Nghệ sĩ hài Tùng Lâm một thời ngang dọc trên sân khấu và màn ảnh với biệt danh “quái kiệt”, ông “rớ” vào lãnh vực nào cũng đều thắng đậm, đến nổi NSND Kim Cương nói rằng: “Thời đến cản hỗng kịp. Ở đâu có Tùng Lâm, ở đó có đông khán giả”. Năm nay, nghệ sĩ Tùng Lâm đã gần 80 tuổi. Ông nhìn cuộc sống lặng lẽ trôi qua trong nỗi nhớ xót xa ánh đèn sân khấu.
Quái kiệt về vườn
Ngôi nhà ông đang ở nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo mà mỗi khi đi ra khỏi nhà, ông phải đếm từng bước chân để nhớ những chỗ cua quẹo vì đôi mắt đã mờ.
Sau ba lần bị tai biến ngay trên đường lưu diễn, sức khỏe của ông tụt dốc. “Đi đứng bây giờ khó khăn lắm. Cứ phải chầm chậm mà bước. Lần đó, đang diễn ở Quảng Trị, nếu không có người trong đoàn đưa đi bệnh viện chắc đã ra đi rồi… Giờ thì chỉ đếm từng ngày trôi qua trong nỗi nhớ sàn diễn, nhớ khán giả. Bây giờ, tôi đau ốm liên miên nên chuyện quay lại với sân khấu rất khó” - nghệ sĩ Tùng Lâm nói rồi bật khóc. Mỗi lần gặp đồng nghiệp, điều đầu tiên ông quan tâm là bao giờ đến ngày cúng Tổ. Bởi ngày truyền thống sân khấu hằng năm là ngày ông được gặp các đồng nghiệp như chính họ cùng với ông đang trở về nhà.
“Đó là số phận”
Một người bạn diễn thân thiết cùng thời với quái kiệt Tùng Lâm là nghệ sĩ Thanh Hoài - một nghệ sĩ có chất giọng nhừa nhựa, chuyên đóng những vai tán tỉnh các cô gái bằng nụ cười rất đặc trưng. Nếu quái kiệt Tùng Lâm có phong cách diễn xuất “tấn công ào ạt” thì danh hài Thanh Hoài “từ từ cháo cũng sẽ nhừ”… Ông nói với vẻ tâm đắc: “Nhờ Tổ nghiệp thương nên tôi mới có duyên với cái giọng nhừa nhựa này để nuôi sống bản thân và gia đình”.
Nghệ sĩ Tùng Lâm đã từng mở nhiều quán ăn có hát với nhau. Sau khi hùn hạp mở quán với nghệ sĩ Thanh Hoài, ông giải nghệ làm chủ quán. Ngẫm lại, hai ông đều cho rằng đó là số phận của đời nghệ sĩ, “có lúc lên ngôi thì có lúc phải tụt xuống chứ hỏng lẽ ngồi hoài trên đó” - quái kiệt Tùng Lâm ví von. “Có điều, mỗi chặng đường vinh quang đi qua đã cho tôi hiểu hơn về những giá trị mình có được. Nghiệp diễn viên sống nhờ vào đồng tiền mua vé của công chúng. Mỗi đồng tiền kiếm được đó, nghệ sĩ cũng vất vả chứ có đơn giản đâu. Nhưng rồi danh vọng, nhà lầu, xe hơi cũng rũ áo ra đi. Chẳng ai khẳng định làm nghệ sĩ nuôi sống được ba đời” - quái kiệt Tùng Lâm tâm sự.
Danh hài Thanh Hoài may mắn hơn khi về chiều, ông được sống an nhàn bên con cháu dù bệnh tật chẳng tha. “Nhìn lại quãng đời làm nghệ thuật của mình, tôi không hối tiếc điều gì. Ai hỏi tôi có hối hận không khi theo nghiệp nghệ sĩ, tôi khẳng định nếu có kiếp sau vẫn xin Tổ thương cho tôi làm một Thanh Hoài để được nghe khán giả cười, để cho đời thêm trẻ. Nhưng nếu có làm nghệ sĩ thì xin chừa rượu, bia, thuốc lá. Có hại cho sức khỏe lắm”.
Luôn nhớ sân khấu Nghệ sĩ Thanh Hoài cho biết: “Mỗi khi xem truyền hình thấy một vài diễn viên trẻ diễn cẩu thả là tôi muốn đập bể cái tivi cho rồi. Không hiểu sao diễn hài dung tục như thế mà các đài truyền hình phát sóng tràn lan, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ nhỏ”. Và ông lại mơ ước: “Phải chi con người thắng được bệnh tật để tôi còn được diễn 5 năm nữa, lúc đó sẽ làm được nhiều việc cho sân khấu”. Ông cười lạc quan và chỉ vào cánh tay bị gãy cách đây không lâu khiến cho hai cánh tay bên ngắn, bên dài rồi ông khẽ khàng nói bằng chất giọng nhừa nhựa: “Đến khi bị tật thì Tổ cũng thương nên cho cánh tay nhìn rất hài. Vậy mà phải rời xa sân khấu. Nếu còn được diễn, tôi có thể khai thác tối đa cánh tay bị tật này để mua vui cho khán giả, giống như cô Bảy cán vá của nghệ sĩ Ngọc Giàu chứ không thua”. |
Kỳ tới: Chỉ còn trong ký ức
Bình luận (0)