Tại buổi tọa đàm “Dance và các lợi ích của dance cho sức khoẻ” diễn ra ngày 15-11 tại TP HCM, biên đạo kiêm bác sĩ vật lý trị liệu Alex Tú (hiện là Giám đốc Nghệ thuật Khoa Biểu diễn của Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ thuật SOUL) cho rằng nhảy múa không hề vô bổ nhưng phần lớn các bậc phụ huynh đều hiểu sai hoàn toàn.
Đồng quan điểm với Alex Tú, Tony Trần khẳng định việc nhảy múa sẽ giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn, tăng sự liên kết cộng đồng. Cả hai mang đến cho công chúng những thông tin mới về nhảy múa, làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người quan niệm không đúng về môn nghệ thuật này.
“Quan trọng là chúng ta có quyết tâm và ý chí theo đuổi niềm đam mê của mình đến đâu. Đến nay, khi trở thành biên đạo được nhiều người biết (được nhiều quốc gia trên thế giới mời chủ trì các hội thảo về nhảy múa và đứng lớp master class (lớp học nâng cao), giúp các học viên tập luyện để chuẩn bị cho các kỳ thi lấy chứng chỉ ISTD (chứng chỉ quốc tế công nhận trình độ chuyện nghiệp cho các vũ công), cha mẹ tôi bắt đầu hài lòng và ủng hộ tôi” -Tony Trần tâm sự. Anh cũng từng gặp khó khăn từ phía cha mẹ khi quyết tâm chọn nhảy, múa là nghiệp của mình.
Biên đạo múa Alex Tú chia sẻ nhảy múa chính là cách để thúc đẩy quá trình hoàn thiện bản thân. Bởi nếu không tập bạn sẽ không bao giờ làm được một động tác, dù dễ đến mức nào. Với kinh nghiệm nhiều năm dạy vũ đạo cho bộ môn nghệ thuật nhảy múa, Alex Tú muốn truyền lửa, tạo cảm hứng và tinh thần nhiệt huyết của bản thân đến thế hệ nhảy múa tiếp theo.
Thực tế, số người yêu thích nghệ thuật nhảy múa ở Việt Nam hiện nay không ít và môn nghệ thuật này hoàn toàn có ích nếu nó được phát triển một cách bài bản và nghiêm túc. Alex Tú nói: “Cho đến nay, nghệ thuật nhảy múa ở Việt Nam vẫn chưa phát triển bài bản vì mọi người chỉ tự học. Phải hiểu rằng nghệ thuật nhảy múa còn khó hơn nhiều so với những môn nghệ thuật khác vì bạn sẽ phải học cả đời”.
Bình luận (0)