1. “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex): “Nuôi khỉ dòm nhà” như “Nuôi ong tay áo: ví việc nuôi dưỡng kẻ xấu, rắp tâm phản lại, làm hại mình mà không biết”.
2. “Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn chuyên từ điển New Era): "Nuôi khỉ giữ nhà, như Nuôi ong tay áo: Che chở, nuôi dưỡng kẻ xấu, phản chủ, rắp tâm hại mình mà không biết”.
3. “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào): “Nuôi khỉ dòm nhà (khỉ hay bắt chước, gây hại cho chủ). Xem: Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà [Dưỡng hổ di họa; Nuôi cò cò mổ mắt, nuôi cắt, cắt đánh đầu; Nuôi hùm để họa; Nuôi khỉ giữ nhà]. Nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu, phản chủ, rắp tâm hại mình mà không biết”.
4 - Riêng “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân giải thích: Nuôi khỉ giữ nhà Tức là làm một việc trái khoáy (Vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi).
Xin bắt đầu từ cách giải thích của cố GS Nguyễn Lân. Quả “Nuôi khỉ giữ nhà” là việc làm rất trái khoáy nhưng ông giải thích: “vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi” thì thà rằng không giải thích. Bởi nếu sửa thành “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cách lý giải về sự “trái khoáy” của GS Nguyễn Lân vẫn là “vì người ta chỉ nuôi chó giữ nhà thôi” sao?
Vậy tại sao dân gian lại chọn con khỉ?
Khỉ là con vật láu lỉnh, tinh nghịch, có thói hay bắt chước rất tai hại, biết cầm nắm, sử dụng công cụ, thực hiện một số động tác như người. Rất khó quản lý hoặc răn dạy khỉ nên kể cả nuôi trong nhà, người ta vẫn thường phải nhốt hoặc xích nó lại. Nếu được thả tự do, không có người giám sát (ví như giao việc trông coi nhà cửa cho nó), khỉ sẽ bắt chước người làm một số việc rất nguy hiểm. Ví như thường ngày khỉ thấy người nhóm lửa nấu nướng, nó cũng lén cầm mồi lửa “châm thử” vào mái tranh, mái kè... [thế nên tục ngữ Mường có câu: “Nuôi khỉ khỉ đốt nhà” (Ruôi khỉ, khỉ đột nhá)]. Thậm chí, dân gian còn lưu truyền câu chuyện thương tâm: Nhà kia nuôi con khỉ, thường ngày nó thấy chủ cắt tiết làm thịt gà. Khi chủ đi vắng, nó lẻn ngay vào buồng, bắt chước trói đứa trẻ đem ra cắt tiết... Rồi chuyện khỉ sổng chuồng lấy quần áo của người để mặc, kê đít ngồi hay ra vườn phá phách hoa quả, ăn một phá mười. Khỉ phá hại là vậy nhưng nếu có kẻ trộm đột nhập thì nó lại hoàn toàn không có ý thức hay bản năng giữ nhà. Thế nên, nếu nói “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cái hại có chăng chỉ là chúng không xua đuổi kẻ trộm được như chó chứ không phá phách, làm hỏng việc tai hại như khỉ.
Trở lại với cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển [xem lại các mục (1), (2), (3) ở đầu bài viết]. Theo chúng tôi, “Nuôi khỉ trông (dòm) nhà” không đồng nghĩa với “Nuôi ong tay áo”. Sự khác biệt nằm ở chữ “trông” (dòm). Tức không đơn thuần là “nuôi” (cưu mang) mà là nuôi để sử dụng vào mục đích cụ thể nào đó. Vì thế, trong khi câu “Nuôi ong tay áo...” nói việc mất cảnh giác, nuôi dưỡng, chứa chấp, cưu mang kẻ xấu rắp tâm làm hại mình mà không hề biết thì câu “Nuôi khỉ giữ nhà” lại ví việc nhờ cậy không đúng đối tượng, giao trọng trách cho kẻ hoàn toàn không có khả năng thực hiện, ngược lại phá hỏng việc lớn.
Để hiểu rõ hơn, xin dẫn một số thành ngữ Hán đồng nghĩa với “Nuôi khỉ giữ (dòm) nhà” như: “狐狸看鷄 - Hồ ly khán kê: Giao việc trông coi gà cho chồn cáo”; “以狼牧羊 - Dĩ lang mục dương: Dùng sói để chăn dê”; “老鼠看倉 - Lão thử khán thương: Nhờ chuột coi kho”. Cáo, sói, chuột xuất hiện trong ba thành ngữ này vì: cáo chuyên bắt gà; sói thích thịt dê; chuột ưa đục khoét kho lẫm, vậy mà lại nhờ chúng trông coi chính những thứ ấy! Đó là điển hình cho sự sai lầm khi nhờ cậy không đúng đối tượng.
Như vậy, nghĩa bóng thành ngữ “Nuôi khỉ giữ nhà” là: Trông chờ, nhờ cậy không đúng đối tượng; sai lầm trong dùng người, kết quả chỉ có hại.
Bình luận (0)