Sau những tên tuổi thuộc thế hệ vàng như Kim Cương, Bạch Tuyết, Út Bạch Lan, Ca Lê Hồng, Hoa Hạ, Minh Hạnh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ái Như, Thanh Thủy, Minh Nguyệt..., phần lớn nữ đạo diễn trẻ đang sáng tạo trên các sàn diễn xuất thân từ diễn viên. Họ bước vào lãnh địa dàn dựng vở diễn bằng nỗ lực và kinh nghiệm diễn xuất. Số còn lại được đào tạo qua trường lớp, có người đã tốt nghiệp loại giỏi, người bỏ hẳn nghề chuyển sang viết kịch bản nhưng rồi sàn diễn vẫn như thỏi nam châm cuốn hút họ quay lại, góp phần thổi bùng lên sự thăng hoa trong sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm mang dấu ấn phụ nữ thời đại.
Tâm huyết và tài năng
Những gương mặt đạo diễn nữ đang chiếm lĩnh các sàn diễn hiện nay phải kể đến: Hồng Ánh, Hạnh Thúy, Cát Phượng, Trịnh Kim Chi, Ngọc Trinh, Phi Nga, Quỳnh Phượng, Thu Huyền, Linh Huyền, Hồng Trang… Mỗi người có một tố chất sáng tạo riêng nhưng vở diễn tâm huyết của họ đều toát lên nét đẹp đầy nữ tính. Đạo diễn Vũ Minh đánh giá các nữ đạo diễn cho ra đời nhiều tác phẩm cộng hưởng tâm huyết và tài năng của họ, nhận được sự cổ vũ của công chúng, sự thán phục của đồng nghiệp.
Hiện nay, sự kết hợp giữa biên kịch, đạo diễn điện ảnh gạo cội Việt Linh và diễn viên Hồng Ánh trong vai trò đạo diễn đã mang đến một làn gió mới cho sân khấu Kịch Hồng Hạc. Giới chuyên môn đánh giá cao vở kịch “Giờ của quỷ” do Hồng Ánh dàn dựng. Tác phẩm đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng. Đây là tác phẩm đầu tay của Hồng Ánh trong vai trò đạo diễn. Vở diễn phỏng theo tiểu thuyết “Trái tim què quặt” của Catherine Arley, qua phần biên kịch giỏi nghề của nhà biên kịch Việt Linh cùng sự tươi mới trong dàn dựng của Hồng Ánh đã mang đến một không khí hoàn toàn mới lạ cho làng kịch phía Nam. Thủ pháp dàn dựng chắc gọn, tinh tế nhờ Hồng Ánh đúc kết được từ nhiều năm gắn bó với kịch, rồi học nghề biên kịch bên phim, cô áp dụng rất nhiều ngôn ngữ trong dàn dựng để tạo ấn tượng mạnh với những lớp cao trào. Còn Cát Phượng, sau vở “Chưa yêu sao hiểu được”, cô đang đầu tư viết kịch bản và dàn dựng vở mới cho sân khấu Kịch Phú Nhuận, có sự thể nghiệm trong cách biến đổi không gian, thời gian, để qua đó tạo mối giao lưu với khán giả.
Hạnh Thúy cũng là đạo diễn đã tạo dấu ấn đẹp qua các vở: “Thu khùng”, “Dòng nhớ”, “Mẹ yêu”…; Thu Huyền đã thử sức và mang lại thành công với doanh thu cao qua vở “Điện thoại lúc nửa đêm” cho Nhà hát Thế Giới Trẻ; Linh Huyền với vở kịch thơ “Bà chúa thơ Nôm” da diết nét trữ tình; Phi Nga thật sự đem lại nét tươi trẻ cho sân khấu Nụ Cười Mới qua các vở: “Tình cha”, “Cuộc phiêu lưu những bức thư tình”, “Ép duyên cha”…; Ngọc Trinh với vở nhạc kịch “49 ngày yêu” (Giải Mai Vàng vở diễn sân khấu được yêu thích nhất 2014); Trịnh Kim Chi với vở “Tiếng hát réo linh hồn”, tạo cú hích cho sân khấu rạp Hậu Giang; Hồng Trang dàn dựng vở “A ma ma” trên sân khấu Nhà hát Kịch TP HCM cũng đã tạo bước chuyển mới ở một đạo diễn nữ lâu nay chỉ làm kịch cà phê, lần đầu tỏa sáng trên sàn diễn chuyên nghiệp. Hoặc vở “Nhà có ba chị em” của đạo diễn Thu Phương đọng lại trong tâm trí khán giả nét đẹp nhân ái. Theo đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu: “Họ mang lại sức trẻ cho sân khấu, nét nữ tính sâu sắc được phả vào không gian kịch. Một số bạn có ý hướng tìm tòi cái mới rất đáng khích lệ khi kịch bản còn yếu và họ làm luôn cả công tác biên kịch, hơn hẳn các nam đạo diễn trẻ ở chỗ có sự chăm chút, tỉ mỉ”.
Biết người biết ta
Theo nhận định của giới chuyên môn, nữ đạo diễn sân khấu, ngoài tâm huyết với nghề, họ còn phải thực tài. Nghề dàn dựng không chỉ là một sân chơi để “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhìn lại thế hệ đạo diễn nữ của sân khấu phía Nam, họ đã trải nghiệm, dấn thân rất nhiều để làm nên dấu ấn cho mỗi tác phẩm. “Làm mới mình chưa đủ, cần phải biết đau, để nỗi đau mắc nợ sàn diễn cứ ám ảnh mình, lúc ấy sẽ làm nên chuyện” - đạo diễn Thanh Thủy chia sẻ.
Đạo diễn Ngọc Trinh nói: “Phụ nữ làm đạo diễn có ưu điểm nhưng nhiều khuyết điểm. Đó là quá cầu toàn nên rất cực và vở diễn chứa đựng quá nhiều thông điệp. Lao vào rồi mới thấy khó”. Còn đạo diễn Quỳnh Phượng, tác giả của vở “Cõi tạm”, nói rằng: “Trong thời buổi này, đạo diễn khó có thể sáng tạo theo ý mình”.
Hầu hết các nữ đạo diễn đều “biết người biết ta” khi xung trận. Họ thận trọng trong cách chọn lựa kịch bản, thêm chất văn học vào từng trang bản thảo. Họ cũng có những nguyên tắc khi lên sàn tập. Và trên hết là nỗ lực không ngừng để thay đổi cách nghĩ, cách làm kịch theo thời vụ. “Tùy theo chiến lược, phương hướng của mỗi thương hiệu để tìm tòi cách thức dàn dựng là chìa khóa thành công của nhiều nữ đạo diễn. Bởi khi dựng, họ xác định yêu cầu của sàn diễn cần ở họ điều gì? Biết lắng nghe ý kiến phản hồi của khán giả, của hội đồng chuyên môn ở mỗi sân khấu. Đó là điều đáng quý ở các nữ đạo diễn trẻ hiện nay” - đạo diễn - NSƯT Nguyễn Công Ninh nói.
Khi sân khấu rơi vào thế thoái trào, các suất diễn dù có ngôi sao vẫn bị trả vé thì sự xuất hiện của các nữ đạo diễn đã phần nào tạo độ an toàn cho các thương phẩm kịch. Đó là điều đáng mừng cho một thế hệ nữ đạo diễn đang làm nghề hiện nay.
Ưu thế chịu đọc
Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, hạn chế của các nam đạo diễn thời nay là ít đọc sách văn học, họ lên mạng xã hội nhiều hơn nên đưa vào vở những xung đột quyết liệt mang tính tức thời. Còn nữ đạo diễn trẻ có thói quen đọc sách nên họ dựng những dư chấn sâu đậm, đọng lại trong tâm thức khán giả những gam màu đẹp. “Tôi cho rằng họ có ưu thế hơn nam đạo diễn ở chỗ đọc và dựng, chắc và sâu” , đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
Bình luận (0)