xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phục chế những bích hoạ Cung An Định

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Những bức bích họa trong lâu đài cổ Cung An Định có tuổi đời gần 100 năm đã bị rã nát đang được phục chế, sống lại lung linh dưới bàn tay tỉ mẩn của các chuyên gia người Đức. Họ cũng đang truyền nghề cho 13 học viên là các sinh viên mỹ thuật vừa ra trường...

Cung An Định, lâu đài cổ được xây dựng cách đây gần 100 năm, từng được dùng làm nơi ở của vua Khải Định lúc chưa lên ngôi, chỗ ở thường trực của bà Từ Cung ngày xưa, chỗ ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương khi vừa thoái vị, là công trình nghệ thuật nổi tiếng, tiêu biểu cho sự kết hợp giữa kiến trúc, mỹ thuật Đông-Tây ở Huế đầu thế kỷ 20.

NHỮNG BÍCH HỌA ĐỘC ĐÁO.- Điểm độc đáo của những bức tường và trần nhà bên trong lâu đài cổ này, ngoài trần nhà tầng ba làm bằng gỗ, là tất cả đều được vẽ tranh. Cách đây gần thế kỷ, các kiến trúc sư người Pháp, các họa sĩ, nghệ nhân truyền thống Việt Nam đã

img
Cung An Định

vẽ lên tường với nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của sự kết hợp giữa thể loại tranh tường và các phù điêu trang trí. Những bức tranh đó có những nét vẽ tinh xảo ảnh hưởng phong cách châu Âu song lại mô tả phong cảnh Việt Nam. Các chất liệu, mô típ trang trí của châu Âu đã được thể hiện cùng đề tài trang trí Huế một cách nhuần nhuyễn. Đây thật sự là một cuộc hội ngộ độc đáo giữa văn hóa phương Tây và văn hóa truyền thống Việt Nam. Sự phong phú, đa dạng về mô típ trang trí và màu sắc này là rất hiếm thấy trong nội thất các lâu đài cổ ở châu Âu, ở Việt Nam và cũng gần như chỉ thấy ở Cung An Định... Khải Tường Lâu, tiền sảnh chính của cung điện là nơi lưu giữ những bức họa vô giá.

Tuy nhiên, sau nhiều lần dời ngôi đổi chủ, lâu đài cổ này đã xuống cấp nặng nề. Các bức tranh tường theo đó cũng bị phai mờ, biến dạng. Đau lòng hơn, các chủ nhân tiếp quản không hiểu hết giá trị của những bích họa, đã cho quét vôi, khiến nhiều mảng tường trước đây được trang trí bằng nhiều hoa văn, họa tiết rất tinh xảo, bị phủ bằng những lớp vôi dày... Tổng cộng có đến 3.610 m2 diện tích tranh và trang trí họa tiết trên trần và tường của 3 tầng công trình trong tình trạng bị bong tróc, ố màu hoặc bị các lớp vôi quét tường bao phủ.

KHỞI ĐẦU CỦA PHỤC SINH.- Vấn đề đặt ra là phải tìm cách tiếp tục gìn giữ các mảng tranh tường và trang trí nội thất đã và đang bị hư hỏng, trả lại diện mạo vốn có của nó. Để làm được điều đó, bên cạnh nghiên cứu khoa học tỉ mỉ và toàn diện, cần phải có nguồn nhân lực chuyên môn cao. Năm 2002, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với ông Thomas Ulbrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Văn hóa Leibniz-CHLB Đức, đồng thời là tình nguyện viên làm việc tại trung tâm, tiến hành khảo sát lập Dự án Bảo tồn phục hồi nội thất và đào tạo kỹ thuật tại Cung An Định-Huế giai đoạn 2003-2007, đề nghị Bộ Ngoại giao Đức tài trợ để phục hồi các tác phẩm vô giá này. Giai đoạn 1, chương trình phục hồi tranh tường chọn 6 bức tranh cổ. Tháng 6-2002, việc phục hồi 6 bức tranh tường ở sảnh chính Khải Tường Lâu được khởi công, trong khuôn khổ một dự án do Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tài trợ với số kinh phí 17.580 euro. Tham gia dự án phục hồi 6 bức tranh cổ này còn có 4 chuyên gia khác, đến từ thành phố Postdam là Andreas Liebe, Dirk Boehme, Andrea Teufel và Melanie Muenchau. Họ đều là cử nhân chuyên ngành phục hồi tranh tường. Trong đó ông Andreas Liebe là người đã từng có kinh nghiệm trên 20 năm trong lĩnh vực này.

Phục hồi các tranh tường cổ trên các di tích thật sự là một trong những vấn đề rất bức xúc trong công tác trùng tu di sản văn hóa Huế. Trước đây, một dự án đã được triển khai tại Thế Tổ Miếu và Tả Vu (kinh thành Huế) do các chuyên gia Ba Lan thực hiện. Tuy nhiên, dự án này đã gặp phải khó khăn về kinh phí nên đã dừng lại ở chỗ phát hiện các mô típ trang trí và làm dự án cho việc phục hồi các mô típ. Bởi vậy, những bức tranh cổ được trùng tu tại Khải Tường Lâu lần này mở ra một niềm hy vọng mới rằng trong tương lai, những bức tranh cổ của di tích Huế sẽ được cứu vãn...

Sáu bức tranh tường ở Khải Tường Lâu có kích cỡ 1,8 m x 1,4 m và 1,8 m x 1 m, được vẽ theo kỹ thuật sơn dầu trên chất liệu vữa. Phương pháp mà nhóm chuyên gia này đặt ra khi tiến hành phục hồi các bức tranh tường là tiến hành một cách kỹ lưỡng, sau đó mới can thiệp bằng các kỹ thuật. Thậm chí, công nghệ của các lớp sơn, thành phần hóa học của bột màu và chất dung môi cũng được gửi mẫu về Đức nghiên cứu, phân tích. Từ những kết quả có được, việc phục hồi được tiến hành với công đoạn đầu tiên là gia cố lớp sơn mỏng bằng keo polyacrylic, kế đó chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng. Bước tiếp theo là dùng xà phòng trung tính anionic tensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường... Sau khi hoàn tất các công đoạn này, một lớp keo acrylic được tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo những phương pháp kỹ thuật rigatino. Có cả thảy 5 bước trong quy trình phục hồi các bức tranh tường này: bóc tách, làm sạch bề mặt; copy nhân bản họa tiết; tu bổ nền họa tiết; xác định chất liệu, màu của họa tiết gốc và tiến hành phục chế trực tiếp tranh và họa tiết. Trong quá trình phục hồi, đã có những hóa chất chuyên dụng phải đem từ Đức qua. Những bức tranh này sau khi được phục hồi hoàn nguyên đã hiện lên sáng rõ lạ lùng...

Đây là lần đầu tiên một chương trình phục hồi tranh tường đã được thực hiện bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn quốc tế tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Đầu tháng 8-2003, chương trình phục hồi 6 bức tranh tường ở sảnh chính Khải Tường Lâu đã tổ chức lễ hoàn công.

SẼ SỐNG LẠI SẮC MÀU NỘI THẤT KHẢI TƯỜNG LÂU.- Sau thành công của việc phục hồi 6 bức bích họa nói trên, giai đoạn 2 của dự án được xúc tiến từ 2005-2007 với tổng kinh phí 444.810 euro. Trong đó, vốn hỗ trợ không hoàn lại của Bộ Ngoại giao CHLB Đức dự kiến 355.000 euro. Bà Andrea Teufel, Trưởng nhóm chuyên gia trùng tu, hôm 23-1 cho biết: “Chúng tôi đã làm sạch các bức tranh nguyên gốc bằng cách bóc tách bỏ các lớp vôi quét sau này và bảo tồn các bức tranh gốc. Để giảm thiểu hư hại, chúng tôi phục chế mới chỉ ở những phần bị mất đi một cách cẩn trọng để đem lại vẻ đẹp vẹn toàn của di sản. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là giữ lại những chất nguyên gốc với dấu ấn thời gian lịch sử, những phần phục chế mới chỉ nhằm mang lại hình ảnh nguyên gốc vẹn toàn...”.

Hiện việc bảo tồn, trùng tu đã được thực hiện ở 7 phòng chính của công trình. Do tính chất cẩn trọng của công việc, dự kiến việc trùng tu sẽ tiếp tục cho đến tháng 5-2008, kịp hoàn công vào dịp Festival Huế 2008.

Học cho tương lai

img
Một học viên đang phục chế một bức tranh theo sự hướng dẫn của các chuyên gia Đức

Một điều đáng nói là đang có 13 học viên là sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế cùng tham gia công việc trùng tu. Họ vừa học vừa làm và đó sẽ là những chuyên gia trùng tu tranh tường đầu tiên của Việt Nam trong tương lai gần. Võ Ngọc Thường, Cao Ngọc Thạch và Trần Chưởng là những người thợ trẻ cho biết: “Các trường đại học mỹ thuật không hề dạy kỹ năng phục chế tranh tường, trong lúc đó, các di tích Huế nói riêng và Việt Nam nói chung lại rất cần đến, vì vậy chúng tôi đang cố gắng học hỏi thật nhiều để có thể tiến hành công việc này trong tương lai”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo