Có thể nói, công chúng, đồng nghiệp… nhất là những ai quen biết, đều bàng hoàng đến sửng sốt khi nghe tin ca sĩ - NSƯT Quang Lý ra đi quá đột ngột bởi trong lòng mọi người, dường như điều gì liên quan đến anh cũng… “mới đây”. Mới đây, trung tuần tháng 11-2016, khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội còn thấy anh xuất hiện rất “phong độ” với giọng hát ấm dịu quen thuộc trong live show “Khi mùa thu đến” của nhạc sĩ Phú Quang. Mới đây, tuần trước, các ca sĩ đàn em còn đùa vui với “đàn anh” đáng kính của mình trong game show “The Mash-up” (Hoán chuyển bất ngờ) và người hâm mộ đang chờ “gặp mặt anh” vào buổi phát sóng đầu tiên trong vài ba ngày tới. Cuối cùng là… mới đây, chỉ trước vài giờ, anh còn cùng vợ đi tập thể dục như thường lệ mỗi sáng. Anh không hề có tiền sử bệnh gì hiểm nghèo. Vậy mà… nghe đâu chỉ một cơn đau, thế là… ra đi!
Tôi biết ca sĩ Quang Lý vào những ngày đầu anh mới vào TP HCM và đến công tác tại Đoàn Ca nhạc Tháng Tám những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ấn tượng về anh trong tôi ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên là một ca sĩ kiệm lời, khiêm tốn.
Sở hữu một giọng hát không thua kém ca sĩ hạng sao lúc bấy giờ, lại được đào tạo bài bản chính quy, song trong những câu chuyện tâm sự, Quang Lý luôn cho rằng mình đang luôn nỗ lực để mong được công chúng phía Nam đón nhận.
Ngay cả khi anh đã trở thành nam ca sĩ hạng nhất, được cử làm đội trưởng đội ca của đoàn, tính tình và phong thái của anh vẫn không có gì thay đổi, hiền lành, từ tốn, giản dị. Mỗi khi tôi đến đoàn để viết tin, bài, bao giờ anh cũng nhiệt tình giới thiệu các thành viên khác trong đội ca và dành những nhận xét tốt đẹp cho họ. Anh rất ngại và thường giấu niềm vui trong ánh mắt khi đọc hoặc nghe những lời khen ngợi giọng hát của mình. Anh sống sao hát vậy, luôn cư xử nhẹ nhàng, chỉ “manh động” đôi chút khi cầm vợt đánh bóng bàn giải trí với các đồng nghiệp tại chiếc bàn đặt sát bên hông trụ sở đoàn hát.
Sinh ra ở Thái Lan năm 1949, lúc 9 tuổi, Quang Lý theo gia đình về định cư ở Hải Phòng. Từ nhỏ, giọng hát hay bẩm sinh của anh đã được nhiều người yêu thích song phải đến khi được nhận vào làm thành viên “tốp ca” của Đài Tiếng nói Việt Nam, anh mới có điều kiện theo học thanh nhạc chính quy tại Nhạc viện Hà Nội.
Nhưng chính TP HCM, khởi đầu là Đoàn Ca nhạc Tháng Tám, rồi Đoàn Ca múa Bông Sen… mới thực sự là những cái nôi ấm áp, tạo nên tên tuổi cho Quang Lý. Anh hát được nhiều thể loại nhạc nhưng đi vào lòng người sâu đậm nhất vẫn là những ca khúc mang giai điệu trữ tình, đậm chất tự sự. Anh có “biệt tài” biến những giai điệu hùng tráng, mạnh mẽ trở nên ngọt ngào, truyền cảm. Nghe anh hát như đang nghe anh kể, mọi thứ cứ nhẹ như không, dù ở khu âm trầm nhất hoặc cao nhất, như đang lướt nhẹ qua các cung bậc của âm thanh, không hề phải cố gắng.
Ca sĩ Ánh Tuyết kể rằng năm 1984, chỉ vì một trục trặc nhỏ mà chị không được về Đoàn Ca nhạc Tháng Tám cùng với ca sĩ Quang Lý (lúc ấy đang quản lý đội ca) nhưng cũng qua sự cố “trục trặc” đó, chị nhận ra Quang Lý là một nghệ sĩ thực thụ, đầy tâm đức.
Ánh Tuyết nói chị quan sát nhiều nghệ sĩ đều giỏi, đều tốt nhưng ai ít nhiều cũng có “tính nết kỳ cục”, riêng Quang Lý là một người gần như hoàn hảo, chu toàn, cẩn trọng, không nghĩ xấu cho ai, chỉn chu, sống rất tự nhiên, đẹp, trong sáng, không ai chê, ai cũng nể, cũng mến cả giọng hát lẫn con người. Theo chị, giọng hát của Quang Lý toát ra nhân cách, nghe giọng hát biết con người, đúng là một nghệ sĩ lớn.
Những cảm nhận của ca sĩ Ánh Tuyết có lẽ cũng là cảm nhận của nhiều người quen biết ca sĩ Quang Lý, trong đó có tôi. Theo dõi mảng văn nghệ nhiều năm, tiếp xúc với ca sĩ Quang Lý nhiều lần, tôi thấy ngoài việc là một “nghệ sĩ thực thụ” với tài năng ca hát và nhân cách đáng trọng, anh còn là một người đàn ông của… gia đình, hết mực quý vợ, thương con.
Khi được hỏi thăm, anh luôn tự hào về các con mình, ngoan ngoãn, học hành thành đạt. Vợ anh ngày trước làm việc ở một xí nghiệp may quốc doanh, vào các dịp đặc biệt, anh thường đến đó tất bật dựng chương trình văn nghệ cho cơ quan vợ. Anh nói, ở nơi ấy, mình là “rể”, phụ giúp một tay cho vợ vui. Những năm gần đây, các con đã tự lập, không còn phải bận tâm về kinh tế, anh cùng vợ lại cùng thanh thản bên nhau như thời son trẻ. Vậy mà… chẳng thể tin được, lần tập thể dục cùng nhau vào buổi sáng 1-12 vừa qua lại là lần cuối cùng. “Anh Quang Lý ơi, anh mất đi, đâu chỉ mất một giọng hát hay mà còn mất một tấm gương cho lớp nghệ sĩ kế thừa!”. Hẳn không ai không đồng tình với lời ai điếu này của ca sĩ Ánh Tuyết.
Xin mượn lời một ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang mà Quang Lý từng hát rất hay để tiễn đưa anh: “Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về nơi cuối trời. Rồi thời gian cũng sẽ trôi qua cùng bao buồn vui. Những nét chữ xưa cũng sẽ phai mờ theo năm tháng. Mãi trong lòng ta vẫn còn bài ca…” (Cho em và cũng là cho anh).
Chinh phục bằng tình ca
NSƯT Quang Lý tên thật Phan Hữu Lý, qua đời lúc 9 giờ ngày 1-12, hưởng thọ 68 tuổi.
Những ngày đầu trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, Quang Lý công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam. Đầu những năm 1970, ông tham gia vào Đoàn Văn công Đài Phát thanh Giải phóng.
Đến năm 1983, Quang Lý đưa gia đình vào TP HCM rồi làm việc tại Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen cho đến ngày nghỉ hưu. Trong những năm qua, ông tham gia giảng dạy thanh nhạc tại Nhạc viện TP HCM.
Hơn 30 năm ca hát, ông chinh phục khán giả bằng những bài tình ca thuộc dòng nhạc truyền thống cách mạng. Những ca khúc gắn liền với ca sĩ Quang Lý: “Thuyền và biển”, “Hồ trên núi”, “Chảy đi sông ơi”, “Những ánh sao đêm”, “Trở về dòng sông tuổi thơ”, “Hà Nội ngày trở về”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Khúc hát sông quê”… Ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT do có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam.
Năm 2006, Quang Lý phát hành album “Vọng âm sóng”. Năm 2009, ông phát hành album thứ 2 trong sự nghiệp ca hát của mình mang tên “Cung trầm”, gồm những ca khúc do ông sáng tác, bước ngoặt mới trên con đường nghệ thuật của ông.
Linh cữu NSƯT Quang Lý được quàn tại Nhà Tang lễ Thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM.
Lễ động quan vào lúc 6 giờ 50 phút ngày 3-12, sau đó đưa đi án táng tại Nghĩa trang Thành phố. T.Trang
Bình luận (0)