“Nhưng thật tình cũng không biết bọn trẻ bây giờ thích đọc gì. Nhiều lúc tặng sách cho thằng con là chỉ mong nó chịu đọc, chịu trao đổi để hai mẹ con có một chút kết nối tinh thần” - chị nói.
Đã không nhiều phụ huynh của những đứa trẻ sinh vào những năm cuối 1970 cũng có cảm giác băn khoăn tần ngần như chị khi chọn sách cho con. Đơn giản vì thời của những phụ huynh ấy - khác bây giờ - sách truyện là thứ xa xỉ trong một đời sống bao cấp khó khăn; con người vật lộn với mưu sinh trong một xã hội tập thể rập ràng, cho con đeo đuổi học hành đã là một thành công lớn lao, nói chi đến văn chương xa vời. Khi đó, sách truyện cho thiếu nhi chủ yếu là dòng sách Nga, không nhiều lựa chọn khác. Ngành xuất bản thời bao cấp cũng không có điều kiện để chăm chút về hình thức cho tử tế nên mỗi cuốn sách thiếu nhi và người lớn, về hình thức chẳng khác nhau là mấy. Cũng vì hiếm nên vớ được cuốn sách nào là những đứa trẻ mê đọc đều quý như vàng. Đọc ngấu nghiến. Đọc nhập tâm. Những cuốn sách cũ kỹ trôi dạt qua tay nhiều người và lan tỏa sức ảnh hưởng, nối kết và chia sẻ mãnh liệt.
Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Như những món ngon với bọn trẻ đói, những nhân vật đẹp thường sống động và ấn tượng hơn với những độc giả thiếu thốn đời sống tinh thần trong một giai đoạn mà chuyện giải trí chỉ xoay quanh sách và chiếc đài radio.
Các nhân vật cứ thế lớn lên với mỗi cuộc đời riêng trong một thế hệ có chung mẫu số.
Ai đã từng trải qua cơn đói dài ngày hẳn biết quý những bữa cơm đầy đủ dường nào. Những đứa trẻ năm nào bây giờ là những ông bố, bà mẹ, cũng mong muốn bữa cơm đủ đầy đó luôn sẵn có với bọn trẻ của mình. Đôi khi vì say đắm với ký ức, họ quên rằng mỗi thời cuộc thì mỗi khác. Cuốn sách mà họ đọc hôm qua đến từ nước Nga đôi khi không quyến rũ với bọn trẻ cho bằng một quyển truyện fantasy đang “hot” trên toàn cầu.
Tiêu chuẩn dinh dưỡng của buổi cơm thời khốn khó đã khác buổi buffet thời đủ đầy. Cách ăn có lẽ cũng khác rồi nhưng cớ sao tôi và chị bạn đồng nghiệp kia vẫn muốn bọn trẻ được đọc những cuốn sách một thời của mình? Có lẽ bởi sự đắm đuối với ký ức. Có lẽ từng biết nâng niu những món ăn đạm bạc trong những bữa ăn tinh thần qua ngày tháng chật vật, chúng tôi trân quý từng trang sách, từng lời văn, sống cùng từng nhân vật của “thời đọc” của mình.
Tôi nhìn thấy vẻ băn khoăn do dự của chị bạn đồng nghiệp khi chọn mua cuốn sách từng gắn bó với thời thơ ấu của mình cũng như nhìn thấy những câu chuyện cổ tích hằng đêm mà mình kể cho đứa con trai đôi khi phải tìm cách biến tấu đi ít nhiều, để “thính giả” có thể thấy thích thú hơn, ít lý sự vặn vẹo hơn.
Bình luận (0)