Mỗi năm, ngân sách nhà nước dành khoản lớn để đầu tư làm phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Muốn giải ngân, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phải duyệt kế hoạch sản xuất phim. Kế hoạch này sẽ phân bổ đến các hãng phim trực thuộc Bộ VH-TT-DL. Các hãng phim tìm kịch bản phù hợp để trình duyệt; nếu được duyệt kịch bản, sẽ trình kế hoạch tài chính thực hiện phim...
Phim tài trợ, đặt hàng của nhà nước giao cho các hãng phim nhà nước lâu nay còn có một ý nghĩa khác ngoài đầu tư cho chất lượng bộ phim là tiền lương nuôi sống đội ngũ của các hãng và chi phí hành chính khác. Vì vậy, kinh phí duyệt cấp làm phim chưa bao giờ được các hãng sử dụng trọn vẹn cho phim, nói gì đến bỏ tiền tỉ quảng bá phim như các hãng phim tư nhân thường làm. Cục Điện ảnh biết rất rõ điều đó nhưng không giao phim thì các hãng “con đẻ” của mình lấy gì sống, lấy đâu công ăn việc làm cho đội ngũ của họ.
Để xóa dần cơ chế bao cấp, Bộ VH-TT-DL đã chuyển đổi cơ chế hoạt động các hãng phim trực thuộc sang mô hình công ty TNHH MTV nhưng cũng chưa thể “dứt sữa” được vì không có vốn sản xuất phim, các công ty này cũng chẳng biết phải làm gì.
Năm 2012, Cục Điện ảnh tiếp tục dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách, theo quy định của Luật Điện ảnh. Trong dự thảo thông tư về đấu thầu này, theo bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - khi trả lời Báo Người Lao Động: “Bây giờ nói đến điện ảnh nhà nước là không nói đến các hãng phim của Bộ VH-TT-DL mà là những bộ phim do nhà nước đầu tư sản xuất. Không còn việc phân kế hoạch cho các hãng phim nhà nước làm như trước mà đưa các dự án phim vào tuyển chọn. Ví dụ với tiêu chí, đề tài này thì sẽ có thông báo hay thư mời cho tất cả các hãng phim trong nước, hãng nào thấy phù hợp thì gửi dự án tham dự. Hội đồng sẽ tuyển chọn dự án nào hay nhất, hợp lý nhất, đáp ứng các tiêu chí nhất để đầu tư. Những phim được nhà nước lựa chọn đều qua phương thức đấu thầu”.
Thế nhưng, giữa năm 2013, dự thảo thông tư này đưa ra lấy ý kiến gặp không ít ý kiến trái chiều của lãnh đạo các hãng phim nhà nước, một số nghệ sĩ. Đến nay, thông tư vẫn chưa thấy đâu. Chưa có thông tư hướng dẫn thì phim tài trợ, đặt hàng của nhà nước vẫn làm theo cách cũ, nghĩa là vẫn phân bổ kế hoạch cho các hãng trực thuộc Bộ VH-TT-DL và đạo diễn lại được “chọn mặt gửi vàng”. Phát biểu trên Báo Thanh Niên, đạo diễn Phan Đăng Di - tác giả của phim Bi, đừng sợ! - chua chát: “Phim lớn thế thì giao cho chú Nguyễn Thanh Vân, chú Vương Đức hoặc chú Đặng Nhật Minh. Những người như thế, tài năng của họ đã được thẩm định rồi. Sẽ là Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất. Câu chuyện này sẽ không bao giờ kết thúc cả”.
Chúng ta đang có một thế hệ đạo diễn trẻ tài năng cả trong nước và từ các nước có nền điện ảnh tiên tiến trở về. Điện ảnh Việt Nam đã có những tác phẩm ấn tượng thu hút đông đảo khán giả đến các rạp chiếu được làm từ những đạo diễn tâm huyết, có nghề này cũng như cơ chế điều hành sản xuất phù hợp, khoa học của những hãng phim tư nhân.
Tại sao chúng ta chưa tin tưởng để giao cho họ trọng trách làm ra những bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị theo cách làm hấp dẫn hơn, có khả năng thu hồi được vốn hơn.
Sự thật đắng cay của phim tài trợ, đặt hàng của nhà nước ra rạp không có khán giả càng thúc đẩy các nhà quản lý thay đổi cách nghĩ, sớm ban hành thông tư đấu thầu phim sản xuất bằng ngân sách nhà nước để các hãng phim đủ mọi thành phần có cơ hội tiếp cận nguồn kinh phí của nhà nước; các đạo diễn tài năng, tâm huyết có cơ hội thể hiện mình trong những dự án phim lớn của quốc gia để tạo nên những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn và quan trọng hơn là để những đồng vốn từ tiền thuế của dân không bị lãng phí.
Bình luận (0)