Ở tuổi 80 với 60 năm nghề, Phan Quang đã kinh qua nhiều trách nhiệm quan trọng trong nghề báo trong nước và nước ngoài. Báo chí thường gọi anh là nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác, nhà báo nhà văn... Tất cả đều đúng, anh là người viết, người cầm bút qua những chặng đường dài hoạt động. Phan Quang tuyển tập (3 tập) năm 1999. Phan Quang tuyển tập mười năm (1998-2008) và nhiều tác phẩm khác đã nói lên sức nghĩ, sức làm việc năng động, hiệu quả và ấn tượng.
Từ phóng viên Báo Cứu quốc Liên khu 4 (1948), năm sáu năm sau anh trở về Hà Nội làm phóng viên Báo Nhân Dân (1954) và cho đến nay vẫn tiếp tục trên hành trình dài nhiều thử thách của nghề báo. Vừa đọc sách thâu nạp kiến thức vừa khảo sát thực tế qua những chuyến đi đến nhiều miền trong và ngoài nước, nhà báo Phan Quang thực hiện đúng phương châm ông đề ra “Ta viết tức ta tồn tại” theo ý tưởng “Je pense donc que je suis” của Pascal.
Anh là người chịu đọc, say mê đọc, tri thức sách vở cổ kim được tiếp nhận và thể hiện thuần thục trên trang sách. Anh thích vế câu đối đầu trong nhà một người bạn “Thời trị yêu sách, thời loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có” (Trị ái thư, loạn ái thư, thư trung hữu hữu). Anh cũng thực hiện đúng quy trình “Đọc, đi, nghĩ, viết”, phương châm tối ưu của người viết. Giỏi tiếng Pháp nên nhà báo Phan Quang có thể chủ động khám phá nguồn sách Pháp phong phú. Năm 1999, tôi có dịp trong đoàn nhà báo qua Pháp theo lời mời của Trường Lille.
Tôi có dịp gặp một cán bộ Bộ Ngoại giao Pháp gốc Việt. Ông nhận xét: “Trong những trí thức Việt Nam qua Pháp chỉ có ông Phan Quang là nói tiếng Pháp chuẩn mực và hay hơn cả”. Còn lại, thường chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp không truyền thống. Và Phan Quang đã dịch nhiều tác phẩm tiêu biểu: Những ngôi sao ban ngày (in lần thứ tư - 2003), Nghìn lẻ một đêm (tái bản lần 26 - 2008), Nghìn lẻ một ngày (tái bản lần 6 - 2008), Sử thi huyền thoại Đông Tây (2006, 2008)... Cảm hứng của Phan Quang thiên về truyện lịch sử, huyền thoại. Nhà báo Phan Quang thời sự và cập nhật lại rất thích tìm về những truyện cổ tích, huyền thoại để dịch. Có thể những chuyện xa xưa, huyền thoại, viễn tưởng làm dịu bớt đi căng thẳng của thời cuộc hằng ngày trên trang báo.
Trong hoạt động báo chí, nhà báo Phan Quang viết nhiều thể loại từ chính luận cho đến các hình thức bút ký, phóng sự. Ngòi bút chính luận Phan Quang chuẩn mực và mức độ qua những trang viết về lịch sử báo chí, qua luận bàn về những con số (Những con số vô nghĩa, Những con số nói dối, Những con số yên lòng thượng cấp...), về quyền lực, quyền năng và báo chí, nhân cách đạo đức nhà báo.
Phan Quang là nhà phóng sự, bút ký. Anh chịu đi và qua những chuyến đi là các phóng sự, bút ký với cảm xúc chân thực và tính khách quan trong thể hiện. Những bút ký về đồng bằng sông Cửu Long dạt dào cảm hứng rồi những trang viết qua những chuyến đi nước ngoài. Công việc và vị thế tạo điều kiện cho ông có mặt ở nhiều đất nước. Về chuyện xuất ngoại, trong một lần vui chuyện, tôi hỏi nhà thơ Huy Cận cho đến nay ai là người đi nước ngoài nhiều nhất. Nhà thơ Huy Cận trả lời: Người đi nhiều nhất là Bác Hồ và sau đó có thể là tôi.
Cứ xem là như thế và anh Phan Quang có thể cũng trong danh sách những người đi nhiều. Ở Trung Quốc anh đến Bắc Kinh, Tô Châu, vào sâu đất Thục, lên tận Mãn Châu; ở Pháp, anh lên tháp Eiffel, thăm quán nghệ sĩ ở Paris; ở Mỹ, anh ngắm hoàng hôn trên sông Mississippi; đến Nhật thưởng thức trà đạo tại cố đô Kyoto; giao lưu báo chí ở Jakarta, thăm xích đạo và dự tiệc khai vị bằng món ngô luộc ở Quito, ăn quán cơm Việt tại Úc... Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Qua trang viết, anh không chỉ miêu tả, cảm nhận mà còn cung cấp nhiều chi tiết thú vị như tháp Eiffel có 1.710 bậc thang, Paris có 1.500 quán cà phê. Ở Trung Quốc khi thăm Tràng An anh xác nhận lời cụ Hoàng Xuân Hãn: “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt” không phải là tiếng trống của Vạn Lý Trường Thành mà là của Tràng An. Tác giả cũng cho biết ai đến Vạn Lý Trường Thành cũng nghĩ mình là hảo hán (bất đáo trường thành phi hảo hán) và chạm khắc lại tên tuổi trên các bức tường. Ngày nay ở Vạn Lý Trường Thành có cách ứng xử mới. Du khách mua khóa, thuê khắc tên, rồi khóa vào dây xích có sẵn để lưu danh. Nếu có điều kiện về thời gian chắc anh sẽ còn nhiều khám phá thú vị.
Phan Quang là nhà báo hay nhà văn? Anh là nhà báo mang đầy đủ phẩm chất của nhà báo trong những năm đất nước có chiến tranh và hôm nay trong thời cuộc hội nhập quốc tế. Anh là hội viên Hội Nhà văn, là người yêu văn, nhiều trang viết đậm chất văn chương. Tôi có lần đã nói anh là con nước chảy giữa hai bờ báo chí và văn chương. Nói như cụ Nguyễn Tuân là con sông có hộ tịch ở báo chí nhưng tắm mát cả hai bờ. Anh quen biết và có nhiều kỷ niệm đẹp về các nhà văn, nhà thơ.
Trong các tác phẩm của nhà báo Phan Quang có một phần khá ấn tượng với cái tên dễ cảm thương: Thương nhớ vẫn còn. Đó là những kỷ niệm chân tình với những người mà anh quen biết và có những tình cảm gắn bó. Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu - những người thuộc thế hệ đàn anh - được anh viết trân trọng và tha thiết. Những nhà báo một thời như Quang Đạm, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Thành Lê là những tấm gương của người làm báo. Rồi những trang viết kính trọng với các vị lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh.
Và cao cả hơn cả là tình cảm kính yêu Bác qua đôi ba lần được gặp Bác. Anh Phan Quang rất chân tình, chu đáo với Thương nhớ vẫn còn. Các nhà báo thường hướng cảm hứng về thời cuộc hôm nay, ngày mai mà dễ quên đi những cái gì thuộc về quá khứ. Nhà báo Phan Quang biết trân trọng và tri ân với quá khứ, với người đi trước. Riêng đối với anh, tôi luôn thể hiện tình cảm kính trọng và quý mến. Anh đã tin cậy nhờ tôi viết Lời giới thiệu Tuyển tập Phan Quang, bộ tuyển đồ sộ.
Tưởng như mọi việc đi dần vào kết thúc nhưng mười năm sau anh lại cho ra Phan Quang tuyển tập mười năm với hàng ngàn trang viết không hề thua kém mà có nhiều bài hay và hấp dẫn hơn. Thật đáng nể trọng, sức nghĩ và sức làm việc của một nhà báo lão thành. Anh là cánh chim không mệt mỏi thường bay trên tầng cao có tầm nhìn xa, khoáng đạt. Nếu có được nhiều dịp gần hơn với đời thường, tiếp xúc với cái bình dị, cái thô mộc, cái hương vị mặn mòi của nắng gió, của đất cát thì chắc trang viết của anh sẽ có thêm màu sắc. Cảm ơn anh về sự quan tâm với tôi. Mỗi lần ra một cuốn sách, biếu anh, anh đọc và bao giờ cũng cho tôi những nhận xét chân tình và khích lệ. Đối với tôi đó là phần thưởng tinh thần cao quý. Chúc nhà báo Phan Quang ở tuổi thọ 80, ngòi bút vẫn sung sức, những trang viết đằm thắm giàu giá trị nhân văn.
Tháng 11-2008
Bình luận (0)