NSƯT Thanh Tuấn và Phương Hồng Thủy
"Tôi lao vào sáng tác với mong muốn có thêm nhiều bài ca cổ hay về quê hương đất nước. Hơn 50 năm gắn bó với sân khấu cải lương, cách viết, cách ca diễn của tôi được vun vén, hun đúc từ lòng yêu quê hương, trân trọng cội nguồn dân tộc. Trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình yêu quê hương là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương. Quê hương tôi là tỉnh Quảng Ngãi và tôi đã lớn lên, dù đi xa nhưng vẫn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Do đó xuất phát điểm sẽ là TP HCM đến Quảng Ngãi, sau đó là các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung rồi về miền Nam - Quê hương cho tôi những kỷ niệm ngọt ngào khi gắn chặt mình với sân khấu" – NSƯT Thanh Tuấn tâm sự.
NSƯT Thanh Tuấn và các nghệ sĩ: Phương Hồng Thủy, Ngọc Đợi, Nguyễn Minh Trường, Võ Thành Phê
Theo ông, tuyển tập những bài ca cổ về quê hương chính là thông điệp mà ông gửi gắm đến khán thính giả. "Quê hương dạy ta những bài học làm người đầy ý nghĩa, để cho ta lớn khôn và trưởng thành. Vì thế, không chỉ cứ ngợi ca chung chung, mà mỗi người dân bằng công việc của mình hãy thể hiện tinh thần yêu nước. Đó là động lực khiến tôi sáng tác bài ca cổ cho đời, gắn kết với quê hương mình và những miền đất thân yêu của Việt Nam" – danh ca Thanh Tuấn chia sẻ.
NSƯT Thanh Tuấn, Minh Phụng và NSND Lệ Thủy trong chương trình Làn điệu phương nam tại Nhà hát TP
NSƯT Thanh Tuấn bắt đầu sáng tác từ những năm mới vào nghề diễn viên (từ năm 1965-1966). Lúc đó ông thường được bầu gánh hát nhờ sửa tuồng, thêm nhiều bài bản vào vở diễn ở các đoàn mà ông cộng tác. Nhưng phải đến 30 năm sau, ông mới có sáng tác đầu tay với bài vọng cổ "Mùa nước lũ", lúc ông lưu diễn ở An Giang. Sau đó là bài "Cơn bão biển" viết về nỗi đau của bà con miền Tây bị cơn bão số 5 hành hạ. "Bài này được tôi viết và trình bày, được các đài truyền hình ĐBSCL phát hình liên tục trong thời điểm nóng bỏng của cơn bão số 5 nên rất được bà con khán thính giả khắp nơi đón nhận", ông kể.
NSƯT Thanh Tuấn và NSND Lệ Thủy trong vở "Tây Thi"
"Đề tài mà NSƯT Thanh Tuấn viết rất rộng, được cảm tác từ những câu chuyện đời thường, những diễn biến thật chung quanh cuộc sống. Đặc biệt là những bài ca viết về các sự kiện lịch sử, các vị lãnh tụ của dân tộc, những hy sinh của các liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngòi bút và giọng ca của anh đã thật sự làm lay động lòng người. Với khán giả mộ điệu thì đó là một dấu ấn của danh ca Thanh Tuấn" – NSND Ngọc Giàu nhận xét.
Đến nay, NSƯT Thanh Tuấn đã viết hơn 40 bài ca cổ. Một số bài mới sáng tác gần đây vừa được Thanh Tuấn trình bày dưới dạng audio và sản xuất DVD gồm: "Hát nữa đi em" (album thứ tư do ông bỏ vốn sản xuất) và album ca khúc chính trị đầu tay "Mặt trời đêm".
NSƯT Thanh Tuấn trong chương trình Lan điệu phương Nam (trích đoạn "Tìm lại cuộc đời" - diễn cùng các nghệ sĩ Cẩm Tiên, Phượng Loan, Thành Chiến)
Nhiều người nghĩ, các ca khúc chính trị viết không khéo dễ khiến người nghe cảm thấy khô cứng, nhưng với "Mặt trời đêm" do NSƯT Thanh Tuấn sáng tác và trình bày đã làm rung động người mộ điệu, bởi lời văn ông viết thể hiện lòng kính trọng chân thành và cách nhìn nhận vấn đề thấu đáo, sâu sắc.
"Tính đến nay tôi đã viết 2 bài ca cổ về Bác Hồ ("Mặt trời đêm", "Vầng trăng quê Bác"), một bài về Bác Tôn ("Thư tình nơi Côn Đảo"), một bài ca ngợi Cách mạng tháng Tám thành công ("Việt Nam, mùa thu ấy"). Riêng bài "Gió núi" nói về một người mẹ Việt Nam anh hùng đã che chở cho đàn con trong chiến đấu chống giặc và bài "Nhớ đồng núi Sập" nói về tình đồng đội, những chiến sĩ trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là hai bài ca cổ mà tôi yêu thích".
Bình luận (0)