Cuối cùng, cái tên Leonardo DiCaprio (Leo) cũng đã được gọi tên trên sân khấu trao giải Oscar lần thứ 88 diễn ra vào hôm qua, 29-2 (giờ Việt Nam) tại Nhà hát Dolby (Hollywood, Los Angeles - Mỹ). Có lẽ đây là thời khắc không thể phai nhòa trong cuộc đời Leo. Đồng nghiệp đứng cả lên vỗ tay, hò reo phấn khích khi Leo bước lên sân khấu nhận giải. Điều đó cho thấy cảm xúc của mọi người vỡ òa như thể sự mong mỏi, chờ đợi điều cần đến phải đến này của nhân vật chính (Leo) lẫn đồng nghiệp, những người yêu mến Leo có từ lâu lắm rồi.
Không còn là “ngôi sao thất bại ở Oscar”
Hạnh phúc của sự chờ đợi hoàn toàn đúng với trường hợp của Leo tại giải thưởng Oscar danh giá. Đây là lần đề cử thứ 6 của Leo tại giải Oscar kể từ năm 1994 với đề cử ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim “What’s eating gilbert grape”. Từ lâu, Leo đã được công chúng điện ảnh khắp thế giới thừa nhận là một siêu sao hàng đầu ở Hollywood.
Với giới chuyên môn, Leo là cái tên bán vé, bảo đảm doanh thu và một diễn viên tận tâm với nghề. Những đề cử anh có được từ nhiều giải thưởng và đỉnh cao là Oscar đã chứng minh điều đó. Nhưng, Leo chưa một lần chạm tay vào tượng vàng Oscar. Đến mức câu chuyện về Leo “vô duyên” với tượng vàng Oscar danh giá trở thành “huyền thoại”, hàng loạt “chế tác” hài hước được “trưng bày” trên các diễn đàn điện ảnh mỗi khi mùa Oscar rục rịch chuẩn bị. Bản thân Leo cũng “nổi điên” với “vận rủi” của mình đến mức tuyên bố “nghỉ chơi” với giải Oscar.
Leonardo DiCaprio hạnh phúc khi lần đầu đoạt Oscar
Cho đến mùa Oscar lần thứ 88 này, Leo nhận đề cử lần thứ 6 với vai diễn Hugh Glass trong bộ phim “The Revenant”. Bộ phim kể về giai thoại người đàn ông bị gấu tấn công - Hugh Glass (Leo thủ vai). Đây là câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ trước, phổ thơ và còn được dựng thành phim “Man in the Wilderness” (1971).
Vào năm 2001, bản trường ca của Hugh Glass một lần nữa được chuyển thể kịch bản với dự kiến ban đầu dành cho đạo diễn Park Chan Wook. Sau hơn một thập niên bị bỏ xó, kịch bản này mới đến tay đạo diễn Alejandro González Iñárritu. Leonardo DiCaprio đã nhận được vô số lời tán dương không chỉ bởi khả năng hóa thân vào nhân vật mà còn vì kỹ năng sinh tồn đáng kinh ngạc của anh trong “The Revenant”. Chính Leonardo DiCaprio cũng thừa nhận vai diễn của anh trong “The Revenant” là vai diễn khó nhất anh từng đảm nhận, phải chiến đấu với gấu thật, ăn gan sống, nằm trong đống xác chết động vật... “Tôi chưa bao giờ ăn thịt sống nhưng đạo diễn Alejandro đã yêu cầu tôi làm thế để vào vai một cách chân thật và tôi đã làm” - anh kể.
Ngay từ khi bắt đầu mùa đề cử và xác định những ứng viên sáng giá của giải Oscar lần thứ 88, Leo đã có nhiều lợi thế. Danh hiệu Nam diễn viên xuất sắc nhất tại các giải thưởng tiền Oscar như Quả cầu vàng 2016, BAFTA... mà Leo giành được trở thành “liều thuốc trấn an” để Leo tự tin xuất hiện tại Nhà hát Dolby năm nay.
Không bõ công chờ đợi, Leo đã vẻ vang mang tượng vàng Oscar về nhà, chia tay biệt danh “ngôi sao thất bại ở Oscar” đeo đuổi anh bấy lâu nay. Vượt qua những ngôi sao đẳng cấp như Bryan Cranston (phim “Trumbo”), Matt Damon (“The Martian”), Michael Fassbender (“Steve Jobs”), Eddie Redmayne (“The Danish Girl”), Leo đã tỏa sáng tại Oscar 88.
Quyền uy của Oscar
Nắm giữ đến 12 đề cử và bộ phim “The Revenant” cũng lần lượt mang về các giải thưởng quan trọng như Quay phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (dành cho đạo diễn lừng danh Alejandro González Iñárritu), Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (dành cho Leo) nhưng giải thưởng cao nhất Phim hay nhất lại không thuộc về “The Revenant”. Đánh bại các đối thủ mạnh là “The Revenant”, “Carol”, “Room” hay “Mad Max: fury road”,… bộ phim “Spotlight” (Tiêu điểm) được tôn vinh với giải thưởng Phim hay nhất.
Bộ phim cũng chiến thắng ở hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất. Trước đó, giải thưởng thường niên của Hiệp hội Phê bình phim Mỹ (NSFC) lần thứ 50 (diễn ra vào ngày 3-1) cũng từng vinh danh bộ phim này với giải thưởng Phim hay nhất năm 2015.
Đạo diễn Tom McCarthy đã kể lại cho công chúng nghe câu chuyện có thật về loạt phóng sự điều tra của các nhà báo làm việc tại tòa soạn Boston Globe bằng ngôn ngữ điện ảnh. Loạt phóng sự về các linh mục phạm tội ấu dâm hơn 80 bé trai tại nhà thờ công giáo ở Boston (Mỹ) từng được vinh danh với giải thưởng Pulitzer vào năm 2003. Giới phê bình đánh giá bộ phim “Spotlight” là câu chuyện gai góc, khắc họa chân dung người làm báo một cách chân thật.
Thành công của phim chính là sự tương tác đạt đến đỉnh cao giữa các diễn viên trong phim (diễn viên kỳ cựu Michael Keaton, Mark Ruffalo, Rachel McAdams, John Slattery và Brian d’Arcy Jame). Dĩ nhiên, bộ phim không thiếu yếu tố nhân văn và chính điều đó giúp phim ghi đậm dấu ấn trong lòng giới chuyên môn.
Công chúng gần như tuyệt đối tin “The Revenant” chiến thắng tại giải Oscar lần này. Nhưng, sự thật là “The Revenant” lại thất bại trước “Spotlight”. Điều này càng khiến cho nhận định “Oscar luôn ẩn chứa những bất ngờ” thêm mạnh mẽ. Dù vậy, thực tế, chiến thắng của “Spotlight” hoàn toàn thuyết phục khi vận dụng nguyên tắc “show, don’t tell” (hãy chỉ ra chứ đừng nói gì cả) của báo chí một cách thuần thục như nhận định của tờ Hollywood Reporter.
“Spotlight” không hấp dẫn bằng những pha rượt đuổi ngoạn mục hay đấu trí căng thẳng như nhiều bộ phim cùng đề tài: “Zodiac”, “All The President’s Men” nhưng nó ám ảnh người xem bởi sự đối lập giữa bối cảnh với tội ác dữ dội được bao che bằng những kẻ quyền lực. Sự phẫn nộ, đau xót của các phóng viên, sự cay đắng, ê chề của nạn nhân cùng thái độ thách thức, vô cảm của những kẻ chuyên quyền được mô tả cặn kẽ nhưng tinh tế khiến cho “Spotlight” trở thành tác phẩm nghệ thuật khó cưỡng. Đó là một tác phẩm toàn diện về cả mặt nội dung lẫn kỹ thuật của điện ảnh Hollywood trong năm 2015, như nhận định của báo chí phương Tây.
Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ luôn tỉnh táo để bỏ qua những ảnh hưởng của đám đông, về hiệu ứng phòng vé để chọn ra một tác phẩm xuất sắc không thể bàn cãi về chuyên môn. Chính điều đó làm nên uy quyền của Oscar trong thế giới điện ảnh.
Những giải thưởng khác của Oscar 88
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Brie Larson (vai diễn trong phim “Room”).
Đạo diễn xuất sắc nhất: Alejandro González Iñárritu (phim “The Revenant”).
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Mark Rylance (vai diễn trong phim “Bridge of Spies”).
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Alicia Vikander (vai diễn trong phim “The Danish Girl”).
Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất: “Son of Saul” của đạo diễn Hungary László Nemes.
Ca khúc trong phim xuất sắc nhất: “Writing’s on the Wall” (của Sam Smith và Jimmy Napes).
Kịch bản xuất sắc nhất: “Spotlight” (dành cho Tom McCarthy, Josh Singer).
Quay phim xuất sắc nhất: Emmanuel Lubezki (phim “The Revenant”).
Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: “The Big Short” (dành cho Adam McKay, Charles Randolph).
Phim tài liệu xuất sắc nhất: “Amy”.
Phim hoạt hình xuất sắc nhất: “Inside Out”.
Lễ trao giải Oscar luôn thú vị
Không thể phủ nhận Leo chính là chất xúc tác làm tăng thêm độ nóng cho giải Oscar năm nay. Dù kết quả của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ đưa ra giống với dự đoán của công chúng những ngày trước đó ở 2 hạng mục: Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (dành cho Leonardo DiCaprio trong phim “The Revenant”) và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (dành cho Brie Larson trong phim “Room”) nhưng rõ ràng khoảnh khắc xướng tên 2 người chiến thắng tại lễ trao giải Oscar lần này đã khiến cho không khí tại Nhà hát Dolby vỡ òa niềm vui sướng của mọi người. Có đến 99% người dự đoán cơ hội chiến thắng thuộc về Leo nhưng vẫn lo sợ 1% xui xẻo còn lại sẽ bám vào Leo.
Lễ trao giải Oscar 88 tưởng chừng rất nhàm chán vì thiếu vắng những tiết mục giải trí nhưng như nhận định của báo chí phương Tây: “Oscar 88 ghi dấu ấn quyền lực của mình bằng một kịch bản thú vị”. Ngay trước khi diễn ra lễ trao giải, một làn sóng kêu gọi tẩy chay Oscar khi danh sách đề cử thiếu vắng những diễn viên da màu. “Oscar trắng” trở thành từ khóa gây chú ý. Thế nhưng trong lễ trao giải, danh hài Chris Rock đã mở đầu lễ trao giải rằng: “Diễn viên da màu không có cơ hội tham gia điện ảnh. Có vẻ như việc ngôi sao da màu Tracy Morgan không phải là diễn viên duy nhất bị “lừa” khi anh bị mất cắp vai diễn vào tay Eddie Redmayne trong phim “The Danish Girl”. Còn có Whoopi Goldberg với vai diễn của Jennifer Lawrence trong phim “Joy”, Leslie Jones trong phim “The Revenant”, Chris Rock là tôi với vai diễn của Matt trong phim “The Martian”… Khán phòng của Dolby đầy ắp tiếng cười mà không cần một tiểu phẩm hài nào. Oscar đang chứng minh họ không làm sai. Đề cử được đưa ra dựa vào chất lượng phim mà thôi.
Bình luận (0)