Trong đợt khai quật, tiến hành từ tháng 11 vừa qua tại thôn Bùi Bến, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể di tích với các loại hình di tích có niên đại kéo dài liên tục.
Dấu tích về sự phân bố đậm đặc các đống xỉ quặng sắt và các dụng cụ dùng trong kỹ thuật luyện kim như ống thông gió, đất nung dính quặng sắt, khuôn gốm, dụng cụ sắt, vỏ lò luyện sắt, hố than cho thấy nơi đây từng là xưởng thủ công sản xuất sắt bắt đầu từ thế kỷ 13, kéo dài đến cuối thế kỷ 14.
Đây là khu luyện kim cổ lớn thứ 3 đã được phát hiện ở Việt Nam với tổng diện tích khoảng 10.000 m2. Các hiện vật cũng cho thấy hoạt động luyện kim cổ lúc đó đã mang tính thương mại.
Ngoài 2 lò nung gạch ngói được khai quật tại khu vực bến sông, các nhà khoa học còn phát hiện 4 lò khác, cùng với các sản phẩm đã từng phát hiện tại các khu vực Cổ Loa - Hà Nội, Lào Cai, Vĩnh Phúc.
Theo các nhà khoa học, đây là khu vực sản xuất gạch ngói lớn ven sông Cầu từ thế kỷ 19.
Bình luận (0)