Không ít người bất ngờ khi gương mặt “trẻ măng” và chưa được các phương tiện truyền thông khai thác nhiều như Phi Long lại nhận được Giải Mai Vàng 2009 ở hạng mục Nam diễn viên điện ảnh - phim truyền hình được yêu thích nhất. Nhất là khi Long chỉ mới xuất hiện trong vài ba phim truyền hình với những vai diễn nhẹ nhàng, trẻ trung, hài hước chứ chưa thật sự là những nhân vật có số phận để tạo dấu ấn với người xem. Thật ra, anh đã có 20 năm theo nghề, kể từ năm lên 8 tuổi.
Sống như tính cách nhân vật
Xuất hiện trong buổi ra mắt trước khi khởi quay phim Mùa hè sôi động, cùng với các bạn tuổi teen Phương Trinh, Mỹ Kim..., chàng diễn viên “8x đời đầu” Phan Nhật Phi Long hóa thành một Quân cũng “teen đúng nghĩa” với trang phục trẻ trung, nói cười... nhí nhố. “Đó là cách để tôi tập sống cùng nhân vật” - Phi Long nói.
Phi Long hạnh phúc với giải thưởng Mai Vàng 2009 trên tay. Ảnh: N.HUY
Suốt thời gian từ lúc nhận kịch bản đến khi phim hoàn thành, Long luôn cố sống như tính cách của nhân vật. Cũng vì cố nhập tâm cho vai con nhà giàu đỏng đảnh, khó chịu mà bạn bè bảo Long đóng phim rồi đổi tính. Còn vào vai Thái trong Áo cưới thiên đường, Long bị không ít người hiểu lầm là “thằng khờ, suốt này cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng nói gì ra hồn với ai”.
Hai vai diễn chính và thứ chính phát sóng liên tiếp nhau trong năm qua khiến cái tên Phi Long được khán giả truyền hình nhớ đến nhiều hơn, từ sau vai diễn nhỏ xíu trong phim Kiều nữ và đại gia. Thế nhưng cả hai đều không phải là những nhân vật có số phận nên trong mắt khán giả truyền hình, Phi Long cũng chỉ dừng lại ở hình ảnh là một “cậu bé” có phần trẻ con, nhí nhảnh vô tư như chính vai diễn của anh.
Nổi tiếng ngoài ý muốn
Cho đến khi đoạn trailer “nóng bỏng” về vai diễn đồng tính trong bộ phim Trần trụi (kịch bản và đạo diễn trẻ Hoàng Thơ) được tung lên mạng, cái tên Phi Long mới thật sự “nổi sóng” suốt một thời gian dài. Sự nổi tiếng bất đắc dĩ theo hướng tiêu cực ấy lại khiến cho “gã khờ Thái” một phen lao đao khi phải đối mặt với quá nhiều tin đồn quái ác, thậm chí cả những tin nhắn mời gọi nham nhở.
Đến mức Phi Long đóng cửa nhốt mình trong nhà, không dám mở điện thoại và cũng không dám gặp ai. Anh cay đắng nhận ra sự hy sinh hết mình vì nghệ thuật của mình bị xuyên tạc bóp méo không thương tiếc, mà không ai chịu hiểu rằng anh đã cố hết sức mình cho vai Hùng - một nhân vật có số phận khốc liệt, là người phụ nữ mang thân xác đàn ông với những khao khát tình yêu, hạnh phúc, ghen tuông, mù quáng và bi kịch điên cuồng của một người bị phản bội. Vai diễn tưởng như vượt quá tầm cảm xúc của Long.
“Ra đường, người ta gọi tôi là “bóng lộ”, là “gay”. Nhưng sau thời gian tự tách biệt mình với thế giới bên ngoài, trong tinh thần khủng hoảng trầm trọng, tôi nhận ra rằng khi người ta xem phim mà nói Phi Long đồng tính, cũng có nghĩa là vai diễn của mình thành công. Tại sao mình cứ phải đau khổ, buồn bã vì những điều người khác nói mà điều đó vốn không hề đúng với mình? Bản thân mình biết mình không làm gì sai thì tại sao mình lại tự hành hạ mình đến như vậy?” - Long chia sẻ.
Nỗ lực hết mình
Ở mỗi khoảnh khắc khác nhau, Phi Long có những vai trò khác nhau. Với khán giả truyền hình, Long là diễn viên; với công nhân, Long là ca sĩ; với các bạn trẻ theo học múa, Long lại là người thầy vui tính; ở Trường Sân khấu - Điện ảnh TPHCM thì Long là sinh viên khoa đạo diễn và với nghệ thuật, Long còn mang giấc mơ về nhạc kịch.
Đi hát từ lúc 5 tuổi - cái tuổi mà Long bảo là “kiếm tiền quá sớm”, đến 8 tuổi học múa rồi theo học và tốt nghiệp Trường Múa TPHCM, làm trưởng nhóm vũ đoàn múa. “Tôi trưởng thành từ nghề múa. Có thể với khán giả truyền hình, Phi Long là người mới, nhưng với bạn bè và những ai đã biết tôi trước đó thì đều hiểu rằng Phi Long đã có một chặng đường dài, trải nghiệm nhiều, va vấp cũng nhiều” – Long nói.
Thái khù khờ của Áo cưới thiên đường và Quân ương ngạnh kiểu trẻ con của Mùa hè sôi động có những suy nghĩ khá chững chạc trong đời thường, biết mình làm gì và cần làm gì cho những “món nợ ân tình” với những người xung quanh. Anh bộc bạch: “Cho đi như thế nào thì nhận lại như thế ấy. Cuộc sống ngắn ngủi và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai, vì vậy không bao giờ đặt mục tiêu quá xa xôi, chỉ biết luôn nỗ lực hết mình cho những cơ hội mình tìm thấy trong hiện tại.
Thành công với tôi, nhiều khi chỉ đơn giản là mỗi sáng... thức dậy sớm để có thể hoàn thành khối công việc trong ngày của mình. Tôi không quan tâm điểm xuất phát của mình ở đâu, điều cần là mình đã đi qua chặng đường đó như thế nào. Đôi lúc có những bàn tay đã đặt lên vai tôi, không khen ngợi những gì tôi đã làm, cũng không nói gì về nỗi đau của tôi mà chỉ có cái vỗ vai nhẹ nhàng và câu nói: “Cố lên, Long!”. Với tôi như thế là đã đủ cho mình sức mạnh để đứng lên từ những va vấp, để biết bên cạnh mình luôn có nhiều người quan tâm, thương và hiểu cho mình”.
Bình luận (0)