm - đã có ý tưởng thành lập giải thưởng đầu tiên dành cho các nghệ sĩ trẻ giới sân khấu cải lương. Hội đồng chấm giải Thanh Tâm được thành lập - gồm các đạo diễn sân khấu, thầy tuồng và ký giả kịch trường uy tín - đến tận từng đoàn hát mà các nghệ sĩ đăng ký tham gia giải để tuyển chọn những tài năng trẻ từ các đoàn. Các nghệ sĩ dự giải được đặt trong môi trường sân khấu toàn diện: diễn nguyên tuồng hát trong sự tương tác với tất cả các nghệ sĩ tham gia vở diễn và lấy sự cổ vũ của khán giả làm thước đo của giải thưởng.
Ưu điểm của giải HCV Thanh Tâm thời trước là chấm giải theo nguyên tắc cộng hưởng của một vở diễn. Các nghệ sĩ được phát hiện có đủ không gian để biến hóa nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, để những hỉ, nộ, ái, ố đó bộc phát tính cách riêng trong ca diễn. 24 nghệ sĩ đoạt HCV Thanh Tâm chính vì thế không trùng lớp với nhau, mỗi người thừa hưởng một giọng ca, một phong cách, đại diện cho một trường phái biểu diễn, một thương hiệu của đoàn hát. Ví dụ như: NSƯT Thanh Nga, Thanh Sang (Đoàn Thanh Minh, Thanh Nga); NSND Bạch Tuyết, NS Thành Được (Dạ lý hương); NSƯT Phương Quang, NS Phượng Liên (Kim Chưởng), NSND Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu, NS Tấn Tài, Phương Bình (Kim Chung)…
Hội đồng chấm giải Thanh Tâm đã góp phần rất lớn trong việc phát hiện, bồi đắp tài năng để các nghệ sĩ đoạt giải sáng tạo biết bao kỳ tích cho sàn diễn cải lương. Có 7 nghệ sĩ được trao HCV xuất sắc gồm: NS Hữu Phước, NSND Bạch Tuyết, NS Thành Được, NSND Diệp Lang, NSƯT Thanh Nga, NSND Ngọc Giàu, NS Thanh Hải,
Có 24 nghệ sĩ đã đoạt Huy chương Vàng của giải này: NSƯT Thanh Nga (năm 1958); NS Lan Chi, NSƯT Hùng Minh (năm 1959); NS Bích Sơn, NSND Ngọc Giàu (năm 1960); cố NS Thanh Thanh Hoa (năm 1961); NSƯT Ngọc Hương, NSƯT Ánh Hồng (năm 1962); NSND Bạch Tuyết, NS Kim Loan (tức Mộng Tuyền), cố NS Trương Ánh Loan, cố NS Tấn Tài, NSND Diệp Lang, NS Thanh Tú (năm 1963); NSND Lệ Thủy, NSƯT Thanh Sang (năm 1964); NSƯT Thanh Nguyệt, NS Bo Bo Hoàng (năm 1965); NS Phượng Liên, NSƯT Phương Quang (năm 1966); NSƯT Mỹ Châu, NS Ngọc Bích, NSƯT Bảo Quốc, NS Phương Bình (năm 1967).
NSƯT Thanh Thanh Tâm và con trai - Kim Tuyền - về viếng mộ mẹ - cố NS Thanh Thanh Hoa
Bình luận (0)