xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSƯT Việt Anh: Rong chơi xúc cảm

MINH NGA

Không khuôn mẫu, không quy tắc, không gò bó, Việt Anh ra sân khấu luôn hút hồn khán giả bằng lối diễn phóng khoáng, tự do rất riêng của mình. Anh được xem là diễn viên ngẫu hứng bậc nhất trên sân khấu 30 năm nay

Ái mộ NSƯT Việt Anh, mới đây, một khán giả đến Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần, TP HCM) xem vở kịch Phía sau tội ác đến 3 lần. Đến đêm thứ 3, sau khi xem về, nửa đêm chị bật dậy viết bài thơ tặng anh: “Ông Cường tòng phạm giết người/ Một vai gai góc nhưng cười vì duyên/ Càng xem càng bị thôi miên/ Xem bao nhiêu suất cũng ghiền… Việt Anh”. Phải là một người yêu quý Việt Anh lắm và anh phải có nét diễn thật độc đáo mới có thể khiến khán giả này cảm nhân vật bằng thơ như vậy!

Vượt mọi khuôn khổ

Xem Việt Anh diễn, cảm giác thường trực của khán giả là thích thú lẫn hồi hộp. Dù các vai anh sắm nào đâu phải ly kỳ, gay cấn. Hồi hộp ở chỗ không biết anh sẽ làm gì với những vai bé xíu như vậy. Tên trộm Tư Liều trong Tốt - xấu - giả - thật, ông đạo diễn Vân Nam trong Rạo rực, tên tòng phạm Cường trong Phía sau tội ác… là những vai nho nhỏ nhưng bao phen anh làm khán giả ngỡ ngàng. Cảm tưởng rằng anh sẽ dẫn nhân vật đi trên con đường định sẵn nhưng anh cứ quẹo chỗ này, dừng chỗ nọ, nhanh chỗ nọ, chậm chỗ kia. Mọi đường dây của nhân vật bị “trật” khỏi dự đoán ban đầu của người xem. Thì đã bảo anh là một tay diễn ngẫu hứng mà!

 

NSƯT Việt Anh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
NSƯT Việt Anh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Việt Anh ngay cả khi tập tuồng lẫn khi ra sân khấu, không chịu áp lực, không một gánh nặng nào trên vai. Không chuẩn bị trước từ lời thoại đến tâm lý, anh vào vai diễn như một chuyến rong chơi của xúc cảm. Anh không gặp khó khăn nhưng lại gây khó khăn cho bạn diễn. Đừng mơ thấy Việt Anh ăn, ngủ với kịch bản hay nằm dài trên sàn tập. Lúc người ta trầy trật học thoại, diễn thử 5 lần 7 lượt, hình như anh cứ quanh quẩn đâu đó bên ngoài, lâu lâu tạt ngang xem thử. Không ít người lần đầu diễn với Việt Anh lo lắng đến xanh mặt vì sợ “bể” tuồng nhưng khi ra sân khấu họ… xanh mặt thật. Người tưởng ngơ ngác, ngây ngô mới đây đã tung tẩy, biến hóa khôn lường khiến họ “khóc ròng” vì không kịp đỡ. Việt Anh ví von: “Tôi như củi khô lập tức mọc cành, mọc lá, đơm hoa, kết trái khi ra sân khấu. Bản thân tôi bị kích thích bởi ánh đèn sân khấu và khán giả”. Khi ấy, anh “phiêu” đến mê mệt.

Sàn diễn Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ mỗi đêm, rất nhỏ, hẹp; vai diễn của Việt Anh mỗi đêm cũng nhỏ, bé lắm nhưng bao giờ cũng bất ngờ, ngẫu hứng, tự phát. Kiểu ngẫu hứng bật ra tua tủa khi diễn gần như là một thứ bản năng mà anh không thể lý giải hết căn cơ, ngọn nguồn. Đóng vai hài, bi mà khán giả cười, thương là bình thường nhưng đóng vai ác mà khán giả cũng thương thì ngoài Bảo Quốc chỉ có thể là Việt Anh. Anh quá duyên dáng, quá màu sắc. Mỗi đêm là mỗi nét tươi mới. Việt Anh giống như một thứ vitamin giúp khán giả chống lại cảm giác mệt mỏi. Không khuôn mẫu, không quy tắc, không gò bó nhưng nói Việt Anh xuề xòa là sai lầm. Giới nghệ sĩ miền Bắc gọi Việt Anh là tay diễn “bợm”. Tức là nét diễn già dặn, sành sỏi. Việt Anh ngẫu hứng và thăng hoa bằng bản năng và cả sự trải nghiệm. Anh diễn phóng khoáng mà không bậy. “Sự ưu tú của người nghệ sĩ chân chính vượt khỏi mọi khuôn khổ định danh” là một nhận xét rất đúng về Việt Anh.

Nghệ thuật không nên “nửa vời”

Việt Anh tự trào: “Tôi vừa già vừa xấu, đầu hói, mặt nhiều nốt ruồi, ca dở, múa kém…”. Nói như vậy nghĩa là những “phương tiện” giúp con người ta đến với nghệ thuật như thanh lẫn sắc anh đều không có. “Nhằm nhò gì. Nhận vai nhỏ để làm nó lớn hơn, diễn vai phụ mà ấn tượng hơn vai chính ấy mới là cao thủ”, đó là cách Việt Anh đã sống và tỏa sáng với nghề 30 năm nay. Không biết anh từ đâu đến, lảng vảng đâu đó, lùi hẳn về phía sau nhưng thâu tóm nhanh gọn, hút hồn khán giả chóng vánh. Quá ít đất diễn song quá nhiều cho cảm xúc. Bằng một cách bản năng, Việt Anh đã bước qua những khoảnh khắc sống trên sân khấu nhẹ nhàng thôi, đơn giản thôi nhưng luôn là “linh hồn” của tác phẩm.

Việt Anh nói mình là kẻ mơ mộng trong nghệ thuật. “Tôi bắt đầu mơ mộng về sân khấu từ nhỏ, khi xem các vai diễn của Thanh Nga, Hùng Cường. Từ khi còn là thằng bé con đến năm 27 tuổi, tôi vẫn cứ mơ về sân khấu, ánh đèn, khán giả và các nhân vật” - anh nhớ lại. Có lúc Việt Anh lý giải mình đến với nghệ thuật chính là bằng sự mơ mộng có niềm tin như vậy. Dù cho anh có lúc ngủ ngoài đường, cơm hàng cháo chợ, đói về vật chất nhưng chưa bao giờ đói niềm tin. Việt Anh có thể đánh rơi nhiều thứ trên đường đời nhưng niềm tin thì chưa hề. Niềm tin dẫn anh đi qua khó khăn một cách nhẹ nhàng, thanh thản.

Là kẻ mơ mộng nên Việt Anh nhìn nghệ thuật bằng đôi mắt của kẻ yêu cái đẹp. Vốn dĩ “cái đẹp trong nghệ thuật là cái đẹp của mọi cái đẹp”. Cái đẹp đó phải qua tâm hồn sáng tạo, chọn lọc của người nghệ sĩ. Bởi vậy, nghệ thuật không ám ảnh anh nhưng những người làm nghệ thuật lại ám ảnh anh triền miên. “Diễn viên phải là một người am hiểu, nhận thức tất cả các lĩnh vực mới có thể truyền cái chân - thiện - mỹ đến khán giả. Nên nhớ là nhận thức quan trọng hơn kiến thức” - anh quan niệm. Việt Anh ghét và khó chịu với thứ nghệ thuật nửa vời. Anh bảo diễn viên khi ra sân khấu phải diễn nhưng không diễn, nếu không làm được thì đừng cố, sẽ rất lố bịch. “Ngày xưa, nghệ sĩ đến với sân khấu vì đam mê còn bây giờ vì danh vọng nhiều hơn” - Phó Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ lo lắng.

Suy tư, hẫng hụt giữa đời

Nếu thấy Việt Anh cầm một tờ báo đọc cả ngày thì cũng đừng quá ngạc nhiên. Anh vốn “nghiện” đọc. Ngày còn trẻ, sách “gối đầu giường” của anh không biết bao nhiêu mà kể. Đủ thể loại, nội dung. Bây giờ tuổi cao, mắt kém nên anh chỉ đọc sách triết lý, chiêm nghiệm cuộc sống. Cũng thời trẻ, anh học từ vai diễn. Khi toan về già, anh học từ đời. Gặp Việt Anh lúc nào cũng thấy gương mặt thâm trầm bên cạnh dòng đời biến động. Cũng phải thôi, góc đời cay đắng mà anh đi qua, những thăng trầm mà anh nếm trải khiến anh không còn réo rắt nữa. “Tôi sống rất chậm chạp và không thờ ơ. Tôi gói mọi thứ vào trong, nhấm nháp” - anh nói. Không lấy làm mệt đầu, nhọc sức vì phải suy nghĩ, Việt Anh lại thấy “khoái” khi nhận ra điều gì đó hiện hữu trong cuộc sống này mà nhiều người đã vội lướt qua.

Trong Việt Anh không phải chỉ là một con người duy nhất. Anh vừa là một nghệ sĩ, một gã khó chịu, là kẻ trầm tư, một ông già có trái tim nhạy cảm… Hiếm hoi lắm mới thấy anh hóm hỉnh, hài hước. Việt Anh tự nhận: “Tôi không lốp bốp miệng mồm, không thích bình luận chuyện trên trời dưới đất. Khi tôi suy tư, mặt tôi nhìn như đang quạu quọ, khó chịu, cau có. Nhưng tôi sống tình cảm chứ không xa cách”. Có một cái gì đó mâu thuẫn giữa một Việt Anh suy tư và một Việt Anh nhạy cảm. Cứ tưởng những gì anh chiêm nghiệm được sẽ giúp trái tim anh thôi xao động trước biến động của cuộc đời. Nhưng không, Việt Anh của hôm nay vẫn hay buồn, hay lo. Dù cái tuổi này không còn non dại để hốt hoảng chạy trốn. Vẻ như có điều gì đó không “ổn” lắm trong anh. Mọi sự bất thành trong cuộc sống riêng tư khiến Việt Anh hẫng hụt. Một trái tim yếu đuối vẫn lẩn khuất đâu đó trong ngoại hình có phần “bợm” này. Anh không phớt lờ nỗi đau của quá khứ như cách mà anh từng nói: “Con người mà không có ký ức là một điều đáng buồn”.

Nghệ thuật với anh ngày xưa là niềm vui nhưng bây giờ là mưu sinh. Và anh chỉ chọn công việc âm thầm hằng đêm ở sân khấu, hằng ngày ở phim trường để kiếm tiền nuôi mình, gửi cho con. Gã nghệ sĩ có cái đầu hói và đôi mắt đăm đăm của hôm nay thong dong sống với nghệ thuật và đong đầy niềm tin, khát vọng về tương lai của con gái mình. Với anh, hạnh phúc của con gái cũng là niềm vui ấm áp của người cha này, dẫu xa con nửa vòng trái đất. n

 

Giải Mai Vàng - mốc son trong sự nghiệp

Bên cạnh Chu Phác Viên trong Lôi vũ, đại tá Luchianov trong Đêm họa mi, người cha trong phim Mùi ngò gai..., ông Năm trong Dạ cổ hoài lang là vai diễn đỉnh cao của Việt Anh. Suốt 20 năm trên sàn diễn Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, Việt Anh sừng sững với vai ông Năm như một tượng đài chưa ai thay thế nổi. “Mặc dù được giao vai ông Tư nhưng tôi đã xin được đóng vai ông Năm vì ngay từ đầu, tôi đã thích và biết cách diễn sao cho hay. Ông Năm trong kịch bản là giống như bộ xương khô. Tôi đã thêm da đắp thịt để mập mạp mới có thể sống bền bỉ” - Việt Anh kể. “Việt Anh đóng vai đó duyên ơi là duyên! Đến bây giờ vẫn chưa ai đóng vai đó đạt đến thần thái và sự hoàn hảo vì không thể ngẫu hứng và sáng tạo độc đáo được như anh” - NSƯT Thành Lộc xuýt xoa. Với vai này, Việt Anh đã giành Giải Mai Vàng năm 1995. “Dù trong nghề, tôi chưa bao giờ lên đến đỉnh cao nhưng giải thưởng năm đó thật sự là mốc son lớn nhất trong sự nghiệp diễn xuất của tôi” - NSƯT Việt Anh nói.

TÀI TRỢ CHÍNH

img

TÀI TRỢ PHỤ

img

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo