Thực trạng ngày càng nhiều sách cho thiếu nhi có nội dung chứa đựng yếu tố kinh dị, bạo lực và sex được phát hành khiến phụ huynh hoang mang. Thực ra, ngành xuất bản Việt Nam thừa biết tại sao lại nảy sinh vấn nạn này. Theo khẳng định của nhiều đơn vị xuất bản, đây là hệ lụy của cách thức làm ăn chụp giật, quản lý tắc trách, chỉ biết đến lợi nhuận của hoạt động xuất bản tại Việt Nam hiện nay.
Quản lý bất lực
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành - nói: “Trách nhiệm chính thuộc về các nhà xuất bản (NXB) là nơi cấp phép xuất bản, luật đã quy định rõ rồi mà! Khi phát hiện sai phạm, cục sẽ yêu cầu NXB xác định mức sai phạm đến đâu và xử lý”.
Nhưng Luật Xuất bản cũng đã quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý về công tác hậu kiểm, trong đó Cục Xuất bản chịu trách nhiệm đọc lưu chiểu để kịp thời phát hiện sai phạm trước khi ấn phẩm chính thức phát hành. Theo ông Hòa: “Số lượng tựa sách ra nhiều đến cả triệu bản mỗi năm như thế thì Cục Xuất bản đương nhiên không thể bố trí hàng ngàn nhân sự để tiền kiểm hay hậu kiểm hết được”.
Như vậy, trách nhiệm kiểm tra thuộc về các NXB là chính. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học, cho biết: “Quy trình của NXB Văn học phải có đủ 4 chữ ký của biên tập viên (BTV), trưởng ban hoặc phụ trách ban biên tập nhận xét, đánh giá vào hồ sơ của BTV đưa lên, tiếp theo là phó giám đốc phụ trách nội dung và cuối cùng là chuyển lên giám đốc ký quyết định xuất bản”. Tuy nhiên, ông Vũ cũng thừa nhận: “Những cuốn sách kèm tranh ảnh như bộ Thế giới trong mắt bé thực ra rất dễ đọc vì sách mỏng thôi nhưng có thể là do cảm tính của BTV nên khi xét hồ sơ thấy bài thơ Bạn thân không có vấn đề gì”.
Hiện tại, có quá nhiều công ty làm sách liên kết nhưng chỉ tập trung vào khâu bán buôn, nhân sự chủ yếu là phòng phát hành, ngay cả các công ty kinh doanh sách lớn cũng chỉ có được vài BTV, còn lại là sử dụng cộng tác viên (CTV). Ngay BTV kiến thức cũng còn quá non nớt.
“Công việc xuất bản phụ thuộc rất nhiều vào những người làm việc trực tiếp, cấp đầu tiên là BTV. Các BTV của ta mới chỉ làm việc thuần túy trên câu chữ chứ không phải là nhà nghiên cứu hay nhà giáo dục nên đáng tiếc là các bạn quá thiếu bản lĩnh của BTV thực sự” - Ông Nguyễn Anh Vũ khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết NXB Văn học ghi nhận sự việc, sẽ xem lại các bản thảo những cuốn sách mà công luận phản ánh và hứa sẽ chỉnh sửa phù hợp trong những lần tái bản tới.
Mơ về môi trường xuất bản lành mạnh
“Nếu chỉ xử lý bằng cách sai thì phạt, kể cả là phạt nặng, sẽ không thể diệt sạch sâu trong xuất bản” - ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định. Theo ông, xử lý không có nghĩa là phạt mà có nhiều hướng.
“Đầu tiên phải làm rõ những cái sai mà bạn đọc, báo chí đã phát hiện, trên cơ sở đó tính đến trách nhiệm của người trong cuộc như thế nào? Tôi thấy những nội dung vi phạm cấp độ nặng nhất là những nội dung xấu, bạo lực, với những hình ảnh chém giết, những câu nói phản văn hóa, thiếu tính giáo dục; cấp độ thứ hai là nhảm nhí, sex; cấp độ thứ ba là sai phạm do thiếu hụt về học thuật. Cấp độ ba thì không đến mức phải lên án triệt để, thậm chí chưa đáng phạt” - ông Lê Hoàng phân tích.
Ông Lê Hoàng cũng cho biết thời gian tới, Hội Xuất bản chuẩn bị thành lập CLB các BTV. Chúng tôi muốn giúp các bạn BTV hiểu được các vấn đề liên quan đến pháp luật, tăng độ giao lưu trong môi trường xuất bản, mời các nhà tâm lý học, giáo dục học, nhà chuyên môn của các lĩnh vực đến nói chuyện để mở mang, nâng tầm cho BTV.
Mơ ước về một môi trường xuất bản lành mạnh, ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Sách Quảng Văn, tâm sự rất cần có một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp xuất bản của Việt Nam. Các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nhật… đều có bộ quy tắc này, được điều chỉnh bởi Hội Xuất bản hoặc nghiệp đoàn. Các công ty, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đều phải ký vào đó. Ai vi phạm thì cả cộng đồng làm sách và độc giả cùng tẩy chay. Phạt hành chính không ăn thua thì cần đánh mạnh vào kinh tế, không gì sợ bằng bị cộng đồng các công ty trong cùng lĩnh vực tẩy chay, độc giả quay lưng. Một NXB mà bị cả hội nghề nghiệp và độc giả cùng đẩy ra ngoài guồng máy thì chỉ có phá sản.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-4
Tự cứu con em mình
Sách là món ăn bổ dưỡng cho tâm hồn con người, đặc biệt ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành tri thức và nhân cách trẻ em. Hà Nội có CLB Đọc sách cùng con với nhiều hoạt động bổ ích như làm theo sách hay, giao lưu với các tác giả văn học thiếu nhi có tác phẩm được các em yêu thích...
TS - dịch giả Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, đánh giá: “Với thị trường sách rộng lớn hiện nay, lo lắng của các bậc phụ huynh về chất lượng nội dung sách là nỗi lo chính đáng. Tuy nhiên, vẫn có thể có những biện pháp làm giảm nỗi lo này, đó là hãy đọc sách cùng con, đồng hành với con cả trong việc chọn sách, xây dựng thói quen đọc và hoạt động đọc”.
Theo Thụy Anh, mỗi gia đình có thể là một “cộng đồng đọc” nho nhỏ. Chị khuyên mọi người hãy giao lưu cảm xúc với nhau qua từng cuốn sách, đố nhau về các chi tiết trong sách, gọi nhau bằng những cái tên nhân vật trong sách, đó là phương pháp tinh tế để tìm hiểu và hướng dẫn việc đọc của con. Đồng thời, các bậc phụ huynh có thể tự tạo cho mình một cộng đồng trao đổi thông tin về sách để có thể lựa chọn sách tốt, hay, lành mạnh cho con mà không tốn nhiều thời gian. Sự chia sẻ, giới thiệu từ bạn bè, cá nhân có uy tín, có chuyên môn là rất cần thiết.
TS Nguyễn Thụy Anh khuyến cáo các bậc cha mẹ hãy cùng con đi mua sách nhưng nguyên tắc là không áp đặt, chỉ giới thiệu, có thể phân tích, tranh luận, lắng nghe phản biện của con về cuốn sách là điều phụ huynh nên làm.
Bình luận (0)