xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM - nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Có không ít nghệ sĩ tha hóa về nhân cách!

Hữu Thân thực hiện

QUẢN LÝ VĂN HÓA.- Nhằm tìm biện pháp khả thi để chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật vốn có các biểu hiện tiêu cực xảy ra trên địa bàn TPHCM, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM, đã có cuộc trao đổi dưới đây với phóng viên Báo Người Lao Động.

. Phóng viên: Thưa ông, với tư cách người trực tiếp quản lý hoạt động nghệ thuật trên địa bàn TPHCM, ông nghĩ gì trước những hiện tượng sai trái mà báo chí đã phản ánh?

- Ông Phạm Minh Tuấn: Theo tôi, những bài báo liên quan đến nghệ sĩ TPHCM nói riêng, nghệ sĩ cả nước nói chung vẫn chưa làm toát lên đầy đủ bức tranh, diện mạo về những đóng góp của họ từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay. Có những nghệ sĩ thành danh trước năm 1975 tiếp tục giữ vị trí xứng đáng trong lòng công chúng, cùng với các nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975, họ đóng góp không nhỏ cho thành quả lao động nghệ thuật chân chính. Chúng ta xem những nghệ sĩ thành danh được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú... là thành quả chung của sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của dân tộc chúng ta.

. Liệu chúng ta có cần phải thẳng thắn nhìn nhận, mổ xẻ những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật để có sự định hướng và phát triển tốt hơn?

- Phải nói rằng trong giới nghệ sĩ, ca sĩ trẻ hiện nay, bên cạnh những người đang phấn đấu tốt trong học tập, sáng tạo nghệ thuật, rèn luyện đạo đức tư cách công dân, thì có không ít nghệ sĩ có những biểu hiện tha hóa về nhân cách! Chẳng hạn người ta cho rằng cái định ra “giá trị” nghệ sĩ hôm nay không phải vai diễn mà là những chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài qua đường... du lịch, thu được bao nhiêu đô-la sau mỗi chuyến đi. Tôi cho rằng nhận thức này đã làm biến dạng vị trí, vai trò nghệ sĩ. Không biết ở bên kia họ có được biểu diễn nghệ thuật thật sự không, hay chỉ được hát ở các quán ăn, đám cưới, sinh nhật, chúc thọ... như báo chí đã nêu. Trong đó, có những tác phẩm đã bị trích diễn thành “dị bản” mà các tác giả đã phản ứng. Thậm chí có ca sĩ trẻ đã hát những bài hát không có lợi gì về mặt chính trị cho họ, cho đất nước.

Có những người lên sân khấu biểu diễn không phải có giọng hát hay, tài diễn xuất giỏi mà chủ yếu khoe khoang áo quần khiến dư luận lên án: “hở trước”, “hở sau”, “hở trên”, “hở dưới”, “hở giữa”, đầu tóc thì nhuộm đủ loại màu sắc, rất xa lạ với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Có một số nghệ sĩ đã bị chiếu bạc “đỏ đen” chi phối, bị số đề lôi kéo trở thành những con nợ mà báo chí từ những năm trước đây đã nêu. Đây là những hiện tượng không lành mạnh. Kể cả việc báo chí gần đây phê phán hiện tượng nghệ sĩ, ca sĩ lên sân khấu biểu diễn song khán giả không biết họ thuộc “hệ” nào! Tuy vấn đề này pháp luật chưa điều chỉnh, nhưng dư luận xã hội đang rất quan tâm. Chính những hiện tượng sai trái không lành mạnh trong một bộ phận giới nghệ sĩ, ca sĩ đã làm cho bức tranh chung và hoạt động nghệ thuật không được sáng sủa lắm.

. Được biết, ông có ý đề nghị với Bộ VHTT một giải pháp quản lý có hiệu lực?

- Thật ra, từ khi bãi bỏ giấy phép hành nghề biểu diễn chuyên nghiệp của diễn viên, việc quản lý nghệ sĩ, ca sĩ (diễn viên) của chúng tôi ở TPHCM rất vất vả. Nếu có thể, đề nghị Bộ VHTT nên xem xét để có một giải pháp quản lý tốt hơn trong quá trình phát triển, nhằm củng cố, kiện toàn đội ngũ nghệ sĩ trong phạm vi cả nước theo đúng hướng, có chất lượng và giảm bớt những hiện tượng mà dư luận xã hội vừa qua đã nêu.

. Trong những giải pháp nhằm chấn chỉnh và quản lý tốt hơn hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại TPHCM, mà cuộc họp giữa Sở VHTT và các đơn vị chức năng hôm 6-5 đã đưa ra, theo ông giải pháp nào là quan trọng?

- Tôi cho rằng vai trò phối hợp của Sở VHTT với các hội nghệ thuật chuyên ngành là hết sức quan trọng, vì các hội đang quản lý một lực lượng nghệ sĩ không nhỏ ở TPHCM. Do đó, trách nhiệm của cả hai trong việc cùng quản lý, cùng giáo dục truyền bá tư tưởng tốt, nhận thức về nghệ thuật chân chính... là rất cần thiết. Tôi cũng cho rằng vai trò và trách nhiệm quản lý trực tiếp của giám đốc các nhà hát, người chịu trách nhiệm chính của các câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật, các tụ điểm ca nhạc, các cơ sở, đơn vị tổ chức biểu diễn cần phải được nhấn mạnh và đề cao. Vì không ai khác hơn, họ là người trực tiếp quản lý những chương trình biểu diễn. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước công luận khi để xảy ra những sự việc sai phạm cụ thể ở một địa chỉ cụ thể.

Tôi cũng nghĩ rằng vai trò của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và TPHCM là hết sức quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo và điều hành phối hợp chung. Về phía Sở VHTT TPHCM, chúng tôi sẽ giao trách nhiệm và quy trách nhiệm cụ thể cho các giám đốc, người chịu trách nhiệm chính của các đơn vị nghệ thuật công lập nếu để xảy ra những hiện tượng không tốt. Sở VHTT TPHCM sẽ kết hợp với các cơ quan tổ chức định kỳ (3 tháng một lần) cho những người hoạt động nghệ thuật được nghe, nắm bắt thông tin thời sự trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Sở VHTT TPHCM đang có kế hoạch triển khai các bước bổ sung cho nghệ sĩ được dự những chương trình học tập để nâng cao hiểu biết về chính trị, thời sự, kiến thức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của mình trước công chúng.

Về phía báo chí, đặc biệt là đài phát thanh, truyền hình, cần phối hợp với chúng tôi để làm sao cho các món ăn văn hóa tinh thần của người dân bớt đi hiện tượng tiêu cực và “thị trường hóa”. Cần củng cố những ban biên tập về ca nhạc cũng như văn nghệ nói chung sao cho đúng hướng, theo chỉ đạo của Ban Tư Tưởng Văn hóa Trung ương gần đây. Nếu vì đồng tiền mà để ảnh hưởng đến nhận thức tư tưởng, tư cách đạo đức và quan niệm sống của thế hệ thanh niên ngày nay phải kịp thời chấn chỉnh.

. Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí...?

- Trong khi luật pháp chưa đầy đủ thì rất cần tiếng nói của báo chí, của dư luận xã hội, để nền nghệ thuật dân tộc phát triển tốt hơn, người nghệ sĩ trưởng thành nhiều mặt hơn, xứng đáng với lòng thương yêu của công chúng cả nước. Tôi rất mong có tiếng nói của báo chí, những nhà báo quý trọng và mong muốn nghệ sĩ tốt hơn đã góp phần điều chỉnh những biểu hiện sa sút về nhân cách đạo đức của nghệ sĩ. Cần có tiếng nói của công chúng đề cao những nghệ sĩ yêu nghệ thuật, yêu quê hương, yêu đồng bào, biết đem lời ca tiếng hát góp phần xây dựng xã hội mới. Đồng thời, cũng cần phê phán những hiện tượng không lành mạnh mà công luận đã nêu.

. Xin cảm ơn ông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo