Cùng ra rạp, phim Việt Nam có “Nắng”, “Găng tay đỏ”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” còn phim Hàn có “Chuyến tàu sinh tử”, “Bộ tứ lừa đảo” và “Kế hoạch thoát ế”. Người xem được dịp so sánh và dễ dàng nhận ra sự yếu kém quá xa của phim Việt.
Phim Hàn ở thế áp đảo
Bất chấp “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” có lợi thế về truyền thông, phim “Chuyến tàu sinh tử” của Hàn Quốc vẫn đạt doanh thu 30 tỉ đồng chỉ sau một tuần công chiếu tại Việt Nam, theo số liệu công bố của nhà phát hành CGV. “Chuyến tàu sinh tử”, “Bộ tứ lừa đảo” và “Kế hoạch thoát ế” là 3 phim Hàn có thể loại khác nhau nhưng đều làm hài lòng khán giả Việt bởi kịch bản tốt, thông điệp ý nghĩa; diễn xuất tự nhiên, chân thật và cách dàn dựng hấp dẫn. Trong đó, phim “Chuyến tàu sinh tử” nói về thảm họa zombie (xác sống) nhưng lồng ghép vào đó sự chuyển biến tính cách con người, những mâu thuẫn khi đối đầu lợi ích cá nhân và nhiều yếu tố xã hội khác. Tất cả được phản ánh chân thật qua một kịch bản chặt chẽ, giúp cho cả nhân vật chính lẫn phụ đều tỏa sáng. Bên cạnh kịch bản, phim còn có dàn diễn viên thể hiện những cảnh nội tâm rất tốt từ người lớn đến trẻ em.
Phim “Bộ tứ lừa đảo” khai thác đề tài cổ trang, hành động, hài hước. Điểm nổi bật của phim là kịch bản cực tốt, những tình huống gây cười rất tự nhiên. Diễn xuất của dàn diễn viên trong phim chinh phục khán giả cả ở tình huống hài lẫn bi. Tuy thuộc thể loại hài nhưng thông điệp về tình anh em gắn bó, tình cảm gia đình thân thiết vẫn được lồng ghép vào một cách hợp lý.
“Kế hoạch thoát ế” là phim điển hình của dòng chick flick (dành cho phụ nữ). Nội dung kể về nữ diễn viên hạng A Go Jun Yeon (do Kim Hye Soo diễn) đang trong giai đoạn “giao thời” của sự nghiệp nhưng muốn làm mẹ nên quyết định có con nuôi. Cô đã lập kế hoạch nhận và nuôi con nuôi. Kim Hye Soo diễn xuất tuyệt vời, lột tả được tính cách, tâm lý, tình cảm của một phụ nữ danh tiếng, giàu có nhưng cô đơn, thiếu thốn tình cảm gia đình và khao khát có được nó. Hye Soo giúp khán giả nhìn ra được một Jun Yeon đáng thương hơn đáng trách trong câu chuyện phim. Các diễn viên khác trong phim dù là tuyến phụ nhưng diễn rất tròn vai, chứng tỏ được tài năng diễn xuất của mình, những phân đoạn giằng xé nội tâm hay bộc lộ cảm xúc đều thể hiện chân thật.
Phim Việt mọi thứ đều non tay
Điện ảnh Việt non trẻ so với các nước trong khu vực nên mọi sự so sánh thường khập khiễng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng phim Việt còn rất lâu mới bắt kịp phim Hàn vì đa phần kịch bản hời hợt, diễn viên diễn xuất thiếu chiều sâu, cách dàn dựng kém hấp dẫn...
Phim “Nắng” và phim “Găng tay đỏ” vừa công chiếu đều có ý tưởng tốt nhưng cũng vướng “bệnh chung” của phim Việt là lắm sạn, kịch bản nhiều chi tiết vô lý. Phim “Nắng” có phần mở đầu ổn, diễn viên diễn xuất tốt nhưng đến cuối lại không giữ được phong độ. Nhiều chi tiết vô lý như tuyên tử hình người thiểu năng mà chỉ trong một phiên tòa, bị cáo vừa nhận tội, tòa không nghị án đã tuyên tử hình. Nhiều tình tiết cao trào bị đẩy đến mức khiên cưỡng, dùng nước mắt bé Nắng để tạo sự xúc động với khán giả trông rất gượng gạo, làm giảm chất nhân văn của câu chuyện.
So với “Nắng”, phim “Găng tay đỏ” cũng có ý tưởng ban đầu tốt khi nói về số phận của những đứa trẻ được đào tạo trở thành sát thủ máu lạnh. Nhưng kịch bản chỉ có đoạn đầu là ổn còn đoạn giữa trở đi quá lằng nhằng, rối rắm; nhiều tuyến nhân vật được khai thác nhưng không làm nổi bật được nhân vật nào. Chuyện tình cảm trong phim không thuyết phục vì diễn tiến tâm lý nhân vật quá nhanh khi nhân vật là nữ sát thủ máu lạnh. Nhân vật nữ chính do Lan Ngọc thủ diễn có tâm lý chuyển biến thiếu thuyết phục, khai thác hời hợt nên vai diễn cuối cùng không ấn tượng như kỳ vọng.
Chi tiết găng tay đỏ lẽ ra được nhấn mạnh vì đây là tựa phim nhưng cuối cùng lại được lý giải đơn giản đến buồn cười. Các nút thắt mở gượng ép và dễ đoán, không cần theo dõi kỹ vẫn biết rõ phim sẽ đi hướng nào, cái kết ra sao. Nhiều lời thoại trong phim giáo điều, sách vở như câu đội trưởng đội chuyên án nói về đồng nghiệp hy sinh: “Cậu ấy không chết, cậu ấy sẽ sống mãi trong tim chúng ta” hay “Không có nỗi đau nào là vĩnh viễn, hãy để sự hy sinh đó đừng trở nên vô ích”.
Không ít ý kiến của giới chuyên môn nhận định rằng phần lớn diễn viên trẻ của phim Việt diễn xuất yếu. Họ không thể khóc, cười tự nhiên với nhân vật. Họ khóc gượng, nước mắt chảy xuống nhưng đôi mắt ráo hoảnh, thiếu cảm xúc. Điển hình là diễn viên Hạ Vi vai Tấm trong phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, diễn rất đơ, không lột tả được cảm xúc nhân vật. Diễn viên Linh Chi trong phim “Găng tay đỏ” khóc gượng gạo dù vai của cô mỗi lần xuất hiện đều phải khóc. Phân đoạn hay tin cha qua đời, Linh Chi diễn mà khán giả bật cười dù tình huống hết sức bi thương...
Phim Việt dù đã được đầu tư nhiều hơn về mọi mặt, kinh phí tăng nhưng vẫn chưa khắc phục được những điểm yếu căn cơ nhất là kịch bản, diễn xuất của diễn viên và khâu dàn dựng nên cứ phải chạy theo sau phim các nước khác, điển hình là Hàn Quốc, yếu thế trong cạnh tranh, không thể làm chủ thị trường của mình.
Bình luận (0)