Nếu như trong năm 2014, phim ma ngoại tràn ngập các rạp chiếu Việt Nam thì từ đầu năm 2015 đến nay, phim ma Việt lại chiếm số lượng áp đảo màn ảnh rộng, đặc biệt là vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Cứ nhìn vào danh sách phim sẽ thấy: Thám tử Hênry, Oan hồn, Ma dai, Ngủ với hồn ma…, sắp tới là Ám ảnh, Vong ma, Bức tranh ma… và nhiều dự án khác đang xếp hàng chờ ra rạp đến cuối năm.
Không ma, khó câu khách!
Không ngoài dự đoán của giới chuyên môn vào năm ngoái, khi Quả tim máu (đạo diễn: Victor Vũ) và Đoạt hồn (đạo diễn: Hàm Trần) đạt doanh thu khả quan tại các phòng vé, đề tài ma mị nay đã trở thành vùng đất béo bở mà các nhà sản xuất tha hồ khai phá. Làm phim ma, họ luôn tìm cách tận dụng mọi yếu tố rùng rợn để câu khách, hù dọa khán giả trong khả năng sáng tạo của mình.
Thám tử Hênry lấy ý tưởng từ cái chết của cô gái trẻ sau một tai nạn thảm khốc trên cung đường. Oan hồn là câu chuyện về người vợ trẻ tự sát, hồn ma quay về ám ảnh chồng. Bức tranh ma xoay quanh chuyện ma ám trong căn biệt thự của cặp vợ chồng trẻ. Ám ảnh kể về cô gái chết oan uổng, hồn ma trở về đòi mạng người yêu... Với quan niệm phim ma phải hù dọa được khán giả, càng khiến nhiều người sợ càng thành công, các nhà làm phim mỗi người một kiểu, hầu như chỉ tập trung vào yếu tố hù dọa để câu khách.
Trò chuyện bên lề buổi ra mắt phim Ngủ với hồn ma, nhiều nhà báo lắc đầu: “Phim bình thường, không có gì đặc sắc, đó còn chưa kể đầy lỗi ở kịch bản”. Trước đó, Oan hồn cũng không nhận được phản hồi tích cực nào, thậm chí bị chê thẳng thừng “Oan hồn mà chẳng… ra hồn”. Thám tử Hênry và Ma dai được đánh giá “tạm ổn” so với mặt bằng chung nhưng tạo được hiệu ứng là nhờ các danh hài như Hoài Linh, Thái Hòa, Tấn Beo… chứ tổng thể vẫn chưa có gì nổi trội. Song, một điều chắc chắn rằng đã là phim ma thì sẽ không ế khách.
Những phim ma ra rạp thời gian qua đạt doanh thu đáng kể. Trong khi Ma dai đạt 14 tỉ đồng sau 4 ngày công chiếu (theo nhà sản xuất) thì Thám tử Hênry cũng mang về một số tiền bất ngờ ngoài mong đợi. Oan hồn dù không tạo cơn sốt vé nhưng vẫn có khán giả. Với một phim kinh phí thấp, chỉ cần 3 ngày ra rạp có thể dễ dàng thu hồi vốn. “Làm phim ma đường nào cũng thắng, không nhiều thì ít” - nhà sản xuất Trần Trọng Dần khẳng định.
Phim kinh dị bao giờ cũng có sức hút nhất định với khán giả. Đại diện các rạp chiếu cho biết nhu cầu khán giả về dòng phim ma ngày càng tăng. Nếu như năm ngoái, từ sau cơn sốt của phim ma Thái Lan Tình người duyên ma, các rạp phải liên tục nhập phim ma ngoại thì nay, thực đơn phong phú của phim Việt phần nào giúp khán giả có nhiều lựa chọn.
“Chuyển hướng sang làm phim ma là một đường đi an toàn và hết sức khả quan với các nhà làm phim Việt. Bởi lẽ, làm phim hành động không đủ kinh phí, làm phim tình cảm kén khán giả, làm phim hài có khách nhưng phụ thuộc vào danh hài, trong khi làm phim ma đơn giản, kinh phí thấp lại dễ ăn tiền” - đạo diễn Lê Bảo Trung cho biết. Hơn nữa, các nhà sản xuất Việt lâu nay làm phim theo kiểu “bán những gì người dùng cần chứ không bán những gì họ đang có”. Bởi vậy, trước nhu cầu càng cao của người xem, phim kinh dị đang dần hình thành một lối đi riêng, chiếm lĩnh thị phần khán giả.
Thiếu sự nhân văn cần thiết
Được sản xuất liên tục, phim kinh dị đang dần hình thành một dòng phim riêng biệt bên cạnh phim hài, hành động… Tuy nhiên, để tạo dấu ấn riêng biệt hay tạo diện mạo mới cho điện ảnh Việt thì dòng phim này vẫn chưa thể.
Mỗi lần ra mắt phim ma, các nhà báo lại rỉ tai nhau: “Chắc cũng không khá hơn là mấy” khiến sự chờ đợi những tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa không còn, thay vào đó là thái độ soi mói, ngán ngẩm. Sốt vé đôi khi chỉ là bề nổi, còn thực chất - theo đánh giá của các nhà chuyên môn - phim kinh dị Việt chưa đủ sức bật, chưa có dấu ấn riêng biệt, bứt phá ngoạn mục mà chỉ là những tác phẩm nhỏ lẻ, dựa vào yếu tố ma mị để hút khán giả là chính.
Đạo diễn Hàm Trần từng cho rằng điểm mạnh của các nhà làm phim Việt là biết dùng thủ pháp để gãi đúng chỗ ngứa của khán giả; còn điểm yếu là chưa biết nhìn thấy tổng thể câu chuyện, kết nối những cảnh huống riêng rẽ với nhau. Thật vậy, biết tâm lý khán giả xem phim ma thích cảm giác rùng rợn nên những chiêu hù dọa kinh hãi nhất được tung ra dày đặc (điển hình, phim Ngủ với hồn ma hầu như dọa ma từ đầu đến cuối). Song, những câu chuyện trong phim ma vẫn thiếu sức ám ảnh, được kết nối rời rạc, bừa bãi do kịch bản thiếu sự sàng lọc và cân nhắc. Nói như đạo diễn Đức Thịnh, tất cả là do thiếu sự nhân văn cần có trong câu chuyện.
Ngoài Victor Vũ và Hàm Trần - 2 đạo diễn Việt kiều đã có 2 tác phẩm kinh dị tròn trịa - những cái tên như Bá Vũ, Tấn Beo, Troy Lê, Lê Quang Thanh Tâm, Bảo Nguyên… làm phim ma chỉ như cách “giới thiệu” của một đạo diễn lần đầu tiên làm phim.
Dễ làm, khó hay
Nhiều ý kiến cho rằng các nhà làm phim Việt thừa sức hiểu được thị trường đang thiếu gì, cần gì và đã định hình được lối đi nhưng thiếu những cuộc đầu tư xứng tầm. Song, theo đạo diễn Lê Bảo Trung, phim kinh dị Việt chưa hay không phải do thiếu đầu tư mà vì tài năng chúng ta có hạn.
“Nền điện ảnh Việt còn rất non trẻ so với thế giới và khu vực, trong khi các đạo diễn, biên kịch thiếu kinh nghiệm, tay nghề chưa vững vàng lại vội vàng lao vào làm phim. Phim ma dễ làm nhưng rất khó cho hay, đòi hỏi người làm phải am hiểu, tinh tường và khéo léo từ đường dây câu chuyện đến cách thể hiện, chứ không phải cứ nhát ma là thành công” - đạo diễn Lê Bảo Trung nhìn nhận.
Tuy nhiên, ở một thị trường còn dễ dãi, thị hiếu phim còn hời hợt thì sẽ có không ít bộ phim kinh dị tệ, chất lượng thấp ồ ạt ra rạp nhưng doanh thu lại dễ dàng thắng lợi.
Bình luận (0)