xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phố thị tình thâm

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

Nhà sát vách nhà, cửa nhìn qua cửa, người chạm mặt người trong một ít mét vuông. Đó là phố thị.

Vậy mà ít khi nghe chào hỏi, ít nghe tiếng nói râm ran. Nhớ ngày xưa ở làng, nhà cách nhà một khoảng vườn rộng, không dễ thấy mặt nhau nhưng giọng ai cũng lớn, tiếng hỏi thăm một người làm mấy người khác nghe cùng. Đó không phải là phố thị!

Khoảng bốn giờ chiều trở đi là dưới các mái nhà ở phố thị xuất hiện âm thanh va chạm của chén, đĩa, xoong nồi, dao thớt… Đó là chuỗi âm thanh chuẩn bị cho sự no lòng. Tôi không ngoại lệ. Sự chuẩn bị cho những bữa ăn trong thời buổi khó khăn này đơn giản hơn nhiều. Nhưng không hiểu sao khi những âm thanh thuộc về ẩm thực ấy không còn “rốp rẻng” nhiều nữa, tôi lại nghiêng sự chú ý về mùi hương! Tức là thay vì nghe, giờ đây tôi hay ngửi! Mùi hành tỏi phi, mùi sả ớt, mùi mắm kho… Ngửi cũng là một cách để ăn rồi.


Minh họa từ internet

Minh họa từ internet

Chiều nay tôi kho cá. Cá kho thì phải có thời gian thẩm thấu nên cần kho lâu. Tôi để lửa lò riu riu, tranh thủ chạy lên xem báo! Mải mê, một lúc sau tôi giật mình vì mùi khét lẹt xộc vào khứu giác. Chết rồi! Khét! Chỉ trong mấy bước chân ra nhà sau, tôi ngấm tất cả nỗi thất vọng về món ăn ngoài ý muốn này. Cá lóc đồng, hồi trưa đã làm sạch sẽ, ướp hành lá, mắm, muối, tiêu, đường rồi. Thế mà giờ đây... đúng là hoài công phí của!

Tôi nhanh tay tắt lửa, nhìn vào xoong cá, bần thần! Nhưng ủa, những khứa cá mong mỏng, hình tròn sôi lăn tăn đượm vàng vẫn còn xâm xấp nước kia mà… Ôi, nhưng sao mùi khét đang cật lực tỏa ra vậy? Ở đâu? Tôi chạy ra cửa sau, hít lấy hít để đặng tìm ra phương hướng. Đúng rồi, cái mùi khăng khét đó bay ra từ cánh cửa sổ của ngôi nhà đấu lưng nhà tôi! Tôi thở phào. Tốt rồi, không phải nhà mình! Thôi kệ người ta đi, rồi thì ai đó cũng sẽ nghe thấy thôi, chuyện nhỏ mà kêu lớn quá cũng kỳ.

Nhưng bỗng có tiếng kêu lớn:

- Cá… khét! Cá kho… kh…é…t…!

Rồi lại được lặp lại với mức độ khẩn cấp hơn:

- Cá khét! Ai kho cá? Chèn ơi, khét… nè!

Tiếng kêu của một phụ nữ váng lên cả xóm, như muốn làm ngừng lại ngay cái mùi đặc biệt của nước mắm cùng hành tiêu trộn với đường bị cháy ấy! Tiếng kêu không kinh hãi như “cháy nhà” hoặc đại loại ghê gớm như “Cướp, cướp!” nhưng quả là sự đánh động rất nhiệt tình, làm choàng tỉnh tất cả! Sau đó, có sự đáp trả bằng nhiều bước chân vội vã, tiếng mở nắp vung nồi, tiếng nói gì đó nghe lao xao của nhiều người… Ai cũng nhanh chóng xem lại cái nồi của mình. Tiếp đó là tiếng cạo tiếng vét, nhưng chỉ một tiếng thôi, một người thực hiện thôi. Chắc là “khổ chủ” đang khổ sở khắc phục tình hình.

Cá khét, tuy có làm chộn rộn cái không khí yên bình của buổi chiều nhưng không quan trọng lắm vì không phải chuyện đại sự. Hơn nữa, trong chuyện cá tép vặt vãnh này, tôi là kẻ vô can. Nhưng mà sao tôi cứ nghĩ ngợi, cả khi ngồi vào bàn trước những khứa cá đạt tới độ ngon nhức lưỡi này? Cái tiếng “Chèn ơi!” kia là gì mà mãi dội vào tâm trí tôi một sự ngượng ngùng, ray rứt? Hẳn là cái giọng nói chơn chất ấy, ngay khi hốt hoảng cũng bộc lộ hết mức cái sự thâm tình. Có lẽ đó là giọng của một chị cởi mở, nhân hậu ở nhà quê lên chơi? Chứ bấy lâu nay trong cái xóm này, mấy chục lần nghe thịt cháy cá khét mà có ai réo gọi ai đâu? Nhà ai nấy sống. Và cả tôi nữa, tôi đã từng là người đầu tiên phát hiện ra sự trở mùi của thực phẩm nấu nướng nhưng lại là người cuối cùng… lặng im! Khép kín và im hơi lặng tiếng, tôi đồng lõa với số đông hay tôi đã làm đúng theo nếp cư xử lãnh đạm quen thuộc của người thành phố?

Chiều nay vì mấy miếng cá… trật lất của hàng xóm mà bữa cơm của tôi không còn ngon lành. Dì gì đó ơi, cảm ơn dì lắm, nhờ dì mà tôi mới nhận ra mình từ lâu đã nhiễm cái hội chứng tưởng như rất bình thường, đó là cái hội chứng… thờ ơ phố thị! Tôi còn có dịp nào để sửa chữa nữa không? Nói ra điều này thật không phải nhưng “hy vọng” một hôm nào đó, từ sự vô ý trong bếp núc của ai đó mà mùi cháy khét có dịp bay ra nhiều lần nữa. Và tôi, lúc ấy sẽ được can đảm mà hô hoán lên giống dì dưới quê đó: “Chèn ơi… khét… khét kìa!”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo