Ấn bản cũ bị hủy bỏ sai một số từ ngữ, chú giải, trong đó nặng nề nhất là việc chú thích ở trang 29: từ “ca nhi” trong câu “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi” được chú thích: “Ca nhi: Tống thư có câu: “Ca nhi, vũ nữ” (con trai hát, con gái múa)”. Có ý kiến cho rằng nếu hiểu “ca nhi” là “con trai hát” thì tình trạng giới tính “xưa là ca nhi” của Đạm Tiên hẳn là con trai, đến nay bỗng được gọi “nàng ấy” thì khác nào đã được chuyển giới?
GS Trần Đình Sử, Phó Chủ tịch Hội Kiều học, cũng khẳng định: “Để xảy ra một số từ sai, lỗi sai trong cuốn sách là một sự việc đáng tiếc khiến chúng tôi thấy rất có lỗi. Nhưng không thể phủ nhận công sức nghiên cứu chú giải của cả một tập thể, sau khi phát hiện sự cố, chúng tôi đã hết sức cố gắng chỉnh sửa để có được ấn bản Kiều mới hoàn thiện hơn”.
“Truyện Kiều” văn bản cổ xuất hiện đã hơn 200 năm nên có vô số phiên bản. “Hiện tại, có tới gần 40 bản “Truyện Kiều” chữ nôm và hàng trăm bản “Truyện Kiều” chữ quốc ngữ. Tất cả các bản “Truyện Kiều” ấy đều rất khác nhau mà bản “Truyện Kiều” gốc của Nguyễn Du thì không còn nữa” - GS Trần Đình Sử cho biết. Theo ông, hiện chưa thể tìm được bản “Truyện Kiều” gốc này. Nhưng có lẽ những bản “Truyện Kiều” in sớm, từ thế kỷ XIX, sẽ gần với nguyên tác hơn. Còn những bản về sau, đều có sửa chữa. Mỗi văn bản lại có một nhược điểm riêng, nhiều chữ đã bị sửa đi, xa với nguyên tác, có thể hay hơn nhưng không thực sự là tác phẩm nguyên bản của Nguyễn Du.
Ông lấy ví dụ như câu: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” (trong bản của cụ Đào Duy Anh, vốn đã rất quen với người đọc) thì trong văn bản nôm cổ ghi là: “Trời xanh quen với má hồng đánh ghen”.
GS Trần Đình Sử cho biết thêm: “Thường thì chúng tôi lựa chọn phương án đưa về gần với nguyên gốc. Nhưng cách làm này cũng vướng vì có những chữ chỉ được dùng đương thời, chứ sau đó tiếng Việt thay đổi. Ví dụ như câu: “Bên cầu tơ liễu bóng chiều tha la” lâu nay vẫn được dùng là “Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”. Những trường hợp từ cổ không còn sử dụng nữa như thế này, chúng tôi lựa chọn cách gần với tư duy đọc hiểu của người Việt đương đại chứ không thể cứng nhắc phục dựng những từ đã chết để rồi độc giả đọc văn bản Kiều mới lại cảm thấy giống như đọc tiếng nước ngoài”.
“Truyện Kiều” ấn bản 2015 này được Hội Kiều học biên soạn dựa trên 8 bản Kiều nôm khắc in trong khoảng từ năm 1866 đến 1896, ngoài ra còn tham khảo các bản Kiều về sau, khoảng đầu thế kỷ XX. Không chỉ phục nguyên hơn 400 chữ so với các bản Kiều thông dụng, văn bản Kiều 2015 của Hội Kiều học được viết lại toàn bộ phần chú thích cho sáng tỏ và gọn gàng, không lạm dụng các dẫn liệu từ ngữ và điển cố, hạn chế các trích dẫn không cần thiết. Câu chuyện kinh điển này ngoài việc là một áng văn thơ tuyệt tác, còn có thể được xem như một cuốn từ điển chữ nôm - quốc ngữ sống động và phong phú.
Bình luận (0)