Phóng viên: Ông có rất nhiều vai diễn trong nhiều tác phẩm cải lương nổi tiếng từ trước năm 1975 nhưng nhân vật Huy Bình trong vở “Tìm lại cuộc đời” trên sân khấu cải lương sau năm 1975 thì ai cũng nhớ. Ông có xem đó là vai diễn để đời của mình?
- NSƯT Thanh Tuấn: Cho tới bây giờ, tôi vẫn được bà con cô bác gọi tên Huy Bình, hạnh phúc lắm! Tôi biết ơn đạo diễn NSND Huỳnh Nga, một bậc thầy của sân khấu cải lương cách mạng đã cho tôi vai diễn đậm chất nhân văn như vậy.
Ông là một danh ca đa năng trên sân khấu cải lương nhưng nghe đâu ông từ chàng trai tỉnh lẻ lên Sài Gòn tìm kiếm công danh, sống lây lất với đủ thứ nghề, rồi sau đó học hát và làm nên tên tuổi?
- Mỗi người có những nỗ lực cá nhân và những trải nghiệm khác nhau từ cuộc sống. Hồi đó, tôi từ Đức Phổ, Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp, làm đủ nghề để sống. Ban đầu xin hát tân nhạc ở phòng trà nhưng bị từ chối. Không nơi nương tựa, tôi phải ngủ ở lề đường, dưới mái hiên nhà mỗi đêm, kiếm sống bằng công việc đan lát mây tre, trước khi xin vào rạp hát Thủ Đô làm tạp vụ, rồi tầm sư học nghề. Lúc này, các đoàn cải lương phát triển cực thịnh. Nhờ quen biết nghệ sĩ ở rạp Thủ Đô, tôi được giới thiệu đến lò đào tạo ca cổ nhạc của thầy Út Trong (quận 8) và thầy Bảy Trạch (cầu chữ Y).
Là ngôi sao sân khấu, là ông hoàng của làng băng, dĩa cải lương, tân cổ giao duyên... hay gì đi nữa thì phải sống hết sức nghiêm túc với bản thân mình.
Ông và NSƯT Minh Vương đều là học trò của thầy Bảy Trạch. Vậy năm 1964, lần NSƯT Minh Vương đoạt giải Khôi Nguyên Vọng Cổ, sao ông không ra tranh tài?
- Thầy cho chúng tôi bốc thăm. Minh Vương may mắn được dự thi, cuộc thi 4 năm tổ chức một lần. Thế là tôi không được xuất hiện để tranh tài năm đó.
Học thầy Bảy, chúng tôi có được thuận lợi là biết khám phá cái mới trong cách thể hiện bài vọng cổ, thăng hoa cảm xúc từ chính con tim mình chứ không cố dùng kỹ thuật, sự giả tạo khi ca. Tôi may mắn được học cách ca của 2 thầy, pha trộn lại với nhau, loại bỏ sự giống nhau trong cách vô vọng cổ theo trường phái các ngôi sao đương thời, để tạo cái riêng cho mình.
Thời đó, giọng ca được xem trọng nhất, vì vậy những giọng ca như ông trở nên có giá?
- Khi hợp đồng với hãng dĩa Hồng Hoa để thu tuồng “Người câu bóng trăng”, soạn giả Thu An đứng ra cam kết với giám đốc hãng dĩa để kép trẻ Thanh Tuấn thu thử một vai. Đó là năm 1967, thính giả các tỉnh biết đến giọng ca của tôi từ đó, để rồi sau này tên Thanh Tuấn trở thành ngôi sao dĩa nhựa.
Dường như thế hệ của ông, ngoài tài năng bẩm sinh, họ có những cách học nghề chẳng ai giống ai nhưng hiệu quả thật bất ngờ?
- Tôi từng nhiều đêm nép mình ở các rạp hát để xem những nghệ sĩ đàn anh ca diễn mà học gián tiếp cái hay của từng người. Về nhà, vào phòng riêng, đóng cửa lại rồi tự tập ca diễn, hết vai này đến vai khác, suy nghĩ, so sánh cách ca diễn của từng nghệ sĩ mà mình đã học lóm. Tuy học lóm nhưng biết biến cái học được của người ta thành cái mới và khác của mình để không giống ai cả. Tôi định giọng cho mình và có cách ca riêng không giống bất cứ giọng nào, dù chỉ là na ná... Ban đầu, tôi cố né cách vô câu vọng cổ hoặc xuống “hò” ra “xề” giống cậu mười Út Trà Ôn, anh hai Thành Được hay chú Hữu Phước. Một thời gian khổ luyện, tôi đã thành công với phong cách nghệ thuật ca ngâm mới, tách khỏi mọi ảnh hưởng ca ngâm của các ngôi sao đương thời. Chông gai cuộc đời cho phép tôi được quyền sai phạm nhưng bước đường sự nghiệp không cho phép tôi dựa dẫm, đánh mất bản thân mình.
Trải qua 3 lần đổi nghệ danh, từ Thanh Liêm, Hoài Trúc Linh rồi mới định hình danh ca Thanh Tuấn. Nghĩ lại, ông có thấy phép nhiệm mầu nào trong đó?
- Không. Nếu sống mà cứ ảo tưởng, cứ cầu mong ơn trên, không làm chủ được tương lai của mình thì tôi sẽ mãi là nghệ sĩ không tên. Khi còn là Thanh Liêm, tôi đang mày mò tìm kiếm, khi là Hoài Trúc Linh tôi đặt trọng tâm học nghề, đến khi về đoàn Hương Mùa Thu, được ông bầu Thu An đổi tên Thanh Tuấn, là lúc tôi vùng vẫy để khẳng định mình. Năm năm với 3 cột mốc để chạm tay tới ước mơ đó là do tôi hoạch định chiến lược cho chính mình, chứ không phải ăn may, chờ thời. Nghệ sĩ có thể biến ước mơ thành hiện thực bằng chính đôi chân mình, chứ không trông đợi vào phép mầu nhiệm nào đó. Thành quả đời tôi là nhờ sức lao động bền bỉ, nên hiện tại, tuy là anh kép gần 70 tuổi, tôi vẫn sống được nhờ sàn diễn.
Có một dạo ông bị chứng bệnh viêm họng cấp, đang đắt sô thì bỗng nhiên bị tắc tiếng, không ca hát gì được một thời gian. Lúc đó, ông có bi quan?
- Rất lo sợ. Suýt bỏ nghề. Nhưng sau khi điều trị khỏi bệnh, giọng lại trong trẻo hơn, âm lực mạnh và cao hơn trước đó. Nghề này không có niềm tin để bám vào đó mà đi tới thì dễ nản chí, bi quan.
Điều tâm huyết của ông hiện nay là gì?
- Tôi đem niềm hạnh phúc có được trong sự nghiệp để san sẻ cho học trò, nhiều em tìm đến tôi xin được thọ giáo. Trường phái ca vọng cổ theo kiểu Thanh Tuấn đã hình thành nên một lớp diễn viên trẻ tên Tuấn như: Ngân Tuấn, Chiêu Tuấn, Giang Tuấn, Châu Tuấn, Mạnh Tuấn, Sỹ Tuấn, Thanh Thanh Tuấn..., đó là niềm vinh dự của tôi và gia đình. Có em nhận tôi là cha nuôi. Tôi xin nguyện được mãi làm “người đưa đò” cho các em.
Bình luận (0)