xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phim Việt dự Oscar: Rớt từ vòng sơ tuyển!

HOÀNG LAN ANH

Cứ đến mùa, Cục Điện ảnh lại xét chọn phim đi dự giải Oscar nhưng đã bao năm nay chưa có phim nào của Việt Nam sản xuất được lọt vào vòng tuyển chọn

Mùi cỏ cháy của đạo diễn Hữu Mười, Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất, vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định cử làm đại diện tranh giải Oscar 2013 hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Vậy là thêm một bộ phim của Việt Nam nữa được gửi tham dự giải Oscar.

“Sân chơi đó không dành cho mình”

 Trước Mùi cỏ cháy, Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng đã từng được gửi đi tranh giải này nhưng ngoài những bản tin đăng trên các báo trong nước trước khi bộ phim được gửi đi, không một thông tin nào đề cập những bộ phim dự giải Oscar sau đó. Cũng giống như Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Áo lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh, Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Chuyện của Pao của Ngô Quang Hải... các năm trước đó, chưa một phim nào lọt vào vòng tuyển chọn, trừ Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử năm 1994 vì do Les Productions Lazennec của Pháp sản xuất, lấy danh nghĩa Việt Nam để dự giải Oscar.

img

Cảnh  trong phim Mùi cỏ cháy - bộ phim được đưa đi tranh giải Oscar 2013. ẢNH DO ĐOÀN LÀM PHIM CUNG CẤP

Một đạo diễn danh tiếng từng có phim gửi dự giải Oscar khi được hỏi đã chia sẻ ông chẳng kỳ vọng gì khi phim của mình được gửi đi. “Gửi phim đi là việc của bộ (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chứ không phải tôi. Thực sự sân chơi đó không dành cho mình. Vì thế không nên làm lớn chuyện này” - ông cho hay.
 
Đạo diễn này cũng nhấn mạnh điều khó khăn nhất khi phim Việt Nam tham gia các giải thưởng điện ảnh tầm cỡ thế giới chính là chất lượng không xứng tầm. “Nội dung độc đáo, chất lượng nghệ thuật hàng đầu rồi sau đó mới đến kỹ thuật. Họ chú trọng đến việc các tác giả làm phim như thế nào, có cái gì riêng không chứ nếu cứ bắt chước người ta đem phim đi thi thì không bao giờ đạt được như mong muốn” - đạo diễn này phân tích.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cũng thừa nhận việc lọt qua vòng sơ tuyển để vào vòng đề cử là cực kỳ khó khăn. Hội đồng tham gia tuyển chọn phim của giải Oscar lên đến 6.000 thành viên. Không chỉ xét về nghệ thuật, bà Ngô Phương Lan cho hay ở khía cạnh kỹ thuật, phim Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi tham dự các liên hoan phim quốc tế ở quy mô nhỏ như Bangkok - Thái Lan, Ấn Độ chứ chưa nói đến những giải thưởng lớn như giải Oscar.

Đi thi để kích thích nghệ sĩ sáng tạo (?!)

Trả lời câu hỏi gửi phim tham dự Oscar có phải là việc làm không “biết mình, biết ta” của điện ảnh Việt Nam, vì tất cả phim dự thi lâu nay đều không lọt được vào vòng tuyển chọn, bà Ngô Phương Lan nói nước đôi: “Không biết có quá sức hay không”. Tuy nhiên, bà Lan khẳng định việc gửi phim tham dự có ý nghĩa tích cực.
 
“Ít nhất phải có đích gì đó để phấn đấu chứ nếu ra rạp mà chỉ rặt phim giải trí cũng sẽ bị khán giả “mắng”. Phải có gì đấy để nghệ sĩ thấy mình được kích thích sáng tạo, thậm chí ở một số nước, họ còn đánh vào tự ái nghệ sĩ. Tôi nghĩ điều đó đang rất cần” - người đứng đầu ngành điện ảnh Việt Nam nói. Bà Lan cũng giải thích phim tham dự Oscar phải qua một hội đồng tuyển chọn, nếu trên 9 điểm mới được gửi phim đi, còn dưới 9 điểm thì không gửi như năm 2011.

Như nhận xét của hầu hết các đạo diễn, kỹ thuật có thể khắc phục nhờ đem ra nước ngoài in tráng, làm âm thanh…, điều cốt lõi nhất vẫn là chất lượng nghệ thuật. Một NSND nhấn mạnh: A Separation, bộ phim giành giải Oscar 2012 cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của điện ảnh Iran, là ví dụ. Kỹ thuật, câu chuyện của phim cực kỳ đơn giản, không bom đạn, chết chóc, không giết người, không cảnh sex nhưng bộ phim lại khiến người ta rung động về câu chuyện của ông chủ và cô giúp việc. Thế là đủ để có Oscar!

Chọn dự án tốt để đầu tư

Từ năm 2005, quy định phim dự tranh hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” của giải Oscar phải được chiếu thương mại ít nhất 7 ngày liền ở nước sở tại, trong khoảng thời gian từ ngày 1-10 của năm trước đến ngày 30-9 của năm tiếp theo. Nhờ vậy, từ năm 2006, Việt Nam chính thức nhận được thư mời tham dự tranh giải ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Từ đó tới nay, lần lượt có Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt, Khát vọng Thăng Long và nay là Mùi cỏ cháy có cơ hội gửi đi tham gia giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên, chưa có phim nào lọt qua vòng tuyển chọn.

Trước câu hỏi Cục Điện ảnh sẽ đầu tư cho các nghệ sĩ thế nào hòng tìm ra những bộ phim xuất sắc tranh các giải thưởng lớn trên thế giới, bà Ngô Phương Lan cho biết thời gian tới, các dự án làm phim của nghệ sĩ sẽ được tuyển chọn chứ không còn phân bổ như trước. “Không còn cách nào khác. Các nghệ sĩ sẽ phải xây dựng dự án của mình trên cùng một đề tài, chúng tôi sẽ chọn dự án tốt nhất. Sẽ buộc phải làm thế” - bà Lan nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo