Dịch thơ có khả thi hay không?
Dịch thơ có thể chuyển tải hết cái hay, cái đẹp của nguyên tác hay không? Thi nhân và dịch giả có thể xem là đồng tác giả hay không? Dẫu không mới song đây là một trong những vấn đề được các dịch giả mổ xẻ nhiều nhất.
Nhà thơ Hoàng Hưng tâm sự rằng mình không phải là dịch giả chuyên nghiệp mà dịch thơ chỉ đơn giản vì mình là nhà thơ và muốn học tập thi pháp của các nền thơ ca trên thế giới như Pháp, Mỹ. Từ mong muốn phục vụ mình đến mong muốn phục vụ những người cũng có niềm đam mê như mình mà ông có in thơ dịch. Nhà thơ cũng thú nhận rằng không ít lần dịch giả Trần Thiện Đạo thẳng thắn chê mình cũng như các dịch giả khác ở Việt Nam là thường dịch thơ rất lung tung. “Tôi tự nhận mình là dốt” - nhà thơ Hoàng Hưng nói nhưng thật sự không thể làm gì hơn được, có nhiều khi đọc thơ nước ngoài cảm được cái hay của họ đấy nhưng không biết cách chuyển ngữ thế nào cho đúng, cho hay. Khó hơn nữa là dịch thơ hiện đại và đương đại vì mình không được sống trong không gian ấy, hoàn cảnh ấy nên càng khó để hiểu được tâm tư tình cảm của tác giả. Hoàng Hưng cho rằng nếu không là nhà thơ thì không thể dịch thơ được và việc dịch thơ nếu yêu cầu phải chuyển tải hết ý và nghĩa thì đó là điều không thể.
“Tôi biết có những nhà thơ Pháp làm thơ rất hay chơi chữ, họ chia từ thành những đơn vị nhỏ hơn cả âm tiết và điều đó là bất khả thi khi chuyển sang một ngôn ngữ khác” - Nguyễn Đình Thành, dịch giả trẻ, cho biết.
Rất nhiều người có cùng quan điểm này, đa số đều cho việc dịch thơ là điều không khả thi. Tiến sĩ Ngô Tự Lập thì cho rằng trong việc chuyển ngữ thơ không thể nào đạt được yêu cầu “tín, đạt, nhã” như bình thường được vì thơ có những đặc thù riêng không giống những môn nghệ thuật khác, vì thế, có những nhà thơ chỉ vĩ đại ở một ngôn ngữ. Chẳng hạn, ông không tin có một bản dịch Kiều nào có thể khiến các bạn đọc thế giới xuýt xoa, vì ngay ở Trung Quốc, người ta vẫn không hiểu tại sao người Việt Nam lại ca ngợi tác phẩm này đến thế. Dịch giả Trần Thiện Đạo cũng cho rằng riêng với Truyện Kiều của Việt Nam thì việc dịch hay đúng là bất khả thi. Theo ông, bản dịch Kiều ra tiếng Anh được coi là thành công nhất của Nguyễn Khắc Viện mà người Pháp, Mỹ đọc xong lắc đầu cũng là điều dễ hiểu. Tương tự, bản dịch Nhật ký trong tù và Thơ Hồ Xuân Hương cũng không gây hứng thú gì cho độc giả thế giới.
Cũng chính vì sự bất khả thi trong việc dịch thơ mà nảy sinh nhiều vấn đề, chẳng hạn nên dịch đúng nguyên bản (mà không hay) hoặc chỉ giữ lại ý chính của tác giả rồi người dịch sáng tạo thêm miễn là tác phẩm đó đi vào lòng độc giả. Trong thực tế, nhiều bản dịch hay, được độc giả thuộc nằm lòng nhưng thực chất so với nguyên bản là sai.
Vậy phải dịch thơ thế nào?
Tất nhiên, không thể vì sự không hoàn hảo của việc chuyển ngữ thơ mà cứ ngồi im không dịch nữa. Dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng mọi thứ đều có thể dịch được, thơ cũng không là ngoại lệ, tuy nhiên phải kèm điều kiện: “Mọi người đều muốn làm những điều mình mơ ước nhưng vấn đề là tài năng đến đâu. Chúng ta thường thích dịch thơ của những nhà thơ tài năng hơn mình. Phần lớn, các nhà thơ của chúng ta đều không phải xuất chúng vì thế dễ bất lực trước các thiên tài thế giới. Đấy là chưa kể bên cạnh tài năng còn cần phải có cảm xúc và nhiều yếu tố khác nữa”.
Có lẽ vì thế mà mỗi khi lâm vào thế bí, một số dịch giả đành chấp nhận chỉ giữ lại cái ý của nguyên bản rồi sáng tác thêm. Dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng điều quan trọng nhất là nắm được cái thần của tác phẩm và không nhất thiết phải chắp nhặt chi tiết. Tuy nhiên, theo nhà thơ Hoàng Hưng, điều đó chỉ đúng với thơ cổ điển, còn với thơ hiện đại châu Âu vốn rất cụ thể, nếu bỏ chi tiết đi thì sẽ chẳng còn gì mà dịch nữa. Chính vì thế đến nay, chưa có dịch giả nào được công nhận là dịch thơ châu Âu thành công, những người dịch thơ hay thường là phóng tác. Chúng ta quá xa cách họ về văn hóa, suy nghĩ, tư duy.
Một thực tế là rất nhiều các nhà thơ đến với việc dịch là do yêu thích và tự học, ít người có điều kiện được sinh sống trong môi trường bản xứ nên càng có nhiều hạn chế. Vì thế, dịch thuật của chúng ta vẫn đang ở mức thấp, gần như một điều nhức nhối. “Tuy nhiên, các anh cứ dịch đi nếu sai thì lại sửa, sau này có ai đó thấy các anh dịch sai thì họ sẽ dịch lại” – nhà văn Võ Thị Hảo phát biểu. Theo chị, người đọc thơ dịch muốn thấy được cái hình hài, âm hưởng của tác phẩm chứ không phải là một tác phẩm đã được Việt hóa. “Tôi phải cảm ơn các nhà dịch thuật vì nhờ đọc những tác phẩm nước ngoài mà tôi mới trở thành nhà văn” – Võ Thị Hảo cho biết..
Bình luận (0)