“Có hai loại phim, hai cách xem phim: phim để thư giãn giải trí xem xong rồi quên, không suy nghĩ bận tâm vì biết phim 100% là hư cấu. Phim không cần nặng triết học nhưng nổ tung màn bạc, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hành động nhiều hơn lời nói. Loại thứ hai là nặng về triết lý, đạo đức cao vời vợi, xem để suy ngẫm, bình luận” - khán giả Nguyễn Tuấn phân tích. Nếu ở góc nhìn này, Đường đua nằm lửng lơ ở khoảng giữa. Tư duy và ý tưởng của nhà sản xuất và khán giả đã không thể gặp được nhau.
Sẽ là rập khuôn, cứng nhắc nếu như áp đặt rằng bộ phim nào cũng phải có thông điệp, khi điện ảnh xét ở góc độ khác còn là sự trải nghiệm cảm giác. Khán giả có thể nhận ra rất nhiều thông điệp sâu sắc trong nhiều bộ phim, kể cả phim hoạt hình của Hollywood nhưng đôi khi bộ phim chỉ là một sự trải nghiệm cảm xúc. Phim cho người xem đắm chìm vào một thế giới siêu thực, một không gian điện ảnh được tạo dựng hoành tráng đủ để khán giả quên câu chuyện hư cấu cũng có thể... bất hợp lý như phim Việt nhưng người ta vẫn tin, vẫn thích “trả tiền” để có được trải nghiệm cảm giác đó. Các nhà làm phim Việt chưa đủ sức kéo khán giả đến với màn ảnh rộng bằng bối cảnh và sức tưởng tượng vốn có hạn. Nếu có những câu chuyện vượt ra khỏi “tầm nhìn chung” thì lại được kể theo cách dị biệt hoặc không đủ sức thuyết phục, càng khó tìm thấy sự đồng cảm từ số đông.
“Phim Việt nhạt như nước ốc. Phim nào cũng chỉ quanh quẩn khoe nhà, khoe của, “chân dài”... Mở mắt ra là chạy xe hơi đi ăn sáng, cà phê. Xem phim Việt thấy đời sống vinh hoa, vương giả. Biến tấu và kết thúc phim cũng rất nhàm chán. Phim Việt giống như cứ chạy theo cái khuôn khổ nhất định chứ không chịu cách ly khỏi thế giới tồn tại trong tư tưởng làm phim Việt bấy lâu...” - những phán xét thẳng thừng như vậy của khán giả có thể là gáo nước lạnh tạt vào các nhà làm phim nhưng không phải hoàn toàn là quy chụp, vô lý, cố tình “dìm cho chết” bất kỳ ai.
Đó là sự bày tỏ chân thật, đồng thời mong cầu một sự thẩm thấu và thay đổi.
Bình luận (0)