xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nữ nghệ sĩ vĩ cầm xuất chúng

Hàm Châu

Đó là Đỗ Phượng Như. Tôi quen biết nữ nghệ sĩ rất mực tài hoa và không kém phần xinh đẹp này đã 15 năm có lẻ, từng dõi theo và chia sẻ bao nỗi hồi hộp đợi chờ cũng như bao niềm vui chiến thắng của chị qua hàng loạt cuộc thi violin quốc tế mà chị luôn đoạt giải cao

Giải nhất Tứ tấu đàn dây Shostakovich

Có lẽ danh giá hơn cả là giải nhất cuộc thi Quốc tế Tứ tấu đàn dây Shostakovich (International Shostakovich String Quartets Competition) do chị và 3 bạn gái Nga cùng diễn tấu.

Như nhiều người đã biết, Dmitri Dmitrievich Shostakovich (1906-1975) là một trong số rất ít nhà soạn nhạc được thế giới đồng thuận vinh danh là thiên tài âm nhạc thế kỷ XX. Ông là người sáng tác bản giao hưởng số 7 cung Do trưởng, Op. 60, hay còn gọi là Giao hưởng Leningrad, được biểu diễn trong 900 ngày đêm đạn lửa ngút trời giữa lòng thành phố chát chúa tiếng bom, đang bị hàng chục vạn quân phát-xít Hitler vây hãm khiến 1 triệu người Nga thiệt mạng!

Đỗ Phượng Như. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đỗ Phượng Như. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Đêm 2-7-1942, Giao hưởng Leningrad vang lên lần đầu tiên tại Leningrad. Người nghe gián tiếp qua sóng phát thanh là hàng chục vạn chiến sĩ Hồng quân và dân chúng chốn cố đô thời Pierre Đại đế, đứng dưới chiến hào lõng bõng bùn đen trộn tuyết.

Gần như ngay lập tức, tổng phổ bản giao hưởng được chuyển thẳng bằng tàu phá mìn và máy bay cường kích qua Địa Trung Hải, vượt Đại Tây Dương. Tất cả các nhạc trưởng lỗi lạc nhất nước Mỹ tranh quyền là người đầu tiên chỉ huy biểu diễn bản giao hưởng huyền thoại ấy - Giao hưởng anh hùng của thế kỷ XX.

Đêm 19-7-1942, nhạc trưởng Mỹ gốc Ý Arturo Toscanini chỉ huy NBC Symphony Orchestra công diễn Giao hưởng Leningrad trong Nhà hát Đài Phát thanh New York tại Trung tâm Rockfeller và được RCA Victor ghi âm tại chỗ. Một nhạc phẩm thật đồ sộ, đa thanh, phức điệu, gồm 4 chương, đòi hỏi phải có ít nhất 100 nhạc công mới biểu diễn nổi. Chỉ trong mùa thu năm 1942, Giao hưởng Leningrad đã được diễn tấu tới 60 lần trên khắp lãnh thổ bao la nước Mỹ. Báo chí Mỹ viết như một lời tiên tri: “Shostakovich mạnh hơn cả Hitler! Hitler sẽ bại vong, song Shostakovich thì còn lại mãi…”.

Bên cạnh 15 bản giao hưởng, 6 concerto, Shostakovich còn để lại 15 tứ tấu đàn dây, 1 ngũ tấu piano, 2 sonata piano, 24 prelude, 2 vở ca kịch đồ sộ và một lượng nhạc phim đáng kể.

Ngôi sao violin Việt trên vòm trời âm nhạc Nga

Mùa thu, khi những dải rừng phong, hoàn diệp liễu bên bờ vịnh Phần Lan và dọc đôi bờ sông Neva chuyển sang màu đỏ thắm trong sương thu xám mờ, như trong tranh Isaac Levitan, tại Saint Petersburg diễn ra cuộc thi Quốc tế Tứ tấu đàn dây Shostakovich.

Tổ chức 5 năm một lần, cuộc thi có uy tín lớn, thu hút hầu hết các nhóm tứ tấu ưu tú nhất từ khắp các châu lục đến dự.

Tại cuộc thi Shostakovich lần thứ nhất năm 1981, nghệ sĩ Valentin Berlinsky cùng nhóm Tứ tấu Borodin giành giải nhất. Mấy năm sau đó, ông trở thành giáo sư Nhạc viện Tchaikovsky. Đỗ Phượng Như, cô gái phương Đông hiền dịu, đôi mắt đen ươn ướt, mái tóc buông xõa óng ánh màu than đá, may mắn trở thành học trò cưng của ông.

Nhưng bỗng Liên Xô… sụp đổ! Nước Nga thời Boris Yeltsin chìm dần xuống vực sâu chưa thấy đáy. Lạm phát phi mã. Đồng lương thực tế co hẹp lại như “miếng da lừa” trong tiểu thuyết H. Balzac!

Giáo sư V. Berlinsky đành ngậm ngùi ra nước ngoài… “tha phương cầu thực” nhưng ông không sao quên được nước Nga bao la băng giá, nơi ông có những học trò yêu. Hễ có dịp nghỉ dài ngày là ông quay trở lại, truyền nghề cho lớp trẻ.

Hai năm trước cuộc thi, ban tổ chức đã gửi chương trình thi, gồm nhiều tác phẩm khó và hay của các nhạc sĩ cổ điển và hiện đại lừng danh, đến các nhạc viện, nhà hát khắp thế giới để những nghệ sĩ nào muốn dự thi có đủ thời gian luyện tập.

Đặc biệt, đối với nhóm tứ tấu đàn dây thì ngoài việc tập riêng từng người, lại còn phải tập phối hợp giữa violin 1, violin 2, viola và cello sao cho ăn ý và hay.

Đầu năm 1996, V. Berlinsky trở về Nga, tự mình tuyển chọn bốn “ngôi sao” cho nhóm Tứ tấu Dominant. Theo thuật ngữ âm nhạc, dominant  có nghĩa là âm át nhưng trong trường hợp này, Berlinsky muốn dùng âm tiết đầu Do để ghi nhớ họ Do (không dấu) của Phượng Như. Chỉ còn 7 tháng nữa thôi, phải là những tay đàn cừ khôi mới tập kịp.

Đỗ Phượng Như được ông chọn làm cây đàn violin 1 và là trưởng nhóm. Sau chị là Ekaterina Pogodina (violin 2), Anna Sazonkina (viola) và Tatyana Egorova (cello). Nhóm gồm toàn nữ: 1 cô gái Việt, 3 cô gái Nga.

Tứ tấu Dominant giành giải nhất. Dư luận thế giới coi đây là niềm tự hào của trường phái âm nhạc Nga giàu chất trữ tình da diết. Tất nhiên, đối với Việt Nam ta, đây cũng là niềm vinh dự hiếm thấy, qua sự hiện diện của một nữ nghệ sĩ vĩ cầm 23 tuổi có đôi mắt phương Nam đen láy.

Con cháu nhà nòi

Lúc bấy giờ mới là sinh viên năm thứ 4 Nhạc viện Tchaikovsky nhưng Đỗ Phượng Như đã được đặc cách tuyển làm cây đàn violin độc tấu (violin soloist) của dàn nhạc Đại hòa tấu Moskva (Moskva Philharmonic Orchestra), dàn nhạc nổi tiếng nhất Liên bang Nga. Chị vừa tham gia dàn nhạc vừa học tiếp chương trình năm thứ 5.

Phượng Như muốn tốt nghiệp bằng đỏ. Mà muốn thế thì ngoài môn học chính là độc tấu violin, về các môn phụ, chị cũng phải đạt điểm tối đa! Số môn phụ ấy lại rất nhiều. “Thường thì biểu diễn đến quá nửa đêm mới trở về ký túc xá. Tôi bật bếp gas, nấu mì ăn qua quýt, rồi ngồi ngay vào bàn ôn thi. Tất cả các môn, đặc biệt triết học, lịch sử văn học Nga, lịch sử âm nhạc Nga đều được viết bằng thứ tiếng Nga hào hoa tinh tế của Pushkin, Tolstoy, không dễ dàng thấu hiểu!” - chị kể.

“Phượng Như bắt đầu học nhạc năm mấy tuổi? Phải chăng ngay từ thuở bé đã được “ru” trong tiếng đàn violin?” - tôi hỏi. “Có thể nói như vậy lắm! Bố tôi, nghệ sĩ violin Đỗ Nhự, tiến sĩ âm nhạc học, là em ruột nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tác giả Du kích sông Thao, Hành quân xa, Chiến thắng Điện Biên... Mẹ tôi, nghệ sĩ múa ballet Nguyễn Kim Phụng, là em ruột nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, tác giả Diệt phát-xít, Người Hà Nội… Học violin ở Nga, lúc trở về nước, bố tôi mang theo nhiều đĩa nhạc, nhờ vậy, từ bé tôi đã được “ru” bằng tiếng đàn violin. Một hôm, đúng vào ngày tôi tròn 4 tuổi, bố tôi dắt tôi đến chơi nhà một người quen. Ở nhà bác ấy có cây đàn violin xinh ơi là xinh. Tôi thích quá! Bố tôi liền mua ngay cây đàn ấy cho tôi. Thế là hôm sau, tôi bắt đầu ò e kéo vĩ cầm… “Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”, hay “Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm mãi hồn ta” - giai điệu những ca khúc yêu nước nồng cháy của bác ruột tôi (Đỗ Nhuận) và Nguyễn Đình Thi dần dần biến thành tiếng đàn thô vụng của tôi ngày còn thơ dại…”.

Bố của Phượng Như, ngay từ khi còn ít tuổi, đã vào Thiếu sinh quân, sống gần gũi Bác Hồ dưới tán rừng Tân Trào - Định Hóa “hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”, rất đáng được đề bạt làm giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhưng ông khéo léo khước từ vì sợ mất quá nhiều thời gian… hội họp. Ông lặng thầm dành tất cả cho cô con cưng duy nhất của vợ chồng ông. Sớm tinh mơ, ông đạp xe đèo con từ nhà riêng quận Cầu Giấy tới nhạc viện ở mạn đê La Thành, rồi mới quay trở về cơ quan làm việc tại khu Văn công Mai Dịch. Thời “bao cấp”, đời sống cán bộ gieo neo lắm. Sắm được chiếc xe đạp Sputnik Liên Xô đã là sang. “Lặng thầm nuôi kỳ vọng con mình sẽ đạt đỉnh cao thế giới, vợ chồng tôi chấp nhận mọi thiếu thốn, thiệt thòi, dồn sức chăm chút con từng li từng tí, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa!” - TS Đỗ Nhự tâm sự.

Công cha, nghĩa mẹ dưỡng dục từ thuở còn thơ khiến Phượng Như day dứt nhớ nhà. Hằng đêm, từ phía chân trời Tây xa thẳm, chị gọi điện thoại về hỏi thăm bố mẹ, lắm khi giọng đứt quãng do tiếng nấc nghẹn lòng. Cho tới hôm nay, chị vẫn giữ quốc tịch Việt Nam với tấm hộ chiếu phổ thông màu xanh lá mạ. Chỉ tiếc một điều: Chị chưa lần nào được ngành văn hóa trong nước mời về biểu diễn, cho nên công chúng Hà Nội, TP HCM chưa mấy ai biết tới chị, như đã từng biết nhiều về Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, Dương Minh Chính, Bùi Công Duy, Bích Trà…!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo