Chỉ với 10 phút nhưng phim ngắn “Niềm vui của ba”, do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thực hiện, đã chạm đến trái tim người xem bởi câu chuyện xúc động và nhân văn. Người xem không nghĩ đó là phim quảng cáo, dù mục tiêu của nhà đầu tư là quảng cáo một thương hiệu mì ăn liền.
Cô đọng, giàu cảm xúc
“Niềm vui của ba” là một phần hình ảnh của hầu hết các gia đình Việt Nam trong thời đại mới, khi mà những người con vì quá bận rộn với công việc và các mối quan hệ xã hội bên ngoài đã quên đi việc dành thời gian cho cha mẹ - những người luôn yêu thương và chờ đợi họ mỗi ngày để được cùng nhau quây quần bên bữa cơm đầm ấm. Câu chuyện trong phim được truyền tải đơn giản và chân thật, giúp người xem nhận ra giá trị quý giá của gia đình truyền thống.
Phim ngắn tạm hiểu là tác phẩm điện ảnh hội tụ đầy đủ những công đoạn kỹ thuật của quá trình sản xuất một tác phẩm điện ảnh thuần túy nhưng với mức độ nhỏ, kinh phí đầu tư ít, thời lượng ngắn hơn (trung bình từ 5 đến 40 phút). Phim ngắn đóng góp quan trọng cho sự phát triển của điện ảnh thế giới, từng được vinh danh ở hầu hết các giải thưởng điện ảnh uy tín của những nền điện ảnh tiên tiến.
Tại Việt Nam, Giải Cánh diều hằng năm của Hội Điện ảnh cũng tôn vinh những bộ phim ngắn có giá trị. Rất nhiều tác phẩm phim ngắn đã để lại trong lòng công chúng những thông điệp, những câu chuyện hết sức nhân văn. Nội dung phim cô đọng, giàu cảm xúc nên dễ đi vào lòng người và tạo hiệu ứng mạnh mẽ.
Trên mạng xã hội từng dậy sóng bởi nhiều bộ phim ngắn. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là “Xin lỗi em, tôi chỉ là thằng bán bánh giò!” của đạo diễn Phạm Lộc. Nhiều đạo diễn trẻ cũng đã thành danh và bước vào con đường chuyên nghiệp bắt đầu từ những bộ phim ngắn.
Nâng tầm thương hiệu quảng cáo
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết anh cảm ơn nhà sản xuất vì đã đầu tư để mình có điều kiện thực hiện một bộ phim ngắn như “Niềm vui của ba” cho mục tiêu quảng cáo ở Việt Nam - một việc vốn chưa có nhiều người làm.
Quảng cáo thông qua những phim ngắn không lạ gì trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn còn hiếm hoi. Tuy nhiên, những câu chuyện lấy nước mắt người xem, đạt chỉ số hàng triệu lượt khán giả theo dõi của các phim ngắn sản xuất tại Thái Lan, Trung Quốc thời gian qua đã làm thay đổi tư duy quảng cáo của một số thương hiệu Việt.
Quảng cáo làm sao để người xem không thể nhận ra đó là quảng cáo đang là đích đến của các nhãn hàng lớn. “Để chiếm được tình cảm của công chúng, làm quảng cáo bây giờ phải thay đổi tư duy: tinh tế trong chuyển tải thông điệp. Vì vậy, phim ngắn là chọn lựa đúng đắn nhất cho mục đích này” - một nhà hoạt động quảng cáo chuyên nghiệp nhìn nhận.
Theo giới chuyên môn, Thái Lan được xem là quốc gia có đẳng cấp cao trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo bằng những phim ngắn gây xúc động cho người xem. Minh chứng là đoạn phim 10 phút quảng cáo camera của họ thu hút hơn 10 triệu lượt người xem trên YouTube gần đây.
Phim kể về một người vô gia cư mỗi đêm ngủ trước cửa một cửa hàng. Ông chủ cửa hàng không muốn thấy cảnh này nên tìm cách xua đuổi. Cho đến một ngày, khi mở cửa cửa hàng, ông không còn thấy người vô gia cư ấy nằm ngủ phía trước nữa. Lúc đó, ông mới xem lại hình ảnh đã ghi trong camera gắn trước cửa hàng suốt thời gian qua và phát hiện chính người vô gia cư nọ đã bảo vệ cửa hàng mỗi đêm trước nạn tiểu bậy, vẽ bậy. Một đêm, khi ngăn cản bọn trộm đang cố phá cửa để đột nhập cửa hàng, người vô gia cư nọ đã bị chúng giết chết. Câu chuyện phim và thông điệp của nó đã gây xúc động sâu sắc với người xem.
Những câu chuyện về tình cha, tình mẹ, tình người... rất nhân văn được xây dựng qua các bộ phim ngắn như thế đã nâng tầm cho các thương hiệu gắn kết quảng cáo khi nó được chuyển tải một cách xúc động đến người xem.
Hiệu ứng lan tỏa
Thành công của những câu chuyện xúc động trong các phim ngắn là có đến vài triệu lượt người theo dõi. Dù không cần xuất hiện một cách thô thiển theo kiểu tập trung dội bom hình ảnh trên màn hình như cách quảng cáo truyền thống, các nhãn hàng vẫn được chú ý bởi thông điệp của thương hiệu được chia sẻ rộng khắp.
Nhiều khán giả châu Á vẫn chưa quên sức lan tỏa ngoài mong đợi mà phim quảng cáo “Đem hạnh phúc về nhà” của một thương hiệu nước giải khát và bánh đã đạt được. Lấy bối cảnh là những ngày cận Tết, người cha già yếu chờ 3 đứa con làm ăn xa trở về. Sự chờ đợi của ông dường như vô vọng khi cậu con trai là nghệ sĩ ngôi sao bận chạy sô, cô con gái lớn là giám đốc công ty thì bận rộn với công việc cuối năm, còn cô con gái út là sinh viên lại chọn đi du lịch với bạn bè thay vì về nhà đón Tết với cha.
Cảm xúc mạnh mẽ và thông điệp ý nghĩa của bộ phim được truyền tải hiệu quả với hình ảnh người cha lặng lẽ trong đơn chiếc và cảnh những đứa con nghĩ lại để trở về nhà. Câu chuyện không mới nhưng luôn chạm đến cảm xúc người xem, nhất là trong dịp Tết. Không thể phủ nhận hiệu ứng của phim còn bắt nguồn từ dàn sao Hoa ngữ đình đám tham gia như: Trương Quốc Lập, Châu Tấn, Cổ Thiên Lạc, La Chí Tường...Tuy nhiên, chính câu chuyện phim đầy giá trị nhân văn, mang thông điệp ý nghĩa là yếu tố quyết định sự thành công.
Một khi đã tạo nên hiệu ứng, các phim ngắn này không chỉ mang lại lợi ích cho các nhãn hàng đồng hành. Chính những giá trị khác như chất nhân văn, ý nghĩa giáo dục trong câu chuyện được truyền tải lặp đi lặp lại thời gian dài đã ảnh hưởng tích cực đến đời sống cộng đồng.
Phim Việt còn thiếu tinh tế
Quảng cáo Việt cũng đã có những phim ngắn với câu chuyện cảm động nhưng cách thực hiện chưa thật khéo léo. Đôi chỗ, người xem thấy “cụt hứng” vì sự xuất hiện có phần thô thiển và khiên cưỡng của nhãn hàng.
Trong khi đó, các phim ngắn quảng cáo do Thái Lan thực hiện thường rất tinh tế bằng cách lồng ghép thông điệp của nhãn hàng cần quảng cáo vào lúc kết phim, khiến khán giả tin rằng đó là một phim ngắn thực sự. Cách làm khéo léo này đã giúp nhiều phim ngắn được tôn vinh như một tác phẩm điện ảnh ở một số liên hoan phim. Trong đó, nhiều nhất là liên hoan phim sundance (dành cho các tác phẩm phim độc lập).
Bình luận (0)