Cuối cùng, trước phản ứng gay gắt của công luận, lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã xem xét trách nhiệm và quyết định ngưng phát sóng bộ phim Anh chàng vượt thời gian từ ngày 21-4. Theo những thành viên trong đoàn phim, nếu nhà đài không ngưng phát sóng thì hậu quả còn tệ hại hơn, vì hiện nay việc sản xuất gần như ngưng trệ, do các bộ phận tham gia làm tiền kỳ và hậu kỳ của phim này chán nản, bỏ việc; nhà sản xuất dựng chắp vá từ bản nháp cũ để lấp sóng.
Dễ dãi quá mức

Đại diện một đơn vị sản xuất phim tư nhân nói: “Rất khó để phim được chen chân lên sóng trong giờ vàng của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và VTV; cũng không dễ duy trì được kế hoạch lên sóng trong những lần tiếp theo nếu như chất lượng phim của lần phát sóng đầu tiên quá tệ, chỉ số quảng cáo không đạt chỉ tiêu”. Rõ ràng, nhà sản xuất cũng ý thức được việc chăm chút cho chất lượng để phim có cơ hội lên sóng giờ vàng nhưng sự dễ dãi của nhà đài lại vô tình tạo điều kiện cho nhiều bộ phim chất lượng kém tung hoành trên sóng.
Nếu không có một “cuộc cách mạng” trong quản lý phim truyền hình thì sự phát triển ồ ạt của phim truyền hình chạy đua theo quy định 30% thời lượng phát sóng phim Việt có nguy cơ đưa phim Việt đi vào ngõ cụt
Lâu nay, các nhà đài chỉ duyệt phim dựa trên 1/3 đề cương chi tiết, nên rất khó quản lý toàn diện nội dung khi phim đã “thành phẩm”. Chưa kể từ đề cương đến kịch bản hoàn chỉnh đôi khi có sự khác biệt rất lớn. Cũng mới đây, bộ phim Hãy cùng em điệu Sariakakeo, nói về đời sống tình cảm của đồng bào Khmer Nam Bộ, phát sóng trên VTV phải ngừng chiếu sau tập 1 vì bị phản ứng.
HTV - đơn vị đầu tiên tạo dựng được niềm tin cho khán giả về giờ vàng phim Việt cũng từng bị lên án khi để “lọt” bộ phim sặc mùi quảng cáo, nội dung nhạt nhẽo Hai gia đình và bộ phim hài nhảm Nợ đa tình (đang phát sóng lúc 20 giờ 45 phút trên kênh HTV7). Các đài truyền hình địa phương cũng vì thiếu phim nên dễ dàng cho lên sóng nhiều bộ phim chất lượng không cao, khó lòng định hình được vị trí nhất định cho giờ phim Việt trong dòng chảy cạnh tranh chung của các đài.
Tự đánh mất uy tín
Giờ phim Việt của VTV từng tạo được dấu ấn riêng khi cho khán giả thưởng thức những bộ phim chính luận có giá trị như: Ma làng, Gió làng Kình, Cảnh sát hình sự, Bí thư tỉnh ủy…; ngay những bộ phim nặng yếu tố giải trí - thương mại, phát trên sóng VTV3, như Bỗng dưng muốn khóc, Lập trình trái tim… cũng được công chúng yêu thích.
HTV luôn tự hào với nhiều bộ phim chất lượng cao được làm ra từ Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS); ngay dòng phim được làm bằng phương thức xã hội hóa cũng để lại nhiều ấn tượng, tạo nên “giờ vàng phim Việt” đầu tiên cho truyền hình Việt Nam.
Đáng tiếc là trước sự bùng nổ của phim truyền hình, các nhà đài đã không kiểm soát được tình trạng chất lượng, để vàng thau lẫn lộn như vừa qua nên mới xảy ra tình trạng nhiều phim kém chất lượng nối đuôi nhau lên sóng.
Chưa duyệt đề cương, vẫn lên sóng Nhà văn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), cho biết theo quy trình, muốn tham gia xã hội hóa sản xuất phim truyền hình, các hãng phim phải gửi đề cương để hội đồng xã hội hóa của VTV (gồm 6 người) duyệt đề cương.
Với những phim đầu tiên tham gia xã hội hóa, như Cô gái xấu xí, Chàng trai đa cảm…, hội đồng xã hội hóa quán xuyến khá tốt phần việc tham gia như đọc đề cương, chọn đề cương thích hợp để các hãng phim triển khai thành kịch bản.
Sau công đoạn này, các thành viên của hội đồng (gồm lãnh đạo VTV đảm nhận vai trò chủ tịch hội đồng, 2 thành viên phụ trách chuyên môn là lãnh đạo của VFC và đại diện các bộ phận khác của VTV) sẽ đọc khoảng 5-10 tập kịch bản đầu tiên để có những nhận xét cho phía đối tác.
Tuy nhiên, khi việc xã hội hóa phim truyền hình trở nên ào ạt như hiện nay thì việc đọc đề cương, kịch bản trở nên quá tải, các thành viên không có sức để theo dõi cùng lúc cả chục hãng phim.
Các thành viên hội đồng chỉ góp ý mà không biết nhà sản xuất có sửa theo góp ý này hay không, vì họ không có nghĩa vụ phản hồi. Thậm chí, có nhiều phim khi chưa bảo vệ đề cương ở hội đồng xã hội hóa thì nhà sản xuất đã “qua mặt”, tự động bấm máy, sau đó vẫn được phát sóng và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những “thảm họa phim Việt” như báo chí lên án thời gian qua.
H.L.Anh ghi |
Bình luận (0)