icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phim trường phía Nam: Manh mún, nhỏ lẻ

Hương Nhu

Việc các nhà làm phim ra nước ngoài mượn bối cảnh hay cố gắng hướng sự chú ý của người xem vào câu chuyện để họ quên đi bối cảnh vay mượn, dù sao cũng chỉ là giải pháp tình thế. Phim trường quốc gia vẫn là nhu cầu cấp thiết của điện ảnh Việt Nam hiện tại và tương lai

Giấc mơ có một phim trường đúng nghĩa vẫn mãi là một khao khát của các nhà làm phim Việt Nam nói chung và điện ảnh phía Nam nói riêng. Vài năm gần đây với chủ trương xã hội hóa, sự nhập cuộc của các đơn vị tư nhân cũng đã kịp cho ra đời vài phim trường nhưng quy mô và mức đầu tư chỉ mới đáp ứng yêu cầu của những bộ phim nhỏ lẻ.

Mạnh ai nấy lo

Cách đây 2 năm vào ngày 18-8 đã diễn ra một sự kiện không thể quên đối với giới làm phim phía Nam: Hãng phim Vifa, Công ty CJ Media (Hàn Quốc), Trung tâm Truyền hình cáp HTVC và Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TPHCM khánh thành cụm phim trường nội rộng 4.000 m2 (quận 2 - TPHCM) và phim trường ngoại rộng 15.000 m2 (Q.9 - TPHCM) trị giá 10 tỉ đồng. Với 2 studio lớn có thể bố trí cùng lúc 15 bối cảnh, trang bị hệ thống ánh sáng hiện đại trong phim trường nội và hệ thống đường sá, nhà cửa, quán ăn, công ty, chợ búa, rạp chiếu phim, ngõ hẻm... xây hoàn thiện như thật trong phim trường ngoại, đây được xem là phim trường đúng nghĩa đầu tiên (có hệ thống ánh sáng, đường ray, kho dựng cảnh...) và lớn nhất VN. 100 tập phim Mùi ngò gai được quay trọn tại phim trường này.

Ngoài Vifa, một đơn vị tư nhân khác là BHD cũng sở hữu một phim trường khá quy mô đặt tại quận 9, cách trung tâm TP 30 km. Trên diện tích gần 7.000 m2, phim trường BHD có 4 khu ngoài trời và một khu trong nhà có thể đáp ứng cùng lúc 3 đoàn phim. Bộ phim Cô gái xấu xí đang phát sóng được quay tại đây với khoảng gần 30 bối cảnh, từ nhà hàng, nhà của 3 - 4 diễn viên chính, sảnh, phòng tiếp tân, phòng họp, sàn catwalk... Cả một con hẻm nhà của Linh Lan trong phim Linh lan trắng cũng được dựng lên mà nếu người ngoài bước vào sẽ khó nghĩ ra họ đang đứng trong phim trường. Đây cũng là nơi từng quay các phim Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tuyết nhiệt đới, Người mẹ nhí, Nguyệt Quán và hiện là Bỗng dưng muốn khóc.

Không có những cảnh ngoại phong phú như phim trường Vifa, BHD, phim trường của hãng Créa TV (Q.4 - TPHCM) chỉ sử dụng cho những cảnh quay nội nhưng đây lại là mô hình phim trường khép kín. Phía dưới là trường quay, trên lầu là các phòng dựng phim. Quay được thước phim nào là đưa lên bàn dựng ngay để rút ngắn giai đoạn hậu kỳ.

Ngoài ra còn có thể kể đến phim trường của Nguyễn Chánh Tín rộng 2.000 m2 tại Hóc Môn (đã quay Dòng máu anh hùng) và sắp tới là phim trường Trúc Vân rộng 300 ha ở Phan Rang (nơi sẽ quay tập phim hình sự-ma quái Giếng khóc nằm trong loạt phim Chuyện lúc nửa đêm của Nguyễn Chánh Tín). Dự kiến quý II năm nay 2/8 studio của dự án phim trường Cánh đồng ước mơ rộng 20 ha tại Bình Dương của Công ty Trí Việt sẽ đưa vào hoạt động.

Phim trường quốc gia: Vẫn ở trên giấy

Mặc dù các phim trường tư nhân trên được đầu tư khá lớn nhưng nhìn chung chỉ đáp ứng cho những dự án nhỏ. Đụng đến những tác phẩm quy mô lớn, nhất là phim lịch sử ở tầm quốc gia như Thái tổ Lý Công Uẩn thì chưa có phim trường nào trong số các phim trường trên đủ sức đảm đương. Còn các hãng phim Nhà nước với nguồn tài chính hạn hẹp, nhiều năm nay mỗi khi làm phim vẫn phải như “gánh xiếc rong” đi khắp cả nước tìm bối cảnh thực để quay. Cách đây khá lâu, TPHCM đã có đề án quy họach phim trường quốc gia đặt tại phường Long Bình quận 9, nằm trong dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc. Theo ông Lê Văn Duy, cựu giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, đơn vị được TP giao cho đề án xây dựng phim trường quốc gia, thời ông làm giám đốc đã ký kết văn bản thỏa thuận về đề án này nhưng cho đến nay đề án này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Được biết, sở dĩ công trình chậm triển khai là vì vướng khâu đền bù giải tỏa. Khoảng cuối năm nay dự kiến TP sẽ xúc tiến lại công trình này. Nhưng đó cũng chỉ là dự kiến.

Một phim trường quốc gia vẫn là đòi hỏi cấp thiết từ quá khứ hiện tại cho đến tương lai. Việc các nhà làm phim ra nước ngoài mượn bối cảnh hay cố gắng hướng sự chú ý của người xem vào câu chuyện để họ quên đi bối cảnh vay mượn, dù sao cũng chỉ là giải pháp tình thế. Điện ảnh Việt Nam muốn tiến lên tầm chuyên nghiệp không thể không có một phim trường đúng nghĩa, dẫu biết rằng việc xây một phim trường như vậy sẽ rất tốn kém. Kinh nghiệm từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Mỹ cho thấy nếu chịu đầu tư và biết cách khai thác tốt phim trường thì không chỉ phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất phim mà còn góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo