Prince qua đời tuần trước, hưởng dương 57 tuổi, để lại thương tiếc cho đồng nghiệp, người hâm mộ. Ngay sau đó, các sản phẩm âm nhạc của ông “đắt như tôm tươi” trên thị trường. 230.000 album và 1 triệu đĩa đơn từ bộ sưu tập của Prince đã được bán tại riêng thị trường Mỹ một ngày sau khi ông mất. Thông tin này được Buzzangle Music thống kê. Các album đình đám của Price có tên “The very best of Prince” dự kiến sẽ tái chiếm vị trí số 1 trên bảng xếp hạng album của Billboard với độ nóng ngày càng tăng.
Tài sản Prince để lại không chỉ các bất động sản mà còn là tiền tác quyền của nhiều sản phẩm âm nhạc được công chúng yêu thích. Ông là một trong số ít nghệ sĩ được cho là sở hữu bản ghi âm gốc và xuất bản ca khúc của chính mình. Doanh thu bán lẻ, lệ phí cấp phép, tiền bản quyền của hơn 30 album được bán hơn 36 triệu bản chỉ riêng ở Mỹ từ năm 1978 cộng với một khoản tác quyền các ca khúc chưa công bố khác được cho là khóa kín trong các căn hầm. Prince có sự đam mê cuồng nhiệt với âm nhạc, luôn đảm bảo đủ người và mọi tiện nghi để có thể thu âm bất cứ lúc nào trong ngày, một phiên làm việc có thể kéo dài 24 giờ liên tục không nghỉ. Trong năm 2014, khi trả lời phỏng vấn với Rolling Stone, Prince hé lộ rằng ông có một vài căn hầm lưu trữ âm nhạc. “Tôi không phải lúc nào cũng đưa cho các công ty thu âm bài hát tuyệt nhất của mình. Có một số ca khúc trong hầm mà chưa ai được nghe!” – huyền thoại âm nhạc này nói.
Các danh mục được giữ kín đó được cho là bao gồm cả album Prince thu âm với nghệ sĩ trumpet vĩ đại Miles Daivis, người đầu tiên đã dạy nhạc cho Prince tại Đại học California, Los Angeles – Mỹ. Tổng giá trị của bộ sưu tập này được đánh giá trên 500 triệu USD. Đó là chưa kể đến bản quyền phim, truyền hình, quảng cáo, video games có sử dụng hình ảnh của Prince. Tuy nhiên, nghệ sĩ lừng danh này lại thiếu người thừa kế tài sản của mình, ông ly hôn hai lần và không con, cha mẹ cũng qua đời, giờ chỉ còn một người chị là Tyka Nelson. “Hy vọng, Prince đã tìm được người để ủy thác khối tài sản âm nhạc đồ sộ của mình sau khi qua đời” – Luật sư Dan Streisand nhận định. Theo luật sư này, thông qua người ủy thác, một nghệ sĩ sau khi chết có thể cấp phép thương mại âm nhạc của mình một cách hạn chế và do đó vẫn có thể điều khiển bài hát của mình từ… ngôi mộ. Nếu không có di chúc, người thừa kế tài sản sẽ do tòa án phán quyết.
Prince từng chiến đấu quyết liệt giành bản quyền ca khúc của mình. Năm 1993, ông đã có trận chiến pháp lý với hãng Warner Bros, cho rằng hãng này chỉ sở hữu âm nhạc của mình chứ không sở hữu bản thân ông. Và sau đó, ông đổi tên mình thành một biểu tượng cách điệu độc đáo và công khai chúng với truyền thông, khán giả. Năm 2014, ông và Warner Bros làm hòa bằng thỏa thuận lấy lại quyền sở hữu trí tuệ với bản kỹ thuật số các ca khúc và đưa chúng trở lại danh mục của mình.
Khi tin Prince qua đời lan tỏa, nhiều người săn lùng sản phẩm khiến cái tên của nghệ sĩ này nóng bỏng trở lại.
Bình luận (0)