Ngã rẽ tình cờ
Trước khi đến với sân khấu, Phan Ý Ly đã có 3 năm làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Cô bắt đầu “nhập môn sân khấu” khi chuyển sang hoạt động cho một tổ chức phi chính phủ, nơi có một dự án sử dụng sân khấu để tuyên truyền sức khỏe sinh sản. Trong khi giúp đỡ phía đối tác là các nghệ sĩ về mặt tổ chức, cô quan sát các hoạt động của họ và cảm thấy rằng làm việc như thế mới là thích, mới là sáng tạo. Khi Hội đồng Anh tổ chức một khóa học về nghệ thuật và văn hóa trong phát triển, cô đăng ký tham gia. Một tháng sau, cô giành được học bổng Chevening, trở thành người Việt Nam đầu tiên học thạc sĩ ở Anh về nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội.
“Thực ra, ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ là sẽ sử dụng phương pháp sáng tạo nghệ thuật để hoạt động phát triển cộng đồng thôi, không nghĩ rằng mình lại đi theo nghệ thuật” - Phan Ý Ly nói. Cô chỉ thực sự thay đổi suy nghĩ của mình khi dự Trại nghệ thuật biểu diễn các nước tiểu vùng sông Mêkông (tổ chức tại Philippines vào tháng 11-2005). Trong thời gian các nghệ sĩ sáng tác vở diễn để báo cáo, cô chuyên gia dự án Phan Ý Ly khá rảnh rỗi, liền lân la đến các nhóm xem có ai cần gì thì giúp. Và cô gặp Nut Nualpang - một nghệ sĩ hài kịch đến từ Thái Lan - đang một mình loay hoay tìm ý tưởng sáng tạo. “Nut ơi, tôi với cậu cùng làm cái gì đấy cho vui đi” - cô “rủ rê”. Nut bảo, anh thích làm một tiểu phẩm có chủ đề liên quan đến tình dục qua Internet. Thế là hai người ngồi với nhau, cùng “vẽ” nên câu chuyện, cách xử lý, thể hiện... Vốn rất khá về việc thiết kế đa phương tiện trên máy tính, Phan Ý Ly đã cùng Nut Nualpang cho ra đời một tác phẩm kịch kết hợp với điện ảnh mang tên Mong.
Cuộc gặp gỡ với Nut Nualpang và sự tiếp xúc với các nghệ sĩ ở Trại nghệ thuật biểu diễn khiến Phan Ý Ly nhận thấy một điều: các nước có rất nhiều nhóm sân khấu xã hội hóa hoạt động sáng tạo thể nghiệm, họ không bị hạn chế về bất cứ điều gì, họ thực sự sáng tạo, dám liều lĩnh, khiến nền sân khấu trở nên đa dạng. “Tại sao Việt Nam lại không có những nhóm như thế?” - Phan Ý Ly bức xúc. Trở về nước, cô lập tức bắt tay vào việc cho ra đời Sân khấu Nháp.
Hiện đại nhưng rất Việt Nam
Thành viên ban đầu của Sân khấu Nháp gồm 6 người: Ý Ly, Khánh Băng, Vy Dung, Minh Thư, Hữu Hân và Lan Anh. Họ đều là những nhân vật từng có thâm niên tham gia các chương trình sân khấu cộng đồng, sân khấu giáo dục do các tổ chức nước ngoài tài trợ. “Tại sao lại là Nháp?” - “Ngày xưa, khi đi học, thầy cô thường bảo phải viết ra giấy nháp trước khi viết vào vở. Có thể nói nháp là tờ giấy ghi chép và thể nghiệm nhiều ý tưởng nhất, cũng là tờ giấy hồn nhiên nhất. Khi viết nháp, ai cũng thoải mái, không hề có tâm lý e dè, sợ hãi. Vì thế, những gì được viết ra nháp, dù chưa hoàn chỉnh, bao giờ cũng là khởi đầu của những ý tưởng... “ - Phan Ý Ly cho biết. Cách làm sân khấu của Nháp là vậy, đề cao sự ngẫu hứng, nghĩ gì làm nấy, kịch bản của một vở diễn được hình thành dựa trên quá trình sáng tạo của cả nhóm, dựa trên rất nhiều chất liệu, ý tưởng, âm thanh, hoàn cảnh... “Sân khấu Nháp hoạt động để ra đời những tác phẩm biểu diễn chất lượng với phương thức nghệ thuật sử dụng ít lời nói, kích thích trí tưởng tượng qua các kỹ thuật biểu diễn như chuyển động hình thể, rối, bóng, mặt nạ...” - Phan Ý Ly nhấn mạnh thêm.
Các thành viên của Sân khấu Nháp đến với nhau hoàn toàn bằng niềm đam mê. Mọi người trong nhóm đều có một công việc riêng, khi nào rảnh rỗi họ lại gặp gỡ nhau, cùng bàn bạc, chia sẻ những ý tưởng sáng tạo. Càng làm, họ càng bị sân khấu lôi cuốn. “Trước đây, nghệ thuật với tôi là sở thích. Nhưng bây giờ, nếu không có nó, tôi như người luôn phải ngậm sâm để sống” - Phan Ý Ly nói. Trong thời điểm này, tiền bạc chưa phải là mục đích của Sân khấu Nháp. Họ cho rằng, mình cứ nuôi sân khấu bằng đam mê đã, để cho nó lớn lên, rồi tự nó sẽ nuôi được nó.
“Đại bản doanh” của Sân khấu Nháp là số nhà 43 Hoàng An A, Lê Duẩn, Hà Nội. Họ đã “trình làng” đầu năm 2006 bằng Oe oe, vở diễn kể về cuộc sống từ khi hình thành đến lúc ra đời của một bào thai. Vở diễn không hề có một lời thoại, chỉ có hiệu ứng của âm thanh, các động tác hình thể, các kỹ thuật sân khấu... nhưng đủ sức khiến khán giả tự ám ảnh rằng ẩn sâu trong mỗi vấn đề là một cảm xúc bị kiềm chế. Vở Nhìn sẽ biểu diễn phục vụ miễn phí sinh viên các trường đại học ở TPHCM sắp tới là tác phẩm được hoàn thiện từ tiểu phẩm Mong mà Phan Ý Ly và Nut Nualpang đã dựng ở Trại biểu diễn nghệ thuật các nước tiểu vùng sông Mêkông. Tiếp theo đó, Sân khấu Nháp sẽ bắt tay vào thực hiện Oe oe 2, khai thác sự ám ảnh của những đứa trẻ trước lời nói đùa của cha mẹ chúng về nguồn gốc của mình. “Mục đích của chúng tôi là dàn dựng những tác phẩm thể nghiệm mang hơi hướng của “thời đại @”, nhưng phải rất Việt Nam” - Phan Ý Ly cho biết.
Lịch biểu diễn của vở Nhìn tại TPHCM + 19 giờ ngày 2-11: Trường ĐH Kinh tế (39C Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). + 16 giờ ngày 3-11: Sân khấu Melbourne, Đại học Quốc tế RMIT (702 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7). + 19 giờ ngày 6-11: Đại học Ngoại ngữ - Tin học (155 Sư Vạn Hạnh, Q.10). |
Nhìn - tác phẩm sân khấu đa phương tiện
Vở diễn nằm trong khuôn khổ dự án “Nghệ thuật trong công tác truyền thông” do Sân khấu Giáo dục Philippines khởi xướng với sự hỗ trợ từ Quỹ Rockefeler. |
Bình luận (0)