Với những kết quả khảo cổ tìm thấy ở Lai Nghi qua hai đợt khai quật khảo cổ, đoàn quyết định sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm khai quật tại Lai Nghi lần thứ 3 dự kiến vào đầu tháng 2-2004
. Thông tin:
Khu mộ chum giàu có nhất.- Cuộc khai quật do đoàn khảo cổ học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Bảo tàng tỉnh Quảng Nam hợp tác với Viện Khảo cổ học quốc gia Đức tiến hành. Những mộ chum ở đây có trên 2.000 năm tuổi, thuộc nửa sau thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên. Sau đợt khai quật vào tháng 10-2002, tìm thấy 9 mộ chum với rất nhiều đồ tùy táng. Vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-2003, đoàn tiếp tục khai quật tại địa điểm này. Ngày 11-4 kết thúc đợt khai quật, đoàn đã phát hiện được 22 mộ chum và hàng ngàn hiện vật khảo cổ có giá trị về VHSH. Ông Nguyễn Chiều - cán bộ giảng dạy và nghiên cứu bộ môn Khảo cổ học Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên trong đoàn khai quật khảo cổ - cho biết: “Địa điểm khai quật này nằm trên một dải cồn cát từ thị xã Hội An lên đến Lai Nghi với những mộ chum được phân bố dày đặc trên các cồn cát ven một dòng chảy cổ, gần giống với sự phân bố dân cư thời kỳ đó”. Được biết, 12/14 huyện thị Quảng Nam khi khai quật đều phát hiện ra những di tích mộ chum thuộc VHSH. Và phần lớn các địa điểm khảo cổ đều nằm gần những con sông sâu chảy ra cửa biển ở khu vực Đà Nẵng, Hội An.
Theo tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, Phó Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên trong đoàn khai quật khảo cổ, mộ chum phát hiện tại Lai Nghi thuộc vào hàng những mộ chum có bộ tùy táng giàu nhất của VHSH. Nhiều mộ chum có những hạt chuỗi bằng vàng. Có ngôi mộ đoàn tìm thấy 3.000 hạt chuỗi và hạt cườm bằng những chất liệu khác nhau. Có lẽ đó là bộ hạt độc nhất ở Đông Nam Á. Trong 1.000 ngôi mộ của VHSH từng khai quật, rất hiếm khi gặp được những mẩu xương người. Riêng ở Lai Nghi không những phát hiện ra những mẩu xương mà còn có rất nhiều xương có thể dùng để xác định giới tính, tuổi cũng như bệnh tật của người chết. Bên cạnh những công cụ, vũ khí bằng sắt, nhiều hạt chuỗi bằng vàng, thủy tinh, mã não, đá A Chat, còn tìm thấy đôi khuyên tai bằng vàng đầu tiên của VHSH. Ngoài ra còn tìm thấy những hiện vật độc đáo và duy nhất chưa có trong các mộ táng từ trước đến nay.
Hạt mã não hình con chim nước, hạt gạo 2.000 năm.- Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung thận trọng đưa cho chúng tôi xem hạt chuỗi mã não có hình con chim nước, kích thước nhỏ bằng nửa đốt ngón tay út mà đoàn khảo cổ vừa tìm thấy được trong một mộ chum mới khai quật tại thôn Lai Nghi (Quảng Nam) và giải thích: “Theo như biểu tượng của thế giới, con chim nước là biểu tượng của mặt trời. Chẳng hạn ở khu vực mộ chum hậu kỳ thời đại đồ đồng vùng sông Danube ở châu Âu, có rất nhiều hiệân vật hình con chim và người ta đọc biểu tượng hình con chim là mặt trời. Theo tôi biết, hạt chuỗi mã não duy nhất ở Đông Nam Á tìm thấy được ở Thái Lan có hình con sư tử. Và từ trước đến nay, trong các mộ táng khai quật được chúng tôi chỉ phát hiện những hạt mã não hình chuỗi bình thường. Mã não mang hình dạng con vật thì chưa bao giờ tìm thấy. Phát hiện này khá độc đáo bởi vì trong tổng thể những hạt trang sức bằng mã não của VHSH lại có tạo hình con chim nước. Những hiện vật nghệ thuật xác định là con chim gì rất khó. Tạm thời gọi là con chim nước”. Viên mã não mang hình con chim nước là một thông tin khảo cổ quý giá giúp các nhà nghiên cứu có thêm những bằng chứng về sự phát triển giao lưu ở vùng đất này và cả vấn đề tín ngưỡng, tập tục văn hóa..., những vấn đề ít được biết đến của nền VHSH.
Trong đợt khai quật khảo cổ tại Lai Nghi còn một phát hiện nữa theo các thành viên trong đoàn cũng là một phát hiện hết sức có giá trị về mặt khảo cổ, đó là những hạt gạo cháy đã bị vùi chôn dưới đất 2.000 năm. Có khoảng hơn 10 hạt gạo màu đen than, khô cứng nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng hạt gạo. Bằng những cái rây nhỏ như những cái rây bột cho trẻ em, các thành viên trong đoàn sàng rất kỹ và đã phát hiện ra những hạt gạo quý giá này. Chúng sẽ là vật chứng quý giá chứng minh rằng cách đây 2.000 năm vùng đất này đã có lúa thuần dưỡng. Qua các hạt gạo này, bằng phương pháp khoa học, các nhà cổ sinh học sẽ biết được đây là loại lúa nước hay lúa cạn, lúa nếp hay tẻ từ đó có thể xác định cơ cấu về nông nghiệp của người Sa Huỳnh.
Cục thủy tinh nguyên liệu và chiếc gương đồng thời Tây Hán.- Độ tinh xảo của những chuỗi hạt tìm thấy tại các mộ chum đã khiến đoàn khảo cổ phải kinh ngạc. Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cho biết: “Từ xưa đến giờ người ta cho rằng nghề thủy tinh rất phát triển trong thời kỳ VHSH nhưng phát triển ở mức độ cao như vậy thì thật đáng kinh ngạc”. Những hạt trang sức nhỏ li ti, phải dùng cái rây cát thật kỹ mới tìm thấy chúng. Ngay cả với trình độ làm thủy tinh như hiện nay, có lẽ làm được những chuỗi thủy tinh có kích thước nhỏ đến như vậy cũng rất khó khăn; rồi bằng cách nào người xưa xâu xuyên lỗ qua những hạt cườm li ti như thế này... Bên cạnh đó, những hạt cườm tìm thấy ở đây màu sắc rất khác nhau, hình dạng khác nhau: hình trụ, hình tròn, hình bầu dục... Điều này nói lên trình độ chế tác rất tinh xảo của người Sa Huỳnh. Song điều ngạc nhiên bí ẩn lại nằm ở một cục thủy tinh nguyên liệu trong suốt được tìm thấy trong mộ táng. Cho đến nay chưa có ngôi mộ táng nào tìm thấy cục thủy tinh nguyên liệu như vậy. Tiến sĩ Mỹ Dung nói: “Nếu xác định được là thủy tinh núi do thiên tạo thì không có vấn đề gì, nhưng nếu là thủy tinh nhân tạo thì nó sẽ cho ta rất nhiều thông tin về sự phát triển kỹ thuật công nghệ của người Sa Huỳnh xưa”.
Cũng trong một ngôi mộ táng ở Lai Nghi, đoàn khảo cổ đã phát hiện chiếc gương đồng thời Tây Hán thứ tư ở mộ chum Sa Huỳnh. Chiếc gương tìm thấy ở Lai Nghi có kích thước nhỏ hơn các gương đã tìm thấy trước đó và nó cũng bị hư hại khá nhiều. Đường kính gương khoảng 8 cm, độ dày ở mép gương là 4 mm. Khi tìm thấy chiếc gương đang được đặt trước một đồ tùy táng bằng sắt bên trên bị đè lên bởi nhiều than và đồ tùy táng bằng gốm. Sự xuất hiện của gương đồng thời Tây Hán cho thấy có sự giao lưu của những chủ nhân nền VHSH với người Trung Quốc hàng thế kỷ trước Công nguyên, họ cũng là những người đầu tiên ở miền Trung Việt Nam chế tác đồ trang sức không những bằng vàng mà còn bằng thủy tinh.
Những điều phát hiện trên trùng với giả thuyết cho rằng, chủ nhân của những mộ chum dùng rìu đá ở vùng cồn cát cằn cỗi ven biển Sa Huỳnh đã có bước nhảy vọt đến sự phát triển thành “xã hội thịnh vượng” khắp mạng lưới cụm dân cư ở lưu vực sông Thu Bồn với các đồ bằng sắt, đồng, thau và vàng. Họ phát triển nghệ thuật và nghề nghiệp mới nhờ sự thịnh vượng của nền kinh tế và nhờ sự giao thương với các vùng đất ở Bắc Việt Nam, cùng với Đông Bắc Thái Lan có nghề thủ công chế tạo kim loại phát triển hơn. Nhưng tại sao nền văn hóa này lại kết thúc vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên? Và liệu có mối quan hệ nào giữa chủ nhân của VHSH và người Chăm sau này? Đó là những câu hỏi không chỉ dành cho các nhà khảo cổ trong nước mà cả những nhà khảo cổ trên thế giới.
Bình luận (0)