xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nước mắm nhà làm

Truyện ngắn: Trần Nhã Thụy, Minh họa: hoàng đặng

Họ gặp nhau ở quán Xanh. Giữa quán Xanh, cô bận một chiếc váy thun hở vai, sọc ngang xanh trắng. Kiểu tóc ngắn và trang điểm nhẹ nhàng. Dáng vẻ như dân có chơi thể thao hoặc tập yoga. Khuôn mặt đẹp. Nhưng cái tai hơi buồn. Ngực cũng trầm

Khi Y đến, cô đã ngồi ở đó, với ly nước cam trước mặt.

Y đặt trên bàn một cái túi, trong đó là một lít nước mắm, đã được chiết ra hai cái chai thủy tinh, gói cẩn thận bằng nhiều lớp giấy báo. Dù vậy, mùi nước mắm vẫn thoang thoảng.

Y không có ý định ngồi xuống.

- Anh nói đây là nước mắm nguyên chất, nhà làm đúng không?

Cô hỏi, sau khi nhìn bâng quơ vào túi nước mắm.

- Đúng rồi. Đây là nước mắm do má tui làm, từ ngoài quê gửi vào, bảo đảm không hóa chất.

Y cất tiếng. Cảm thấy cổ họng hơi khô khốc. Chẳng ra giới thiệu. Chẳng giống quảng cáo.

img

- Quê anh ở miền Trung à? - cô hỏi. Và không đợi Y trả lời, liền nói: “Em nghe má em nói ông cố em cũng quê miền Trung, sau đi thuyền vào Phú Quốc rồi sinh ông nội em ở đó. Nhưng ba em lại sinh ở Sài Gòn, vì khi ông nội đi đánh cá bị bão cuốn mất tích, bà nội em bỏ lên Sài Gòn rồi lấy chồng khác”.

Chà, một chuyện tình lâm li đây. Y thầm nghĩ trong đầu. Và, mong cô nàng đưa tiền cho lẹ.

Nhưng cô vẫn chưa đưa tiền. Y vẫn đứng đó. Y không biết có nên nhắc số tiền không, bởi giá cả đã nêu rõ trên trang Facebook. Một lít nước mắm là một trăm rưỡi ngàn. Trong nội thành thì giao tận nơi, không lấy tiền ship (chi phí giao hàng). Xa hơn thì tùy.

- Ngoài bán nước mắm, anh còn bán thứ gì khác không? - cô lại hỏi.

- Dạ có. Tui cũng bán thêm mấy món như rong biển, măng khô, tỏi, ruốc... Nhưng nước mắm thương hiệu Bà Má vẫn là mặt hàng chính. Nếu ăn thấy ngon, rất mong cô tiếp tục ủng hộ!

Y cố nói một câu đùa duyên dáng nhưng thấy không được thoải mái lắm. Dạo này tâm trạng Y hơi thất thường. Như mọi khi, Y rất vui vẻ với khách hàng, thường xin một kiểu hình selfie để đăng lên Facebook, cũng là một cách tiếp thị cho việc bán hàng. Tuy nhiên, lần này, khách hàng không chơi Facebook hoặc là một nick ẩn danh, không kết bạn, không nhắn tin. Đột nhiên Y nhận được một cuộc gọi, nói là có đọc trên Facebook thấy rao bán nước mắm nhà làm, ngó có vẻ tin tưởng được nên đặt mua một lít ăn thử.

- Xin lỗi, cô tên gì, cho tui biết để lưu vào máy?

Lúc nhận cuộc gọi, Y có hỏi. Nhưng cô đáp:

- Anh cứ lưu KHÁCH HÀNG là được rồi. À, nếu được, khoảng 10 giờ ngày mốt, anh giao nước mắm cho em ở quán Xanh. Em sẽ nhắn cho anh địa chỉ ngay bây giờ.

Thế là trong danh bạ của Y có tên K.H Girl.

Cho tới lúc này, Y vẫn chưa biết cô tên gì. Tên gì thì có gì quan trọng đâu mà giấu, mà không cho biết.

- Đây, tiền của anh đây. Cảm ơn anh.

Trong lúc Y còn đang vẩn vơ suy nghĩ thì cô chìa tay tới, đưa mấy tờ tiền phẳng phiu.

- Cảm ơn cô!

Y cầm tiền, nhét nhanh vào túi áo, rồi rời khỏi quán.

*

* *

Y luôn cảm thấy mất phương hướng mỗi khi ra ngoài đường. Vài năm nay,

Y bị bệnh sợ tiếng ồn. Ở thành phố này, đâu cũng đụng tiếng ồn. Hễ bước ra khỏi cửa nhà thì muôn vàn âm thanh chát chúa nhào tới, vây bủa, tra tấn. Đi đám cưới: ồn. Đến đám ma: ồn. Đón con trước cổng trường: ồn. Có khi mệt quá, chạy về nhà định trốn tiếng ồn thì chỉ muốn đấm ngực mà hét lên khi thấy ông hàng xóm đang sửa cửa sắt, dùng máy hàn cắt xoèn xoẹt. Mà, ở cái thành phố này, không sửa nhà, làm nhà thì đào đường, thông cống, trồng cột điện...

Khi chạy ngoài phố, Y thường tự kỷ để như bịt kín hai lỗ tai rồi trôi đi. Nhưng đôi khi cái nắp bịt tưởng tượng như được ai đó nhấc ra, tức thì, cả muôn tràng âm thanh nã vào đầu như súng bắn. Y giật nảy người, loạng choạng tay lái, liền tấp vào lề. Cơ ngực trái

đau thắt.

Trong lúc tấp xe vào lề, Y sực nhớ là phải giao một gói rong biển cho cô em ở cơ quan cũ. Y đưa tay quệt mồ hôi trán, cố trấn tĩnh rồi tiếp tục chạy xe đi. Cái nắp bịt tai lại được nhấc tới, áp vào thật chặt. Phố phường chợt rơi vào trạng thái muted - tắt tiếng. Chỉ còn nghe tiếng trái tim Y đập thình thình.

Cô em cơ quan cũ, hiện giờ đã chuyển qua chỗ mới.

Trước đây, cả hai cùng làm ở phòng vật tư của một công ty là sân sau một đài truyền hình. Y là trưởng phòng còn cô em làm phó phòng, cùng ba nhân viên nữa. Cái phòng nhỏ bé, lúc nào cũng rộn ràng, vui vẻ. Nhưng về sau, đài truyền hình làm ăn bê bết, họ dọn dẹp bớt nhân sự, bứng dần các sân sau.

Y lên kế hoạch mở công ty riêng với một ông bạn, dự định sẽ đưa cả phòng vật tư về đó làm. Nhưng trong quá trình xin giấy phép, tìm kiếm mặt bằng thì ông bạn đột ngột ra đi sau cơn đột quỵ. Y cảm thấy rã rời, nhận ra sự phù du của kiếp người.

Cô em phó phòng, sau khi nghỉ, trôi qua vài công ty khác, hiện đang làm kế toán cho một hãng phim tư nhân, cũng là sân sau của một kênh truyền hình.

Gói rong biển tươi nửa ký lô nằm gọn trong cốp xe, khi lấy ra nóng hôi hổi. Tưởng chừng nó đã chín, có thể ăn

luôn được.

- Buôn bán tốt chứ anh Y? - cô em nhận hàng, đưa tiền và hỏi.

- Cũng kiếm tiền đi chợ thôi em.

Rồi cả hai cùng nhìn nhau cười. Nụ cười không thành tiếng nhưng hết cỡ. Kiểu cười như: “Thôi kệ, giàu thì đã giàu rồi, nghèo thì đã nghèo rồi. Cứ còn sống là còn vui. Mình thích thì mình làm thôi. Ta ơi!”.

- Bữa nào tụ tập mấy anh em phòng vật tư ăn uống gì đó cho vui, tụi nhỏ cứ nhắc hoài. À, cái thằng Bơ sau khi nghỉ nó về quê rồi nuôi vịt trời. Giờ nghe nói ngon lành. Anh Y có muốn bán vịt trời thì liên hệ với em nó nha - cô cười.

Y cũng cười. Ở tuổi này đã xa rồi những mơ mộng, cũng không còn rọi vào sự thành công của người khác để chạy theo. Bán vịt trời nghĩa là phải mở tiệm bán vịt nướng hay sao? Thôi, phiền lắm. Y chỉ thích bán nước mắm với mấy thứ quà quê linh tinh cho vui. Nhưng Y sẽ gọi điện để thăm hỏi thằng Bơ, hẹn dịp nào rảnh rỗi về quê nó, tuyển mấy con vịt trời, mần vài món, nhậu chơi. Nghĩ tới đó thấy vui vui.

Nhưng Y không nói gì thêm. Cô em cũng xin phép trở lên phòng làm việc. Gần cuối năm rồi, công ty phải quyết toán sổ sách, lại phải họp riêng với sếp để bàn chuyện lương, thưởng cho

nhân viên.

- Thôi, bữa nào gặp nha anh. Chúc anh buôn may bán đắt.

- Ừ, chào em. Bữa nào gặp.

Bữa nào là bữa nào?

Giữa trưa nắng ngập tràn, Y chạy xe về nhà.

*

* *

Nhà vắng lặng. Gió từ giếng trời cuộn xuống, tỏa hơi mát nhè nhẹ.

May mắn hôm nay hàng xóm không sửa chữa gì. Không có tiếng máy hàn sắt hay cắt đá, đục tường. Hay họ đang nghỉ trưa cũng không biết chừng. Y thay quần áo, chỉ mặc cái quần đùi, cắm bếp điện nấu nước luộc trứng. Buổi trưa, ở nhà một mình, Y thường chỉ ăn hai cái trứng luộc, rồi nằm lăn ra sàn, nghe nhạc êm dịu. Và ngủ.

Trong khi ngủ, Y vẫn để điện thoại chế độ chuông. Nếu khách hàng bất ngờ gọi tới, Y sẽ bật dậy, vui vẻ nghe, sẵn sàng lao ra khỏi nhà. Những khách hàng làm ở các công ty thường thích giao hàng vào buổi trưa. Mấy bà nội trợ thích giao hàng vào giữa buổi. Y không thích giao hàng vào ban đêm. Bởi, buổi chiều sau khi đón con về, Y phụ với vợ cơm nước rồi chỉ con học bài. Vợ chồng Y chỉ có một đứa con gái, năm nay học lớp tám, không có năng khiếu gì đặc biệt ngoài sở thích ăn món Nhật và ước mơ sau này lớn lên qua Nhật sinh sống.

Nếu như vợ chồng Y thích ăn cá biển dầm nước mắm gin thì con bé thích ăn cơm cuộn sushi chấm tương mù tạt. Đại loại là gu ẩm thực cứ tréo ngoe vậy.

Con bé học yếu các môn tự nhiên. Hay nói đúng hơn là không thích học. Chắc là giống gien của vợ. Vợ Y hiện phụ trách văn phòng cho một tạp chí văn hóa, hai tháng một kỳ, với những bài nghiên cứu chuyên sâu về bản sắc văn hóa dân tộc. Công việc nhàn hạ nhưng ngày phải tới cơ quan ngồi đủ tám tiếng. Vợ Y không thích buôn bán song giúp Y trong việc chuẩn bị hàng hóa rất chu đáo. Vợ hiền, sống đơn giản, trung thực. Y không đòi hỏi gì hơn.

Không thuộc mẫu người sâu sắc nhưng Y vẫn thường hay nghĩ về cuộc đời.

Sinh ra trong một gia đình nhà nghèo, ở một thị trấn thuộc vùng biển miền Trung. Nhà Y không làm nghề biển nhưng hay xuống biển tắm, mua cá về ăn hằng ngày. Mùa cá khẳm cá ngon thì mua về trữ làm nước mắm. Hồi nhỏ, Y thường phụ má bỏ cá vô mấy cái khạp, rắc muối hột lên từng lớp cá rồi chần rồi đậy cẩn thận. Chờ ngày lấy mắm. Cha Y là thợ mộc, thường đi làm xa, mấy anh chị thì lo việc đồng áng nên việc quanh quẩn trong nhà Y thường làm với má. Giờ đây, sau mấy chục năm xa quê, Y vẫn rất nhớ món cá chưng nồi cơm mùa nước lụt. Đó là những ngày mưa dầm dề, nước trắng đồng, nước ngập vô nhà tới lút đầu. Thường thì cả nhà phải di tản nhưng cũng phải cử ít nhất hai người ở lại giữ nhà. Y thường giành suất giữ nhà đó. Cái gác gỗ được trưng dụng làm chỗ nằm và bếp nấu. Bếp là một cái thau nhôm to, đổ tro vô, kê cái kiềng sắt. Khi nấu cơm thì lấy cá muối trong khạp ra bỏ vô cái tô chưng trong nồi. Cơm vừa chín tới thì cá cũng chín, tươm mỡ, bay mùi thơm phưng phức. Bưng tô mắm chưng ra, rắc chút tiêu, chút ớt bột. Chỉ ăn cơm trắng với cá chưng thôi mà ngon nhức nhối.

Những ngày mưa lụt lao đao ấy, đối với Y là những ngày nhớ đời. Trong giấc mơ, Y vẫn thường nghe tiếng củi lửa, tiếng cơm sôi tỏa cùng mùi cá chưng thơm lừng.

Khi lớn lên, Y không có ước vọng gì cao xa là làm một ông chủ nhỏ. Chủ một tiệm tạp hóa thì Y không thích mấy vì suốt ngày ru rú ở nhà, bán buôn trả giá bớt nhắt từng đồng. Chủ một trại tôm trại cá, Y hơi thích, nhưng thấy cực và hên xui may rủi quá. Chủ một lò mía đường, bánh kẹo cũng hay nhưng cần vốn lớn. Y thích là chủ một vựa nước mắm nho nhỏ, chuyên làm mắm từ những mẻ cá biển ngang quê nhà.

Nhưng đó chỉ là mộng mơ. Sau khi hết cấp ba, thi đại học, cả nhà mong Y vào trường kinh tế. Y thi vào và đậu ngay. Tốt nghiệp loại giỏi nhưng ra trường thì bôn ba. Chức vụ cao nhất chỉ là trưởng phòng. Y giỏi tính toán mà không lắt léo, mưu mẹo, cho nên sau khi rời khỏi chức trưởng phòng vật tư, Y thất nghiệp một thời gian dài rồi trở thành shipper (người giao hàng) lúc nào không biết.

Bây giờ ở quê Y vẫn chưa có ai làm vựa nước mắm để bán, nhiều người cũng bỏ thói quen tự muối cá biển lấy mắm ăn. Muốn ăn nước mắm cứ ra chợ mà mua. Những người trẻ còn chê nước mắm truyền thống có mùi hôi, không thơm như nước mắm công nghiệp. Chỉ có Y là vẫn thích dùng nước mắm má làm. Lâu lâu, từ quê nhà, má lại gửi vô vài chục lít, Y chiết ra những cái chai thủy tinh để phơi nắng cho dậy màu rồi cất dùng dần.

Còn bây giờ thì Y lấy nước mắm đó đi bán.

Ở Sài Gòn, Y đi bán nước mắm. Ở quê nhà, người mẹ chộn rộn niềm vui. Bà rất thích làm mắm nhưng lâu nay chỉ là làm ăn chơi, mỗi năm vài ba khạp, không đã chút nào. Giờ thằng con đi bán nước mắm, bà phải làm cả mấy chục khạp. Tuổi già, lưng còng nhưng không sao hết, làm nước mắm mang lại cho bà niềm vui. Mỗi ngày ra sau vườn nhìn mấy chục cái khạp đất thấy ngày xưa như trở về. Xúc động trào nước mắt.

Con cá làm nên con mắm

Vợ chồng già thương lắm mình ơi.

*

* *

Một buổi trưa, khi Y đang nằm lim dim nghe nhạc thì điện thoại đổ chuông. Màn hình hiển thị K.H Girl. Cô này mới mua nước mắm mà, chẳng lẽ ăn nhanh dữ vậy? Hay cô ta muốn mua món gì khác? Măng khô đã hết, chỉ còn ruốc, dầu phộng và tỏi Lý Sơn. Gần tới Tết rồi, Y định bán thêm lạp xưởng, hạt điều mà vẫn chưa tìm được nguồn hàng tốt. Y vừa nghĩ vừa bấm nút nghe.

- Chào anh, anh tới quán Xanh hôm trước được không? Nếu được, anh tới ngay bây giờ nha, vì chiều nay em rời khỏi Sài Gòn rồi.

Cô nói, giọng tình cảm. Y hơi ngập ngừng, thì cô tiếp:

- À, quên, anh mang cho em

một lít nước mắm nha. Ngay bây giờ, được không?

- Được, cô đợi chút, tui tới liền.

Y trả lời, rồi đi ra sau bếp lấy chai nước mắm bỏ vô chiếc túi.

Cô ngồi đúng chiếc bàn bữa trước. Hôm nay cô bận quần jeans xám với áo sơ-mi trắng nhẹ nhàng.

Y đặt túi nước mắm xuống bàn, đợi cô đưa tiền. Nhưng cô khẽ mỉm cười, lịch sự.

- Anh ngồi xuống một chút đi!

Y hơi ngần ngừ nhưng rồi cũng ngồi xuống. Hình như có chuyện gì đó. Hình như mục đích chính của cuộc gặp này không phải là mua nước mắm?

- Có chuyện gì không cô?

- Anh uống cà phê nha, em mời -

cô nói, cử điệu hơi bối rối.

Y gật đầu.

Trong khi Y uống cà phê thì cô kể. Chuyện hơi dông dài. Nhưng tóm lược những ý chính là như vầy. Vợ chồng cô có đứa con trai hiện đang học lớp chín. Cách đây hai năm, họ chia tay. Cô muốn giành quyền nuôi con nhưng thân thế và chứng minh thu nhập của chồng tốt hơn nên anh ta đã thắng. Thật ra, anh chồng chẳng muốn nuôi con, cũng chẳng có thời gian để chăm con nhưng bà mẹ chồng thì muốn bắt cháu nội, trừng phạt nàng dâu. Cuộc chia lìa tình mẫu tử này cay đắng và buồn bã lắm. Kể tới đâu nước mắt cô rớt tới đó.

Y ngồi im, lắng nghe, trong lòng thắc mắc không biết cô kể chuyện này cho mình nghe để làm gì.

- Chắc là anh đang tự hỏi em kể cho anh chuyện này để làm gì?

Y gật đầu.

- Thật ra là có lý do. Hôm đó em

lang thang trên Facebook thì tình cờ đọc được thông tin rao bán nước mắm của anh. Theo lời anh kể thì hồi nhỏ anh từng phụ mẹ muối mắm, rồi từ đó tới giờ cứ ăn nước mắm mẹ anh làm. Sau mấy chục năm sống xa quê anh vẫn ăn nước mắm của mẹ; và cứ mỗi lần rót chén nước mắm ra hay nêm nước mắm vào món ăn, anh lại thấy nhớ mẹ, thấy như đang ngồi ăn cơm với mẹ ở nơi chái hè.

Nàng nói, vai lại run lên vì xúc động. Anh cũng bị lây cơn cảm xúc.

- Đúng vậy cô à! Tiếc là tui không phải nhà văn nên viết không hay.

- Em không cần hay, em chỉ cần thật. Anh biết không, ngày trước em cũng hay nấu ăn cho con bằng nước mắm Phú Quốc. Con em thích ăn món em nấu lắm. Nhưng từ khi về bên nội, nó toàn ăn fast food, giờ đã phát bệnh béo phì.

Ngừng lại giây lát, cô nói tiếp:

- Bữa trước em mua nước mắm là để mang qua tặng cho bà nội thằng cu, xin bà hãy nấu ăn cho cháu, nhưng bà đã thẳng thừng vứt chai nước mắm vào thùng rác rồi đuổi em về. Em buồn quá mà không biết phải làm sao.

Y vẫn chưa biết cô muốn gì ở mình. Còn cô thì nhìn anh như định vị lại lần cuối.

- Giờ em muốn nhờ anh một việc, em biết là rất khó nhưng lúc này chỉ có anh giúp được em thôi.

- Cô muốn tui phải làm gì?

- Em muốn nhờ anh mang chai nước mắm này đến nhà bà cháu. Anh đừng nói là em nhờ anh làm chuyện này. Hay là anh cứ nói. Anh làm sao cũng được, miễn là thuyết phục để bà nhận nước mắm rồi nấu ăn cho cháu. Nếu anh làm được điều đó, em sẽ biết ơn anh suốt đời.

Y hơi sững người. Đây có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất kể từ ngày Y làm shipper. Cô nàng này có lẽ đã bí lắm rồi. Làm sao một shipper tầm thường, một kẻ xa lạ như anh lại có thể thuyết phục bà già khó tính ấy được? Đây quả là nhiệm vụ bất khả thi.

- Chiều nay em bay đi Nhật rồi.

Em sang đó công tác ba năm, thỉnh thoảng em lại về, riêng Tết này thì chưa về được. Chuyện này là rất khó, hy vọng với kinh nghiệm bán hàng cùng với câu chuyện nước mắm rất thật của anh sẽ thuyết phục được bà nội cháu. À, xin lỗi, em quên chưa giới thiệu cho anh biết, em tên là Đông, làm nghề luật sư”.

- Chuyện của cô nghe buồn quá. Tui không biết mình làm được chuyện này không, thôi cứ thử coi sao.

Cô nghe vậy thì thở nhẹ ra, xong rút cái bì thư đặt trên bàn, đẩy về phía Y.

- Trong đây có ít tiền và địa chỉ nhà bà cháu, ba cháu cũng ở đây. Mong anh giúp em.

Y nhìn cái phong bì rồi phẩy tay nói:

- Tui không lấy tiền lít nước mắm này đâu. Đây coi như là món quà tui tặng thằng nhỏ. Nhưng trước khi tới nhà gặp người bà, tui muốn được gặp ba cháu. Cô cho tui xin số điện thoại của anh ấy đi”.

Y nói dứt khoát và cảm thấy mình mạnh mẽ, tự tin hơn bao giờ hết.

Khi chạy xe ra ngoài đường, Y thấy không còn sợ tiếng ồn. Bao thanh âm của cuộc sống như một chiếc loa thùng khổng lồ nảy giựt dễ thương.

Y lại nghe mùi nước mắm bay thoang thoảng trong không gian. Mùi nước mắm ngon dằm con cá nướng. Mùi thơm của món thịt heo ngâm nước mắm mà bà má vẫn hay làm để ăn mấy bữa Tết. Đúng rồi, với một thằng bé mê fast food, trước tiên mình sẽ làm món này để dụ nó. Mình cũng sẽ làm món này cho con bé nhà mình.

Với mộng ước làm ông chủ vựa nước mắm, Y có thể đã thất bại.

Nhưng với nhiệm vụ kỳ lạ và khó khăn này, Y có thể trở thành một shipper vĩ đại.

“Chứ chẳng lẽ cứ mãi làm một shipper tầm thường”.

Y nói một mình rồi bật cười giữa phố. Nhiều người ngoái nhìn, không hiểu chuyện gì nhưng cũng cười theo. Nắng Xuân tràn ngập mọi cung đường.

Tháng 12-2016

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo