Thế nhưng, thay vì thấy được sự mới lạ của thời trang như mong muốn, công chúng chỉ thấy sự lập dị, thậm chí quái dị của những người tự cho rằng “rất yêu thời trang” này.
Những chiếc váy ôm sát, xẻ cao - loại trang phục đặc thù chỉ dành cho nữ giới - những chiếc áo, thậm chí là quần lưới, mà chỉ 1% dân số dám diện (chủ yếu là các ngôi sao muốn chơi nổi); những đôi giày cao gót; những chiếc váy sặc sỡ..., tất cả đều có trong buổi tuyển sinh này và người mặc thì lại mang dáng vẻ của cánh mày râu.
Đành rằng sự sáng tạo là không giới hạn và sự bình đẳng cho phép những thử nghiệm “trái giới” trong khuôn khổ của thời trang unisex (thời trang không phân biệt giới). Thế nhưng, nam giới khoác hẳn váy áo phụ nữ lên truyền hình thì quả là điều khó chấp nhận.
Nghề thiết kế thời trang luôn đòi hỏi tài năng và sáng tạo đột phá không ngừng nghỉ nhưng phá cách không có nghĩa là... “phá nát” thời trang. Những hình ảnh quái đản này ngay lập tức vướng phải phản hồi tiêu cực từ công chúng, rất nhiều ý kiến đã cho rằng chương trình này khiến người khác khiếp hãi.
Nhà thiết kế Công Trí nói: “Đương nhiên, lớp trẻ hiện nay có cá tính và nhiều sự lựa chọn cũng như quyết định thể hiện phong cách của mình. Ý kiến của một chuyên gia hay người làm nghề như tôi cũng chẳng có tác dụng gì so với ý kiến của cộng đồng, của xã hội. Sự phản đối của cộng đồng là câu trả lời xác thực nhất. Và có lẽ, với phản ứng gay gắt đó, các bạn ấy sẽ biết phải làm gì”.
Trong khi đó, Thanh Tùng - cựu giảng viên khoa thiết kế ngành công nghiệp thời trang Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, MC cho chương trình - cũng thừa nhận: “Các bạn có quyền thể hiện cá tính của mình và về kiến thức chung, ở khía cạnh người làm thời trang, một người yêu thời trang dám bứt phá khỏi quan điểm chung của xã hội để thể hiện tư duy sáng tạo cá nhân, họ không sai. Nhưng cái chưa đúng chính là áp dụng không đúng lúc và chưa tới”.
Không phải tự nhiên, các thí sinh dám phá cách một cách không tưởng như thế để đến với cuộc thi. Ngay từ đầu, đơn vị sản xuất chương trình “Project Runway Vietnam” (cũng là nơi sản xuất chương trình “Vietnam’s Next Top Model”) đã không tự đặt ra giới hạn trong chương trình của mình. Hay nói cách khác, chính đơn vị sản xuất này là nơi mở cửa, khuyến khích cho những tư duy thời trang mang tính lệch chuẩn so với chuẩn mực văn hóa Việt.
Việc giám khảo nam của cuộc thi này mặc váy lên truyền hình trong mùa giải trước chính là dấu hiệu cho những người muốn chơi nổi được thể hiện sự quái đản của bản thân ở mùa này. Thời trang có sáng tạo đến đâu cũng phải tuân thủ những quy tắc nhất định, chuẩn mực; đâu phải cứ làm khác người thì được xem là thời trang, là thời thượng. Thử hỏi, ngay cả trời Tây, nơi mọi người mặc sức thể hiện bản thân thì mấy người dám mặc váy, áo xuyên thấu nhởn nhơ dạo phố? Trong khi đó, giám khảo nam Việt Nam lại nhởn nhơ áo váy xuất hiện trên truyền hình quốc gia?!
Bình luận (0)