Cha của chị - nhạc sĩ Trần Vân - cũng nhiều lần khuyên ngăn con gái, nhưng chị đòi đi học cho bằng được cái nghề của cha mẹ. Vào trường, chị được các thầy cô như: Tám Danh, Ba Du, Thanh Hương, đạo diễn Bá Huỳnh, Nguyễn Sơn truyền đạt kinh nghiệm. Nhờ “gốc” con nhà nòi lại sáng dạ với những bài học ngay bên cánh gà các đoàn hát thuở nhỏ, ngay từ năm thứ nhất Thanh Vy đã trở thành gương mặt nổi bật của sân khấu cải lương đất Bắc. Chị đã nhiều lần được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ kính yêu, từng được Bác khen ngợi khi diễn vai Võ Thị Sáu, Trần Quốc Toản và vai cô du kích anh dũng trong vở Sài Gòn dậy lửa.
Năm 1963, chị về Đoàn Cải lương Nam Bộ và trở thành hạt nhân nòng cốt của cải lương đất Bắc. Chị đã có 5 chuyến lưu diễn qua các nước: Pháp, Bulgaria, Hungary, Tiệp Khắc... Mỗi nơi chị đi qua, ấn tượng về một Thanh Vy luôn tỏa sáng trong lòng khán giả kiều bào. Sáu năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua tại Nhà hát Trần Hữu Trang, là tấm gương đối với thế hệ diễn viên trẻ khi vừa là một đàn chị, một người thầy đứng trên bục giảng. Thanh Vy tâm sự: “Tôi muốn dùng chủ đề Tri ân cuộc đời để cảm tạ khán giả đã thương yêu, cổ vũ mình trong suốt 40 năm theo nghề. Tôi muốn tri ân thầy cô, gia đình và bạn bè đã giúp tôi đúc kết khá nhiều bài học kinh nghiệm để qua đó nỗ lực, bền bỉ với nghề”.
Trong chương trình, chị đã diễn lại vai Xê Đa trong vở Nàng Xê Đa, một vai diễn đã có mặt trên 1.800 suất từ Nam chí Bắc. Khán giả còn xúc động khi gặp lại chị trong trích đoạn Hòn đảo thần vệ nữ và vai Võ Thị Sáu (vở Người con gái đất đỏ). Thanh Vy bao giờ cũng đặt mình vào tư thế học tập không ngừng. Nhiều lần khán giả bắt gặp chị đặt mình vào chỗ ngồi của công chúng, có lúc chị đăm chiêu suy nghĩ, có lúc chị biểu hiện sự không hài lòng đối với một vai diễn, một vở kịch mà nếu lớp diễn viên trẻ biết phấn đấu hơn thì có thể sẽ đạt hiệu quả nghệ thuật. Song, dù với trạng thái nào, sau khi xem chị cũng góp ý hết sức chân thành. Nhiều diễn viên trẻ xem chị như một điểm tựa, họ muốn biết cảm nhận của chị, lại mong muốn được nghe chị phê bình để sửa đổi. Năm 1971, chị thành hôn với soạn giả Hùng Tấn và có một con trai là nhạc sĩ Thanh Lâm, thành viên của nhóm nhạc trẻ Tiết Tấu Mới (giải nhất Liên hoan Các ban nhạc trẻ toàn quốc 2003). Trong gia đình chị, còn có NSƯT Thanh Dậu là chị ruột, các nhạc sĩ: Trần Hồng, Văn Hai, Văn Môn là em trai... Đi đến đâu, hễ nhắc đến gia đình Vân Quí thì ai cũng nể sự nghiệp nghệ thuật của cả một dòng tộc nối tiếp nhau, đem tài năng và tâm đức rèn giũa chữ nghề...
Bình luận (0)