Mặc cảm hóa động lực
Càng trò chuyện tôi càng bị cuốn vào những câu chuyện dường như không hồi kết của ông, bắt đầu từ cái thuở còn là họa sĩ nghiệp dư, tham gia triễn lãm tranh nghệ thuật. Sẽ chẳng có Trần Đạt của hôm nay nếu lúc ấy ông không bị mặc cảm đè nặng, chung quanh là những đàn anh đàn chị được đào tạo bài bản. “Nhục lắm chứ!” - ông không ngại ngần kể về kỷ niệm cũ.
“Trong buổi triễn lãm ấy hầu như chỉ có tôi là người không qua trường lớp, chắc là vì thế nên tiếng nói của mình chẳng mấy ai bận tâm. Biết làm sao hơn, người làm nghệ thuật luôn đề cao cái tôi riêng mình, huống hồ lúc ấy cái tên Trần Đạt còn khá lạ lẫm trong giới hội họa” - Trần Đạt thổ lộ. Nhưng ông không giữ mãi điều đó để tự ti mà ngược lại càng bị cô lập thì động lực về việc tạo lập tên tuổi thông qua các tác phẩm nghiêm túc càng rõ ràng.
Nghệ sĩ thì chỉ có việc lấy nghề đãi nhau, ông không tuyên chiến nhưng bất kỳ ai muốn thách đấu ông đều không nề hà. Cái hay của hội họa Trần Đạt là hễ quăng cho ông một bộ chì và một tờ giấy thì trong phút chốc ông sẽ đãi người xem một bữa tiệc nghệ thuật, đơn sơ nhưng đậm chất nghệ sĩ. Họa sĩ luôn có cái tôi riêng và hầu như họ ngại khi để người khác thấy được cái dở dang, cái không hay của mình trong lúc vẽ, riêng Trần Đạt thì không, ông vẽ ngay trước mắt mọi người và cả đối thủ của mình.
Chẳng những thế, ông còn quay cả video clip đăng trên YouTube. “Đơn giản tôi nghĩ nghệ thuật cần được chia sẻ, tôi làm vậy vừa để người xem thưởng thức trọn vẹn tác phẩm, vừa là cách để các họa sĩ học hỏi lẫn nhau, nghệ thuật không cần phải giấu! Hơn nữa, nếu ai đó muốn học vẽ thì nhìn vào những clip đó cũng có thể học hỏi, học vẽ không gì khác phải học bằng mắt” - vừa nói ông vừa khoe tác phẩm của mình.
Ông chia sẻ về cuộc đời mình
Nhưng có một điều hẳn nhiều người luôn băn khoăn, thế “túy họa” là phải say mới vẽ đẹp ư? Xin thưa, đúng là say thì vẽ có thần thái đấy: “Người ta đặt biệt danh cho tôi là túy họa giang hồ vì tôi có khả năng túy họa, nhưng những bức tranh vẽ trong lúc mà mọi người tưởng tôi say ấy là lúc tôi hoàn toàn tỉnh táo đấy chứ. Thực ra chưa có bức vẽ nào tôi vẽ trong lúc say cả!”.
Thì ra món nghệ thuật của Trần Đạt nó nghiêm túc đến vậy và túy họa chỉ là một trong tài lẻ của ông! Nghệ thuật không có nguyên tắc nào bất di bất dịch nhưng không có nghĩa người vẽ có quyền gieo sự cẩu thả và xuề xòa trong tác phẩm.
Họa sĩ lắm tài lẻ!
Ai cũng biết ông có tài vẽ nhưng tài cắt vải của ông cũng chẳng hề thua kém bất cứ người thợ nào. Chỉ mỗi điều ông không may được thôi! Tôi nói bông đùa rằng Trần Đạt là “thợ may nhưng chưa bao giờ đụng tới kim chỉ”, ông thích chí cười vui. Nói Trần Đạt là thợ cũng đúng thôi, ông không may nhưng vẽ cắt rất chuẩn mà cái hay của nghề may nằm ở chỗ vẽ cắt, chuẩn thì thành phẩm mới đẹp.
Họa sĩ Trần Đạt và các sinh viên khoa Báo chí truyền thông trường ĐH KHXH NV TP HCM
Ông cho tôi xem cuốn sách với tiêu đề “Khoa kỹ thuật cắt y phục Âu-Việt phục nam nữ và thiếu nhi” in và xuất bản lần đầu tiên năm 1980 mà ông là họa sĩ trình bày từ chữ viết cho đến hình minh họa và cả thiết kế bìa. Thiết kế sách công phu là thế nhưng đồng lương cũng không mấy cao thế nhưng ông vẫn chấp nhận. Vì nếu không làm như vậy thì chắc ông đã phải đạp xe xích lô mà kiếm sống mưu sinh từng ngày.
Lúc vẽ Trần Đạt hay hát, đó lại là một khiếu khác của ông! Trần Đạt hát hay hay không thì để người nghe tự cảm nhận nhưng có một điều tôi có thể khẳng định ông là người rất tự tin trên sân khấu. Nhờ vậy mà năm 2014, ông ghi tên mình vào sách kỷ lục Việt Nam với danh hiệu “Người vừa hát vừa vẽ tranh chân dung trong thời gian nhanh nhất”. Đứng trước hội đồng giám khảo vừa phô diễn tài năng vừa hát, sự tập trung cao độ không cho phép ông có bất kỳ sai sót nào.
Trần Đạt nhớ lại: “Thời đi học, tôi là một cây văn nghệ trong trường, nhờ đó mà tôi biết được một vài kỹ thuật biểu diễn trên sân khấu”. Cuối cùng người họa sĩ này cũng xuất sắc thuyết phục được hội đồng bình chọn không gì khác bằng chính tài hoa của mình.
Sống thong dong tự tại
Cuộc đời cho ta nhiều sự lựa chọn, quan trọng là ta muốn sống theo cách nào? Ở tuổi của ông, nếm trải nhiều sự đời và nhất là trải qua cơn bạo bệnh, cách nhìn và cách sống của ông cũng khác đi rất nhiều so với trước đó. Năm 1997, ông bất ngờ bị tai biến liệt nửa người và đưa ra quyết định ly dị vợ. Từ đó về sau, Trần Đạt sống mà không còn ràng buộc bởi vợ con, cái duy nhất ông còn ràng buộc và có lẽ đến suốt đời là hội họa-người bạn tri kỷ nhất với ông.
Sau cơn bạo bệnh, Trần Đạt được khuyên không nên suy nghĩ, tính toán kinh tế nhiều để giảm căng thẳng. Và đúng là từ đó, chuyện tiền bạc với Trần Đạt như phù du, ông sống trọn vẹn với niềm đam mê hội họa của mình. Đi và đi, đến đâu ông đều ghi dấu của mình bằng những bức ký họa. Cũng vì thế mà cái tên Trần Đạt xuất hiện và ngày càng nổi tiếng trong giới. Cái nổi tiếng đến với ông nó tình cờ như thế và ông tiếp nhận nhưng với quan niệm “có tiếng thì có miếng” chứ không hề đặt nặng vấn đề mưu sinh. Đơn giản, bạn bè quý mến ông và tài nghệ của ông.
Ông vẽ chân dung một sinh viên của lớp Báo chí K12
Ắt hẳn nhiều người cho rằng nếu sống như vậy thì họa sĩ làm sao tồn tại? Câu trả lời chính là bản thân Trần Đạt. Ông vẫn đang tồn tại và hơn nữa được người đời công nhận đó thôi! Trần Đạt khẳng định ông không sống bằng nghề vẽ vì nếu nói là nghề thì nó phải nuôi sống ông. Đối với hội họa, Trần Đạt luôn có niềm đam mê bất tận và ông xem nó như tri kỷ hơn là cái nghề mưu sinh. Ngay cả khi còn trẻ, Trần Đạt cũng chỉ kiếm tiền bằng những nghề liên quan đến vẽ như thiết kế nội thất, vẽ pano, áp - phích,… chứ chưa thương mại hóa tranh do mình vẽ.
Bình luận (0)