Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Hay thì không mới, mới thì không hay!
Ai trong mỗi chúng ta cũng có bóng dáng của người cha yêu thương nhưng để thể hiện tình yêu, sự tôn kính của con với cha không dễ như thể hiện với mẹ. Những lúc ấy, người ta thường lấy âm nhạc thay mình gửi lời tôn kính yêu thương đến cha. Nhưng giữa dòng chảy âm nhạc cuồn cuộn, người ta thấy chạnh lòng vì rất hiếm bài hát thực sự mới lạ, hay, ý nghĩa để dành tặng cho cha mình.
Biên tập viên Tú Uyên, kênh Giao thông đô thị FM 95, 6 Mhz - Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM, cho biết: “Mỗi lần thực hiện chương trình ca nhạc chủ đề về người cha là chúng tôi phải loay hoay tìm ca khúc vì chỉ có vài ba bài cứ phát đi phát lại, rất nhàm chán. Không có nhiều bài hát và không có bài hát mới, để làm phong phú chương trình, chúng tôi phải phát thêm những ca khúc viết về cha của nước ngoài”.
“Thời gian gần đây tôi không còn thấy bài hát nào mới viết về đề tài này nữa, dường như đã bị bỏ quên. Hiếm hoi lắm mới nghe được ca khúc hay như Nghĩ về cha của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy phát hành năm 2010. Tại sao các nhạc sĩ lại lao vào sáng tác những bài hát tình yêu tay ba, thất tình, đau khổ… mà không viết về những người sinh thành ra mình, những người cha đáng kính” - ông Nguyễn Hồng Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) nhận xét.
Nhạc viết về cha chưa được giới sáng tác chú trọng, số lượng ca khúc về đề tài này chỉ có vài bài, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Tình cha (Ngọc Sơn), Cha yêu (Quốc Vượng), Nghĩ về cha (Nguyễn Nhất Huy), Nhong nhong nhong (Thế Hiển), Những ô cửa xanh (Trần Lê Quỳnh), Bố là tất cả (Thập Nhất)... Mới đây, có thêm Cám ơn cha của Nguyễn Hồng Thuận viết cho Ngày của cha 16-6 nhưng cũng chưa đủ độ rung cảm. Trước đó, từng có Ánh mắt của cha, Khúc hát cha yêu… nhưng rồi chìm vào quên lãng. Hay thì không mới, mới thì không hay là thực trạng các ca khúc viết về cha ít ỏi trong kho tàng ca khúc Việt Nam.
Khó chuyển tải bằng âm nhạc
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng so với sự dịu hiền, tảo tần của người mẹ thì cha bao giờ cũng mạnh mẽ, rắn rỏi hơn. Người mẹ với nhiều hình ảnh đẹp, nhiều đức tính trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, âm nhạc, dễ dàng tạo nên mạch cảm xúc đối với những người sáng tác.
“Âm nhạc thường nhẹ nhàng, lãng mạn nên rất khó để đưa sự mạnh mẽ, uy nghiêm của người cha vào ca từ và giai điệu. Đôi lúc có đầy đủ chất liệu, cảm xúc nhưng không dễ truyền tải qua bài hát, không dễ chạm đến cảm xúc của người nghe” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lý giải thêm.
Các nhà tâm lý học từng khẳng định con trai bao giờ cũng dành nhiều tình cảm cho mẹ hơn, ngược lại con gái dành nhiều tình cảm cho cha hơn. Quy luật như lẽ tự nhiên này lại chính là điều ảnh hưởng không nhỏ tới các sáng tác của nhạc sĩ vì đa phần nhạc sĩ sáng tác ca khúc là nam nên dĩ nhiên là họ dễ dàng cảm nhận và sáng tác những ca khúc về mẹ.
Nhạc sĩ có thể viết đến hàng trăm bài hát về tình yêu mà chỉ duy nhất có một bài viết về cha hoặc mẹ. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy thừa nhận: “Viết về tình yêu, tác giả có thể hư cấu, tưởng tượng, một người không thất tình cũng có thể viết được một bài hát tình yêu bi lụy. Còn những ca khúc viết về tình cảm gia đình thường chỉ được “thai nghén” và ra đời bằng cảm xúc thật, những câu chuyện thật của chính tác giả”.
Nguyễn Nhất Huy cho biết anh viết ca khúc Nghĩ về cha khi chứng kiến cha anh đang vật vã trong những cơn đau trên giường bệnh. Ca sĩ Ngọc Sơn thì nói lên những kỷ nệm ngày thơ bé của mình với cha, để tự nhắc nhở mình phải ghi nhớ công ơn, lời dạy của cha qua ca khúc Tình cha. Nhạc sĩ Thế Hiển cũng chợt nhớ lại những ngày thơ bé được cha cõng trên lưng để rồi cho ra đời ca khúc Nhong nhong nhong.
Viết một ca khúc hay, ý nghĩa, lay động và có sức lan tỏa từ hình ảnh người cha không phải nhạc sĩ nào cũng làm được nhưng thiếu ca khúc viết về cha trong đời sống xã hội là trách nhiệm của giới sáng tác.
Khoảng trống cần bù đắp Quá ít những ca khúc viết về cha không chỉ làm hụt hẫng trong đời sống tinh thần của công chúng mà còn tạo nên sự mất cân đối trong đề tài âm nhạc. Nhưng khi đề cập thực tế này, không ít nhạc sĩ ngỡ ngàng vì họ dường như đã bỏ quên một mảng khá cần thiết trong đời sống âm nhạc. Bởi giữa thị trường âm nhạc đa dạng đề tài thì rất cần những ca khúc viết về gia đình, tôn vinh cha mẹ. Nhạc sĩ - ca sĩ Thế Hiển nói: “Đúng là người cha ít được tôn vinh trong âm nhạc. Chúng ta đang thiếu một số lượng khá lớn ca khúc viết về cha, trong khi ca khúc viết về mẹ lại rất nhiều. Đây quả là một vấn đề khiến những người làm nghề phải đặt ra câu hỏi và tìm hướng giải quyết để có sự cân bằng. Thấy được sự thiếu thốn này, các nhạc sĩ sẽ tìm cho mình những nguồn cảm hứng thật sự để viết những ca khúc hay về người cha”. Thế Hiển cũng đề xuất: “Hội âm nhạc hay các cơ quan, đơn vị nên tổ chức những cuộc thi, vận động sáng tác những ca khúc về cha để các nhạc sĩ tham gia đông đảo nhằm làm phong phú thêm cho mảng ca khúc viết về cha”. |
Bình luận (0)