Trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 12-8, ban tổ chức chương trình live show Khánh Ly cho rằng mức giá tác quyền 7,5 triệu đồng cho một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà VCPMC đưa ra là điều “không tưởng”.
Cũng phi lý thật khi một đêm diễn mà đơn vị tổ chức phải trả tiền tác quyền riêng những ca khúc của Trịnh Công Sơn là 173 triệu đồng. Nhưng “giá này còn thấp so với mức giá 11,9 triệu đồng cho một ca khúc Trịnh Công Sơn ở chương trình live show Khánh Ly diễn ra trước đó vào ngày 9-5 tại Hà Nội. Lúc đó, chúng tôi phải buộc đóng tổng cộng hơn 262 triệu đồng tiền tác quyền cho chương trình này.
Nghĩ rằng VCPMC là một cơ quan nhà nước và mức tiền tác quyền đưa ra là hợp lý nên chúng tôi đóng như một cách chấp hành pháp luật. Nhưng sau đó, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng yêu cầu của VCPMC là quá phi lý nên đêm diễn thứ hai tại Đà Nẵng, chúng tôi cần đàm phán để có mức giá phù hợp hơn” - ông Nguyễn Ngọc Sơn (Giám đốc Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao, đơn vị sản xuất chương trình live show Khánh Ly) cho biết.
Và mức giá tác quyền mà phía Đồng Dao cho rằng hợp lý nhất là 2 triệu đồng/ca khúc bởi theo ông Sơn: “Số tiền đó đã gấp đôi mức tác quyền mà chúng tôi phải đóng cho những tác giả khác. Đó là chưa kể, theo tìm hiểu của chúng tôi, những chương trình biểu diễn trước đó không lâu, tiền tác quyền cho một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dao động từ 500.000-700.000 đồng, cao nhất là 1 triệu đồng mà thôi”.
Đỉnh điểm bức xúc mà đơn vị tổ chức chương trình nêu ra đối với VCPMC là “ở chương trình đầu tiên, chúng tôi chỉ đóng 1/2 số tiền tác quyền (hơn 262 triệu đồng) VCPMC đưa ra ban đầu. Nếu lần đó không chịu áp lực phải đóng cho xong để còn biểu diễn thì chắc chắn, chúng tôi sẽ không chịu mức giá đó. Khi đã phát hiện những bất hợp lý, chúng tôi không thể nào phải chịu o ép như thế một lần nữa” - ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.
VCPMC cũng có lý của mình khi đưa ra mức giá tác quyền 173 triệu đồng theo cách tính của họ (5% tiền tác quyền x 75% số ghế x giá vé bán). Với giá vé cao như live show Khánh Ly thì cách tính của VCPMC theo công thức trên là hợp lý. Điều không hợp lý ở đây là giá vé cao không phải vì ca khúc của Trịnh Công Sơn được sử dụng mà vì ca sĩ trình diễn là Khánh Ly. Giá trị của đêm diễn được làm nên bởi Khánh Ly và nhà tổ chức đã bỏ ra số tiền rất lớn đầu tư cho cái tên Khánh Ly để họ có được những đêm diễn này. Giá trị này không được VCPMC xem xét khi đưa ra mức tác quyền. Ngay nhà tổ chức chương trình cũng phân tích rõ ràng chính yếu tố ca sĩ làm tăng giá vé để thuyết phục bên thu tiền tác quyền.
Thay vì giải quyết tranh chấp bằng luật dân sự, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, phải đích thân ra tận sân khấu nhà hát ngay trước đêm diễn để đòi tiền tác quyền. Với tư cách là tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, VCPMC có thể giải quyết bằng luật nếu có xảy ra sai phạm nhưng chẳng hiểu sao VCPMC không làm?
Chương trình biểu diễn tiếp theo của ca sĩ Khánh Ly tại Bình Dương vào tháng 10, ban tổ chức cho biết đã dừng lại bởi họ quá mệt mỏi vì phải tranh chấp tiền tác quyền. Điều này cho thấy các bên đã không hài hòa được giữa lợi ích của tác giả và người sử dụng tác phẩm cũng như không bảo đảm được quyền hưởng thụ nghệ thuật của công chúng đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Bình luận (0)