“Tôi nhớ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được nghe các thầy cô giảng về những câu thơ hay về mái trường thân yêu, tôi không cảm nhận được hết chất thơ và ý nghĩa sâu sắc của nó. Sau này, khi phải rời xa mái trường Nghệ thuật Sân khấu II thân yêu và giờ là Đại học, rồi thời gian lại trôi nhanh vô tình, tôi sẽ lại rời xa ngôi trường đại học mà tiếp tục những bước đi vào nghề, tôi càng thêm thấu hiểu ý thơ của Chế Lan Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
Tôi muốn bật khóc khi nhìn thấy các thầy cô nay tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt, có người tóc đã bạc trắng, vẫn tiếp tục lên lớp giảng dạy. Đó là thầy Trần Minh Ngọc, Lê Văn Tĩnh, Ca Lê Hồng, Mai Thanh Dung, họa sĩ Lê Văn Định, Nguyễn Văn Phúc…Có thể, đối với nhà thơ Chế Lan Viên, “ nơi đất ở” là những xóm làng mà nhà thơ đã đi qua trong thời chiến tranh đạn lửa. Còn với tôi, “nơi đất ở” chính là ngôi trường Nghệ thuật Sân khấu II, nơi tôi học lớp diễn viên, rồi lên đại học với khóa đào tạo đạo diễn chuyên tu” – NSƯT Trịnh Kim Chi tâm sự.
Để có buổi họp mặt lần thứ 2 này, nhóm bạn gồm diễn viên Lê Hóa, Đoàn Bình, Hữu Nghĩa, Hạnh Thúy và nhiều thành viên khác đã cùng với NSƯT Trịnh Kim Chi nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi các bạn đã từng học dưới mái trường Nghệ thuật Sân khấu II cùng hội ngộ. “Chúng tôi chia nhau tìm đến nhà các thầy cô đã từng dạy học ở trường từ thập niên 1970 – 1980 để mời các thầy cô đến dự. Có thầy sức khỏe yếu không thể đến, nhưng phút cuối đã có mặt làm cho chúng tôi xúc động đến rơi nước mắt” – NS Lê Hóa tâm sự.
Với NSƯT Trịnh Kim Chi, nghề diễn viên, đạo diễn được đào tạo từ trường Nghệ thuật Sân khấu II đã giúp cho cô được đứng trên tầng cao và phóng tầm mắt ra xa ở phía bên ngoài bục giảng, “để mỗi chúng tôi tự vẽ một bức tranh sinh động về nghệ thuật. Thời buổi hiện tại nhiều bạn trẻ đã chọn con đường tắt khi tham gia các game show, truyền hình thực tế để tìm chỗ đứng, họ bỏ đi công đoạn được đào tạo chuyên môn, nơi những chuẩn mực của hệ thống giáo án được cập nhật liên tục từ kinh nghiệm giảng dạy của các thầy cô. Hôm nay, tạm quên đi những tiếng ồn ào của xe cộ, của những show diễn, những lịch quay hình, tập vở, chúng tôi đã ngồi lại bên nhau, cùng hát, cùng tâm sự với các thầy cô về ngôi trường thân yêu của mình” – NSƯT Trịnh Kim Chi đã chia sẻ.
Vợ chồng nghệ sĩ: Lê Tứ
Như trong một gia đình lớn, thầy cô là cha mẹ, vẫn bảo ban, chỉ dạy, vẫn động viên những học trò đang nỗ lực làm nghề một cách tâm huyết. “Như Trịnh Kim Chi có sân khấu mang tên mình, đang nỗ lực không ngừng làm nghề một cách nghiêm túc. Như Hữu Nghĩa có sân khấu Kịch Sài Gòn, dàn dựng với vai trò đạo diễn nhiều vở hay, tạo điều kiện để các bạn diễn viên trẻ gắn bó với sân khấu, hoặc Lê Hóa, Hạnh Thúy, Vũ Văn Long, Mạnh Tràng…mỗi người đều nỗ lực không ngừng làm tiếp công việc tạo cơ hội để các diễn viên, đạo diễn trẻ mới ra tường có chỗ đứng, phát huy tài năng. Đó là món quà ý nghĩa nhất mà chúng tôi, đội ngũ những người đưa đò cảm kích” – NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc đã nói.
Bình luận (0)