Thời điểm phim Sống trong sợ hãi chính thức trình chiếu tại TPHCM là ngày 5-5-2006 ngay sau khi vừa đoạt 5 giải thưởng Cánh diều vàng. Rõ ràng là sự gặt hái nhiều giải thưởng Cánh diều vàng của phim này đã góp phần rất lớn để Hãng phim Truyện I quyết định dành ra một khoản chi phí cho việc quảng cáo phát hành tới 200 triệu đồng - một khoản chi phí mà vào thời buổi thua lỗ luôn rình rập trước các quầy vé này, có lẽ không một nhà sản xuất phim Nhà nước nào dám can đảm bỏ ra.
Cùng thời gian khởi chiếu phim này tại đây, Hội Điện ảnh TPHCM cũng đã tổ chức chiếu cho hội viên và những người làm lý luận, phê bình điện ảnh xem, với kết quả thu được là nhiều tiếng khen và ít lời chê. Ba rạp khá sang trọng là Cinebox, Galaxy và Fafilm Cinema nhận chiếu phim này. Một số nhà phê bình điện ảnh cũng đã gởi đến các báo những bài giới thiệu, phân tích, đánh giá đầy ưu ái, thiện cảm với phim này...
Hai rạp Galaxy và Fafilm Cinema vẫn chiếu tiếp tục theo đúng thời gian định trước là 2 tuần, tức là tới ngày 20-5, còn rạp Cinebox thì đã ngưng chiếu ngay từ ngày 8-5! Chỉ trừ 3 rạp Galaxy, Cinebox và Fafilm Cinema nhận chiếu, còn vài cụm rạp khác đã lắc đầu dứt khoát từ chối chiếu Sống trong sợ hãi. Tại Liên hoan Phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 9 năm 2006, diễn ra từ ngày 17 đến 25-6-2006, phim Sống trong sợ hãi đã vượt lên trên 83 phim dự thi của khu vực châu Á, qua mặt các anh tài đến từ nước chủ nhà Trung Quốc và các nước Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc... để giành vòng nguyệt quế rất quan trọng: Phim hay nhất!
Thời buổi “kinh tế thị trường” không ai nỡ lòng buộc doanh nghiệp vì “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà phải chịu thua lỗ về tiền bạc. Cho nên, sau khi có thêm một tin vui lớn từ Thượng Hải, dường như lý do phim Sống trong sợ hãi không có người xem vẫn là lá chắn vững chãi bảo vệ cho thái độ khước từ hoạt động nghiệp vụ và thực hiện nhiệm vụ chính trị của phát hành và chiếu bóng đối với phim này. Không những ngưng phát hành phim Sống trong sợ hãi, có rạp đã ngừng luôn việc xếp lịch chiếu bộ phim được giải Cánh diều vàng 2005 - là phim Chuyện của Pao.
Hiện tượng phát hành phim Sống trong sợ hãi phải chăng là sự biểu lộ bản chất quan điểm của ngành phát hành phim ở ta hiện nay? Và nếu quả đúng như vậy thì cần phải làm gì? Phải chăng là cần làm lại các thể chế, các cơ chế phát hành, phổ biến phim cho đúng đắn hơn, cho thích hợp hơn với thực tế của đất nước? Phải chăng cần sắp xếp lại hệ thống cơ sở vật chất để phát hành, phổ biến phim từ các TP lớn đến khắp các tỉnh, thành và đến tận các quận, huyện, phường, xã, vùng sâu, vùng xa?... Tôi cho rằng có làm được ít nhất là như thế thì ngành phát hành phim và chiếu bóng của chúng ta may ra mới xứng đáng được xem là ngành phát hành phim và chiếu bóng Việt Nam đang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường có định hướng.
Bình luận (0)